Huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra. Chính quyền và người dân địa phương này đã có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với mưa lũ, thực hiện phương châm 4 tại chỗ kết hợp với làm nhà phao tránh lũ để bảo vệ tài sản và tính mạng con người.
Mỗi gia đình tại xã Tân Hóa có 1 ngôi nhà phao tránh lũ
Xã Tân Hóa nằm bên sông Rào Nan được coi là vùng rốn lũ của huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Vào mùa mưa, các nguồn nước từ thượng nguồn đổ xuống nơi đây. Do xung quanh là núi cao, đường thoát nước duy nhất về phía hạ lưu là các dòng sông ngầm dưới các dãy núi, nước thoát không kịp, gây ngập lụt diện rộng.
Chị Cao Thị Tuyết Nhung, ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, để sống chung với lũ, gia đình chị làm nhà phao sát bên nhà chính. Khi bình thường, nhà phao dùng làm kho chứa lương thực, đồ đạc, đến mùa lũ về thì nó trở thành chiếc phao cứu sinh cho cả gia đình tránh lũ an toàn.
Với chi phí khoảng 30 triệu đồng, người dân xây được nhà phao khá kiên cố, bên dưới nhà được làm khung gỗ và kết dây gắn hàng chục thùng phi rỗng, khi nước nổi thì nhà nổi theo.
Mưa lũ lịch sử làm nhiều ngôi nhà tại xã Tân Hóa bị nhấn chìm
Theo chị Cao Thị Tuyết Nhung, khi nước lũ về, lương thực thực phẩm, nước uống, tài sản được đưa lên trên nhà phao, người dân sống trong nhà phao vừa an toàn tính mạng, vừa đảm bảo cho các sinh hoạt, ăn uống.
“Mùa mưa lũ nước vào ngập nhà, không có chỗ ở, lúa, ngô bị nước ngâm hết. Nếu không có nhà nổi thì gạo không có mà ăn, áo quần không có mặc, người không có chỗ ở, phải di chuyển vào trong núi ở tránh lũ”, chị Nhung cho hay.
Hàng chục năm qua, cứ đến mùa mưa bão, cả xã Tân Hóa bị ngập sâu từ 2-3m. Cơn lũ lịch sử năm nay, một số nơi trong xã ngập sâu từ 6-7 m, không còn một nóc nhà nào nhô lên khỏi mặt nước. Trước đây, mỗi khi mưa lớn, người dân Tân Hóa kéo nhau lên bìa rừng hoặc núi cao tránh lũ, đối mặt với đói rét, bệnh tật do nước lũ cô lập dài ngày. Bây giờ có nhà phao, mọi người không còn phải lên núi chạy lũ.
Ông Trương Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, xã có hơn 600 hộ dân và đã làm được hơn 500 nhà phao chống lũ. Nhờ nhà phao chống lũ, địa phương không cần di dời dân đi nơi khác mà lên nhà phao sống chung an toàn với lũ. Các tài sản có giá trị và lương thực được bà con vận chuyển lên nhà phao này khi lũ về.
Theo ông Trương Văn Duẩn, có nhà phao tránh lũ, bà con chủ động ứng phó với mưa lũ, nếu lũ kéo dài nhiều ngày thì người dân vẫn nấu ăn, sinh hoạt bình thường ngay trên nhà tránh lũ.
“Người dân nơi đây vốn sống chung với lũ, do đó bà con có nhận thức cao trong vấn đề phòng chống thiên tai. Đa số bà con đều có nhà phao và có đò để đi lại, vận chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Người dân nơi đây rất chủ động”, ông Duẩn nói.
Minh Hóa là huyện miền núi ở tỉnh Quảng Bình, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều bản làng nhanh chóng bị cô lập khi mưa lũ về. Trên địa bàn này, nước lũ về nhanh, rút chậm, gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của người dân.
Nhiều năm nay, khi mưa to gió lớn, các xã chủ động đưa lương thực dự trữ vào từng bản làng trước khi lũ chia cắt, gây cô lập. Tại địa phương này, mô hình nhà phao tránh lũ kết hợp phương án 4 tại chỗ đã phát huy được hiệu quả trong phòng chống thiên tai.
Ông Bùi Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, vài năm gần đây, mô hình nhà tránh lũ, nhà nổi được bà con tự làm khá nhiều theo nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Trong năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình huy động nguồn đóng góp để hỗ trợ xây dựng gần 100 nhà phao cho các hộ nghèo, giúp bà con tránh lũ an toàn.
“Đối với địa bàn vùng cao, trước mùa mưa lũ, huyện chủ động đảm bảo lương thực thực phẩm cho bà con. Kinh nghiệm chống lũ của bà con trước mắt có hiệu quả, đặc biệt có mô hình nhà phao chống lũ phát huy hiệu quả. Được sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức cá nhân nên các hộ ở vùng Tân Hóa mỗi hộ đều có 1 nhà phao chống lũ”, ông Tuấn cho biết thêm./.