Hiện nay, giá thành bất động sản đắt đỏ, đặc biệt là ở các thành phố lớn hay khu vực trung tâm, khiến việc mua hoặc thuê được một ngôi nhà, căn hộ rộng rãi là điều khó khăn, đặc biệt là với những người trẻ, tài chính không dư dả. Chính vì vậy, nhiều người lựa chọn cách mua một căn nhà diện tích không cần quá lớn, sau đó sẽ tiến hành cải tạo nhà sao cho phù hợp với điều kiện và mục đích sử dụng.
Nhiều cách cải tạo sáng tạo đã được đưa ra bởi các gia chủ, trong đó có một phương án mang tên biến ban công thành phòng ngủ. Câu chuyện dưới đây của một người đàn ông Trung Quốc trên Aboluowang là một ví dụ.
Cụ thể, năm 2019, anh mua một ngôi nhà có diện tích khoảng 69m2 ở Hàng Châu, Trung Quốc và bắt đầu cải tạo nhà. Ngôi nhà ban đầu có thiết kế cơ bản, bao gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng trống. Tuy nghe có vẻ có nhiều phòng nhưng thực tế mỗi căn phòng lại rất nhỏ. Phòng khách sẽ ở chính giữa ngôi nhà, bao quanh là các căn phòng còn lại.
Thiết kế ban đầu của ngôi nhà
Người đàn ông đã nghĩ cách để cải tạo ngôi nhà sao cho trở nên thoáng đãng và phù hợp với nhu cầu hơn. Cuối cùng, anh quyết định đập bỏ bức tường ngăn cách giữa phòng 3 phòng ngủ và phòng khách để biến thành một không gian rộng lớn, tích hợp phòng khách, không gian làm việc, phòng ăn và nhà bếp. Ngoài ra, anh còn sáng tạo thêm khi biến chiếc ban công trở thành khu vực ngủ.
Để ngăn cách các không gian cũng như tăng độ riêng tư cho phòng ngủ, gia chủ đã nâng phần sàn phòng ngủ lên cao hơn với sàn ban đầu, cùng với đó là trang bị thêm hệ thống chiếu sáng, cửa gỗ ngăn cách.
Khu vực ban công được biến thành không gian ngủ
Tuy nhiên do không gian ban công cũng tương đối hạn chế, có hai bức tường chịu lực ở 2 bên và khả năng chịu lực của phần sàn cũng không quá chắc chắn nên gia chủ đã không thể kê giường tại đây. Thay vào đó chỉ có một tấm nệm dày hơn 30cm, đủ để ngủ nghỉ sau một ngày dài.
Trên thực tế, kiểu sáng tạo trên đã được nhiều gia đình áp dụng. Tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng, liệu có thật sự an toàn khi một chiếc ban công được biến thành khu vực để đặt giường ngủ, là nơi để con người nằm ngủ? Các chuyên gia đánh giá, để biết được ban công có khả năng trở thành khu vực ngủ hay không, gia chủ cần cân nhắc trên nhiều yếu tố.
Yếu tố quan trọng để đánh giá ban công có thể trở thành nơi ngủ hay không
Yếu tố quan trọng gia chủ cần chú ý trước khi đưa ra quyết định cải tạo đó là loại ban công. Ban công ở các căn hộ hay ngôi nhà thường được chia thành 2 loại, ban công lồi và ban công lõm. Loại ban công lồi, nhô ra còn được gọi là ban công treo. Ở loại ban công này, toàn bộ ban công sẽ nhô ra ngoài xét trên tổng thể không gian tòa nhà, nó được ví von là treo lơ lửng trên không, phía dưới không có kết cấu chịu lực. Chính vì vậy, khả năng chịu lực sẽ chỉ đạt đến một mức nhất định. Khi quá tải, tường hoặc nền ban công có thể bị nứt, thậm chí là sập.
2 kiểu ban công thường thấy ở một công trình
Khả năng chịu lực của ban công treo, ban công lồi thường là 400kg/m2. Nếu cải tạo thành phòng ngủ thì không gian sẽ chỉ chịu được số lượng đồ đạc nhất định. Nếu quá nặng, nó sẽ tiềm ẩn mối nguy hiểm về mất an toàn. Đã có nhiều vụ việc về ban công treo bị sập do gia chủ để quá tải đồ đạc. Vì vậy nếu có ý định cải tạo kiểu ban công này thành phòng ngủ, gia chủ cần cân nhắc thật kỹ và thật cẩn trọng.
Còn với ban công lõm, tức là ở trong tường, tức là trong nhà, được coi là thiết kế nửa mở, dưới ban công có kết cấu chịu lực, so với ban công lồi thì hệ số an toàn cao hơn nhiều. Nếu muốn biến khu vực này phòng ngủ, tốt hơn hết chủ nhà vẫn cần tham khảo ý kiến của ban quản lý nơi lưu trú xem liệu nó có hợp lý để cải tạo hay không. Bởi nếu là một tòa nhà riêng thì sẽ không có vấn đề gì quá lớn, nhưng nếu trong một tòa nhà chung thì vấn đề có thể nghiêm trọng hơn.
Nhiều vụ việc sập ban công xảy ra, đặc biệt là với ban công lồi khi khu vực này bị quá tải
Những lưu ý khi muốn biến ban công thành phòng ngủ
Sau yếu tố về độ chịu lực, quyết định sự an toàn của khu vực ban công khi được "biến" thành phòng ngủ, các chuyên gia cũng khuyên rằng người dùng nên lưu ý thêm cả 1 số điều sau.
Đầu tiên đó là tốt nhất hãy thi công phòng ngủ ban công dưới dạng khép kín, đóng ban công lại bằng các tấm kính cường lực hoặc khung sắt với cửa đóng mở chắc chắn. Điều này giúp hạn chế các tác động từ môi trường, ảnh hưởng đến những đồ dùng bên trong.
Thứ 2 đó là nên chú trọng vào việc cách nhiệt. Ban công thường là khu vực đón nhiều ánh nắng, hấp thụ nhiều nhiệt từ ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy đặc biệt vào mùa hè, nếu gia chủ không làm cách nhiệt tốt, khu vực này sẽ rất nóng. Gia chủ có thể tham khảo các phương pháp sơn cách nhiệt, dán kính cách nhiệt... Trang bị rèm cửa cũng là một giải pháp tốt. Vừa giúp cách nhiệt, vừa giúp những đồ nội thất bên trong, đặc biệt là đồ gỗ tránh khỏi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Cuối cùng là hãy cố gắng thiết kế đơn giản, tối giản đồ dùng. Vì suy cho cùng, ban công chỉ là khu vực gia cố thêm để thành phòng ngủ. Diện tích cũng như khả năng chịu lực của nó cũng giới hạn. Nếu sắp xếp quá nhiều đồ đạc còn có thể gây cảm giác lộn xộn, bừa bộn. Tốt nhất chỉ nên thiết kế đơn giản, đủ công năng sử dụng.
Theo Aboluowang