Mới đây, Bộ Xây dựng đã bật đèn xanh cho phép xây dựng căn hộ thương mại với diện tích tối thiểu 25m2, kèm yêu cầu đảm bảo thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín. Trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh quy định về diện tích nhà ở tối thiểu sẽ mở ra cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người dân, phù hợp hơn với nhiều đối tượng mua nhà, nhưng cũng có ý kiến lo ngại xảy ra tình trạng nhà hộp diêm mọc lên khắp các đô thị.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại nhiều quốc gia phát triển hoặc đang phát triển, vấn đề về nhà ở không chỉ gói gọn trong một thị trường bất động sản nhỏ hẹp, mà là chính sách đáp ứng cả an sinh xã hội, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trong tương lai. Mỗi quốc gia trên thế giới, tuỳ thuộc vào tài nguyên đất, thu nhập thực tế của người dân và chi phí sinh hoạt, mà có quy định riêng về diẹn tích căn hộ tối thiểu.
Vậy các quốc gia trên thế giới quy chuẩn như thế nào cho việc này?
Singapore
Quốc đảo Singapore có diện tích chỉ 697,25 km2, dân số khoảng 5,3 triệu người. Số đông người sinh sống tại Singapore là dân nhập cư, công nhân, du học sinh ngoại quốc - những người có nhu cầu cao về nhà ở giá rẻ, tại một trong những đất nước có mức phí sinh hoạt đắt đỏ hàng đầu thế giới.
Để giải bài toán về nhà ở, Singapore cho phép xây dựng những khu nhà ở cao tầng với nhiều kích thước khác nhau, được xem là khu nhà ở công cộng. Tại đó, có những căn hộ rộng tới 5 phòng ngủ, nhưng cũng có căn chỉ cần 1 phòng ngủ đi kèm phòng đa chức năng - được sử dụng cho cả phòng khách, phòng ăn và bếp.
Nếu tinh trung bình, diện tích nhà ở tại Singapore là 80m2, nhưng mức tối thiểu mà người dân được cấp quyền sử dụng là 36m2.
Phối cảnh một căn hộ 36m2 ở Singapore.
Malaysia
Nhà ở tại Malaysia có phong cách xây dựng và kiểu dáng giống như Singapore, nhưng rẻ hơn và lớn hơn, do thu nhập trung bình cũng như chi phí sinh hoạt của quốc gia này thấp hơn Singapore khá nhiều. Môi trường xích đạo nóng quanh năm, không cần tới hệ thống sưởi và phong cách sống nhiều thế hệ với nhau đã biến Malaysia thành đất nước có nhiều ngôi nhà lớn nhất trên thế giới.
Diện tích căn hộ tối thiểu được phép xây dựng ở Malaysia phổ biến là 60m2, thường được chia thành 3 phòng ngủ. Những căn hộ 2 phòng ngủ rất hiếm, chủ yếu là nhà cho thuê hoặc khu vực sinh sống của người thu nhập trung bình, học sinh và sinh viên.
Căn hộ chung cư có giá trị thấp, một dạng nhà ở xã hội tại Malaysia
Trung Quốc
Dù là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng bất động sản hàng đầu thế giới nhưng theo số liệu của Dragonomics, khoảng 50 triệu trong số 230 triệu hộ gia đình tại các khu vực đô thị ở Trung Quốc đang sống trong những căn nhà thiếu toilet hoặc phòng bếp.
Từ nay đến năm 2039, Trung Quốc cần thêm 10 triệu căn hộ chung cư mới, phần lớn trong đó là nhà chung cư có diện tích nhỏ, hay còn gọi là chung cư mini.
Một căn hộ mini mẫu ở Đông Quản do công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc China Vanke giới thiệu có diện tích chỉ khoảng 15m2, giường ngủ được gấp lại để làm ghế ngồi, vòi tắm ha sen gắn ngay sau cánh cửa.
Một căn hộ chung cư mini mẫu tại Trung Quốc
Công ty bất động sản Soufun Holdings ước tính rằng, diện tích nhà đất ở trung bình đầu người tại khu vực thành thị của Trung Quốc hiện khoảng hơn 29 m2, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng 40m2 mà Chính phủ nước này đề ra cho mục tiêu năm 2015. Những con số này cho thấy, nhu cầu xây dựng căn hộ nhỏ với mức giá rẻ trong những năm tới ở Trung Quốc là rất lớn.
Chính quyền ở mỗi địa phương sẽ có quy định riêng về đối tượng được phép thuê hoặc mua nhà siêu nhỏ kiểu này, tuy nhiên, mẫu số chung là người có nhu cầu phải đáp ứng ít nhất 3 điều kiện, gồm: thuộc diện thu nhập thấp so với thu nhập bình quân của địa phương, có diện tích nhà ở bình quân dưới 7m2/người và có tài khoản tại ngân hàng tối đa 300 triệu đồng.
Tuy vậy, so với chuẩn của châu Âu, nhà ở tại Trung Quốc vẫn bị xem là rất nhỏ, mặc dù thói quen xây nhà của họ thường không bao gồm cây cối, sân vườn hay bãi cỏ trước nhà.
Hong Kong
Hong Kong nổi tiếng là khu vực có mật độ dân số cao hàng đầu thế giới. Sự chật chội khiến nhiều người dân ở đây luôn có cảm giác bản thân sống trong những chiếc lồng chứ không phải một căn hộ, dù là nhà đi thuê.
Hiện tại không có tiêu chuẩn cho diện tích căn hộ tối thiểu ở Hong Kong. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây của Đại học Hong Kong (CUHK), diện tích nhà ở bình quân đầu người ở Hong Kong chỉ khoảng 4,3m2, với chi phí thuê chiếm 40% thu nhập của gia đình (gần 11 triệu đồng). Thậm chí, 10.000 người - chủ yếu là lao động nhập cư Hong Kong - đang sống trong những chiếc lồng sắt chỉ có diện tích dưới 2m2, chi trả 3,5 triệu đồng/tháng.
Một căn hộ siêu nhỏ mà một gia đình tại Hong Kong đang ở.
Mỹ
Mỹ có một bộ quy chuẩn chung rõ ràng về vấn đề nhà ở có tên IRC (International Residental Code), thường dành cho căn hộ có 1 hoặc 2 gia đình ở cùng nhau. Phiên bản mới nhất năm 2015 của bộ luật này có quy định diện tích sàn nhà xây không được phép nhỏ hơn 9m2 (bao gồm 6,3m2 làm phòng khách hay các phòng chức năng khác và 1,6m2 sử dụng làm phòng tắm) thay vì 11m2 ở bản IRC năm 2012.
Minh hoạ đơn giản của một căn nhà đáp ứng các yêu cầu về diện tích tối thiểu của IRC 2012.
Tuy nhiên, do nước Mỹ là hợp chủng quốc nên với từng bang khác nhau, quy định cụ thể về diện tích nhà tối thiểu cũng khác nhau. Thậm chí, sự chênh lệch giữa diện tích nhà ở tối thiểu của Mỹ tại các bang khác nhau là cực lớn.
Tại một số bang lớn của Mỹ như New York City, California, Washington…, chính quyền bang vẫn giữ nguyên quy định diện tích nhà ở tối thiểu phải là 11m2. Trong khi Sarasota County của bang Florida, hạt Union Mills và Newfield của bang New York City, hay thành phố Philadelphia… không quy định diện tích tối thiểu.
Ngược lại, quận A3 thuộc hạt Arapahoe tại bang Colorado quy định diện tích nhà đất tối thiểu được phép cấp quyền sở hữu lên tới hàng hecta.