Nhà sản xuất xe đạp hàng đầu thế giới: Kỷ nguyên "Made in China" đã kết thúc

Linh Anh |

Các đơn hàng xuất đến Mỹ đã được Giant Manufacturing Co. chuyển toàn bộ từ các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sang Đài Loan để tránh nguy cơ bị Tổng thống Trump đánh thuế.

"Khi nghe thông tin Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch nâng thuế lên 25%, chúng tôi đã thực hiện việc chuyển nơi sản xuất rất nghiêm túc. Chúng tôi bắt đầu việc chuyển đổi ngay lập tức" Bonnie Tu, nữ chủ tịch của Giant Manufacturing Co., cho biết trong cuộc phỏng vấn ở trụ sở công ty tại Đài Trung, Đài Loan, Trung Quốc.

Giant, nhà sản xuất xe đạp hàng đầu thế giới, chỉ là một trong số lượng lớn các công ty toàn cầu đang tìm cách đưa hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc nhằm đối phó với mối quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong tuần, Intel Corp cũng là cái tên mới nhất cho biết họ đang xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình để tránh hậu quả từ cuộc chiến thương mại. Li & Fung Ltd., nhà cung ứng lớn nhất thế giới của hàng hóa tiêu dùng, cũng cho biết chiến tranh thương mại thức đẩy họ đa dạng hóa ngoài Trung Quốc.

"Năm ngoái, tôi nhận thấy rằng kỷ nguyên của Made in China và cung ứng toàn cầu đã kết thúc", Tu nhận định. Nhà sản xuất xe đạp leo núi và xe đua đã đóng cửa một nhà máy ở Trung Quốc năm 2018 và chuyển hầu hết các đơn hàng từ Mỹ tới các nhà máy ở nước ngoài.

Giant thông báo vào tháng 7 năm ngoái rằng họ đang xây dựng một nhà máy ở Hungary trong chiến lược dịch chuyển gần hơn tới các thị trường tiêu thụ.

Giant hiện đang có một nhà máy ở Đài Loan và một ở Hà Lan nhưng vẫn còn 5 nhà máy khác nằm tại Trung Quốc. Theo họ, có sở tại Đài Loan sẽ làm việc gấp đôi để đáp ứng kịp các đơn hàng. Công ty cho biết họ cũng đang tìm kiếm một đối tác ở Đông Nam Á để đặt nhà máy.

"Thế giới không còn phẳng nữa. Sẽ không còn mô hình giá cả phải chăng cho tất cả mọi nơi", Tu mượng tựa cuốn sách Thế giới Phẳng của Thomas Friedman để nói về tình cảnh hiện tại, khi thế giới đã không còn là một sân chơi bình đẳng cho các công ty và thương mại.

Spencer Fung, Giám đốc điều hành của Li & Fung’s, cũng đã lặp lại tuyên bố của Tu, nói rằng Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới vì sản xuất hàng hóa hiệu quả.

"Họ chỉ cần bỏ tất cả trứng vào một giỏ ở Trung Quốc bởi vì Trung Quốc rất tiềm năng. Giờ đây, cuộc chiến thương mại có vẻ như buộc mọi người, về cơ bản, phải suy nghĩ lại toàn bộ chiến lược của mình và tìm nguồn cung ứng trên toàn cầu cũng như rời khỏi Trung Quốc", Fung nói.

Cổ phiếu của Gaint đã tăng 9,8%, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay, trong phiên giao dịch ngày 17/6 khi công ty tuyên bố họ sẽ thu về ¼ doanh thu từ lĩnh vực xe điện. Cổ phiếu của Li & Fung cũng đã tăng vọt tới 6,4%, mức tăng lớn nhất trong 3 tháng qua trong phiên giao dịch ngày 18/6 tại Hồng Kông.

Kế hoạch rời nhà máy khỏi Trung Quốc, nơi đang là trung tâm cuộc chiến thương mại của Mỹ, dẫn tới phản ứng tích cực từ các nhà đầu tư. Hiện tại, thuế đang khiến giá mỗi chiếc xe đạp từ Trung Quốc vào Mỹ tăng tới 100 USD so với xe từ các nước không bị áp thuế. Đây là lý do khiến Gaint quyết định chuyển cơ sở sản xuất.

Việc chuyển đổi gây hậu quả tới giá thành sản xuất vì chi phí nhân công cao hơn, thiếu dây chuyền tự động hóa cũng như các ưu đãi khác.

Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn nhiều so với việc bị đánh thuế. Trong trường hợp thuế quan được gỡ bỏ, Gaint nói rằng họ sẽ đưa sản xuất trở lại Trung Quốc ngay lập tức. Tuy nhiên, không ai biết khi nào Mỹ mới bỏ thuế áp vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại