img
Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 1.

Nguyễn Hữu Long chia sẻ: "Tôi đến với cà phê do hoàn cảnh quá nghèo. Lúc mới học hết lớp 2 nhà tôi rất nghèo, không đủ tiền cho tôi đi học nên tôi phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê. Đến năm 12 tuổi tôi đã phải rời gia đình để vào Gia Lai làm thuê trong rẫy cà phê, cắt cành, làm cỏ, đào hố bón phân và tới mùa cầm bao đi thu hoạch.

Dù nhỏ nhưng tôi phải cố gắng để làm việc suốt trong thời gian dài."

Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 2.

Nguyễn Hữu Long có diện mạo giản dị, khiêm nhường. Anh thường ăn mặc đơn giản với quần jeans, áo sơ-mi chứ không mặc suit như nhiều CEO khác. Ngay từ khi còn bé anh đã say mê cà phê, có duyên với cây cà phê có lẽ ngay từ lúc phải nghỉ học xa nhà theo người dì làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi 3 người em. Cứ lăn lóc như vậy nhiều năm, trải qua nhiều nghề kiếm sống và đối mặt với nhiều biến cố, đến năm 2000 khi tham vọng làm giàu được hun đúc thành ý chí khởi nghiệp anh đã hùn vốn với người bạn để rang xay và đi bỏ mối cà phê.

"Thất bại là tất yếu vì chúng tôi có quá ít kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu và gần như tất cả các kỹ năng cần thiết để làm kinh doanh", Long nhớ lại.

Sau lần thất bại đầu tiên anh vào đại học, tranh thủ làm thêm nghề phiên dịch tiếng Nhật để kiếm sống. Nhờ chịu khó tích luỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ. Năm 2009, Long lại nung nấu ý định khởi nghiệp, lần này là mở quán cà phê Bonsai. Khách hàng rất thích thú với ý tưởng vừa uống cà phê vừa được ngắm những tác phẩm nghệ thuật từ cây cảnh, nhưng anh đã sớm nhượng lại quán cà phê đầu tiên này do mặt bằng nhỏ, không có nhiều tiềm năng phát triển. Ngay sau đó, anh cùng một người bạn mở một quán cà phê Bonsai khác với quy mô lớn hơn, song thất bại lại gõ cửa lần thứ hai.

Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 3.

Nguyên nhân chính là vì có quá nhiều khác biệt trong cách làm việc mà không được giải quyết bởi hai người vẫn để tình cảm bạn bè xen vào. Long mất dần động lực, công việc kinh doanh xuống dốc. Kết quả của những lần khởi nghiệp ấy là anh trắng tay, mất cả căn nhà. Anh chả còn cách nào khác là phải lao vào kiếm tiền và lựa chọn tốt nhất là đi xuất khẩu lao động. Đó là vào thời điểm năm 2010.

Với vốn tiếng Nhật và sự động viên của vị cha nuôi người Nhật, Nguyễn Hữu Long quyết định nộp đơn xin việc ở Nhật. Công việc không thú vị nhưng giúp anh có thu nhập. Thời gian sống ở Nhật giúp anh được tiếp cận với văn hoá và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu của nước Nhật và anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo. Rút kinh nghiệm từ hai thất bại trước đó, anh dành tới 5 năm để chuẩn bị cho lần khởi nghiệp thứ ba.

Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 4.

Ngoài công việc chính làm nhân viên kiểm soát chất lượng cho một nhà máy sản xuất phụ kiện cho tập đoàn Toyota, Long tìm mọi cơ hội để học hỏi về cà phê. Anh tham gia bất cứ khoá học, hội thảo nào liên quan tới cà phê nào nếu có thể.

"Thậm chí có những lúc tôi phải "trốn việc" rồi tìm cách làm bù ngoài giờ hoặc nhờ đồng nghiệp hỗ trợ. Trong suốt thời gian ấy, tôi cũng dành dụm tiền kiếm được để mua các mẫu cà phê từ khắp nơi trên thế giới để về nghiên cứu và thử nghiệm. Tôi đặc biệt hứng thú và đi sâu vào đánh giá chất lượng cà phê và tham gia những khoá huấn và đào tạo chuyên gia được cấp chứng chỉ của Nhật Bản và Mỹ".

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, Nguyễn Hữu Long được một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu về cà phê tại Nhật Bản mời về làm quản lý chất lượng. Công việc này giúp anh có cơ hội được kết nối với các công ty và các chuyên gia cà phê hàng đầu thế giới. Đây là lợi thế của anh, đặc biệt là sau này khi anh quay trở lại khởi nghiệp ở Việt Nam.

Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 5.

Bốn năm sống, làm việc và học hỏi về cà phê tại Nhật Bản đã giúp Nguyễn Hữu Long tích luỹ được một số vốn và quan trọng hơn, rất nhiều kiến thức hữu ích để cuối năm 2015 anh quay về Việt Nam khởi nghiệp lần thứ 3, lần này là với thương hiệu hoàn toàn mới mang tên Shin Cà Phê. Tham gia ngành cà phê giúp Long hiểu rõ những điểm yếu cố hữu đang tồn tại của ngành cà phê trong nước. Điển hình như việc người ta cho vào cà phê rất nhiều hoá chất, ngô (bắp), bơ và đậu nành để cà phê khi rang có mùi thơm và đánh lừa vị giác của người dùng. Theo người sáng lập Shin Cà Phê, cuộc chiến với các loại cà phê tẩm, trộn chất lượng thấp chiếm đa số trên thị trường luôn diễn ra gay gắt nhưng Shin quyết tâm phải thay đổi thói quen uống cà phê của đa số người dân bằng loại cà phê rang xay chất lượng cao.

Sau một thời gian tập trung phát triển Shin Cà Phê, hiện nay vùng nguyên liệu trồng cà phê mà Công ty Shin Cà Phê đang kiểm soát có diện tích khoảng hơn 1.000 ha đối với loại hạt Robusta tại Gia Lai và khoảng 100 ha hạt Arabica tại vùng Cầu Đất, tỉnh Lâm Đồng. Với cơ cấu cung cấp cà phê ra thị trường của Shin hiện nay thì tỉ lệ Robusta chiếm hơn 80% tổng sản lượng với khoảng 500 tấn/năm, còn lại là Arabica.

"Chúng tôi cố gắng mang đến cho khách hàng trong nước các mẫu cà phê được kiểm soát tốt nhất, nhưng tạm thời chưa tập trung cho xuất khẩu vì chưa có đủ sản lượng và chất lượng như mong muốn", nhà sáng lập Shin Cà Phê thừa nhận.

Mỗi giống cà phê, mỗi vùng sản xuất cà phê trên thế giới đều sản xuất ra một mẫu có hương vị đặc biệt riêng. Dòng cà phê Cầu Đất – Đà Lạt của Việt Nam cũng vậy, chúng ta có thể sản xuất được loại cà phê ngang ngửa với các nước trên thế giới như Indonesia chẳng hạn. Điều Việt Nam cần quan tâm là làm sao để quảng bá tốt sản phẩm của mình đến người tiêu dùng và làm sao để sản xuất nhiều hơn nữa sản lượng để đủ phân phối cho thị trường.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, chúng ta nắm trong tay rất nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để bán cho thế giới và thị trường trong nước với giá trị gia tăng cao nhưng chúng ta thiếu định hướng chiến lược phát triển. Ngay cả việc Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil cũng không đồng nghĩa với việc nước ta nắm được lợi thế trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Lý do chính là cà phê xuất khẩu của nước ta chủ yếu là loại Robusta có chất lượng trung bình.

Một vấn đề lớn khác là đất nông nghiệp thuộc sở hữu của cá nhân quá nhiều, trung bình mỗi người dân ở vùng trồng cà phê có 1-2 ha cà phê, dẫn đến việc không thể kiểm soát chất lượng trồng trọt, thu hái, sơ chế và định vị sản phẩm để làm thị trường.

Nguyễn Hữu Long cho rằng, ngành cà phê Việt Nam còn manh mún từ vấn đề sở hữu nguồn nguyên liệu cho đến khâu thu mua, kiểm soát sau thu mua và định vị chất lượng dẫn đến không có thương hiệu và cuối cùng giá cả "xứng đáng" với những gì chúng ta vận hành ngành này. Theo Long, để giải quyết vấn đề này Việt Nam phải đi từng bước một. Đầu tiên, phải kiểm soát được vùng nguyên liệu, thay vì sở hữu cá nhân thì nước ta nên hoạt động theo cơ chế hợp tác xã, đồn điền để kiểm soát quy trình nuôi trồng, thu hái và tập trung xây dựng cơ sở sơ chế với máy móc thiệt bị đầy đủ, phòng nghiên cứu để tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D), định vị chất lượng sản phẩm và có kế hoạch PR ra thế giới để bán với giá cao.

Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 8.

Bước thứ hai cần thành lập Viện nghiên cứu phát triển cà phê chất lượng cao để tiếp thu kiến thức từ thế giới mang áp dụng cho nông dân, cho ngành để định hướng chất lượng sản phẩm, định vị sản phẩm và định vị giá bán cao hơn.

Bước cuối cùng là Nhà nước phải dẹp bỏ các loại cà phê "bẩn" (cụ thể là cà phê trộn bơ, đậu nành, bắp rang cháy và thậm chí trộn hoá chất độc hại) khỏi thị trường. Phải có chế tài khởi tố các công ty làm ăn không có đạo đức, gây ảnh hưởng đến uy tín của thị trường trong nước và hình ảnh của cà phê Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tiến hành xây dựng hình ảnh sạch, chất lượng cho cây cà phê Việt Nam.

Không tiết lộ doanh thu của Shin Cà Phê, người sáng lập thương hiệu này chỉ cho biết doanh thu chính của công ty đến từ sản phẩm cà phê rang xay và các hợp đồng tư vấn mở quán cà phê. Hai quán Shin Cà Phê hiện đang tự "nuôi sống" bằng doanh thu của quán. "Doanh nghiệp nhỏ của tôi đã được 4 tuổi, tôi vẫn một thân một mình đi khắp nơi nghiên cứu cà phê nhưng những gì chúng tôi làm được là rất nhỏ. Chúng tôi vẫn phải kiên trì làm vì sau khi doanh nghiệp nhỏ của tôi ra đời đã có rất nhiều thương hiệu cà phê sạch, hàng trăm bạn trẻ âm thầm học hỏi và làm việc một cách nghiêm túc để đóng góp cho sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam", Long nói.

Thế còn cái tên Shin? Nguyễn Hữu Long cho biết anh lấy tên viết tắt của vị cha nuôi quá cố người Nhật để đặt tên cho quán như một sự tri ân. Anh được ông nuôi ăn học từ năm lớp 6 cho đến đại học, được ông cho đi học tiếng Nhật và nhờ có tiếng Nhật anh đã vượt qua những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc sống và cả thời gian làm việc ở Nhật sau này. Đó cũng là một lý do mà Long không muốn franchise Shin Cà Phê dù có rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn.

Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 10.
Nhà sáng lập Shin Cà Phê: Đến với cà phê vì quá nghèo, hai lần khởi nghiệp thất bại và hiện bán ra thị trường 500 tấn/năm - Ảnh 11.
Nguyễn Thành Trung
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ