Nhà ngoại giao TQ chỉ ra thiếu sót của chiến thuật "Chiến lang" và cái giá khi nhận định sai về Mỹ

Hải Võ |

Cựu quan chức ngoại giao cấp cao Yuan Nansheng cảnh báo rằng việc người Trung Quốc nhận định nước Mỹ đang suy yếu là sai lầm.

Sai lầm nếu coi khủng hoảng Covid-19 ở Mỹ là cơ hội cho Trung Quốc

Ông Yuan Nansheng, phó chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mới đây đã công bố một phân tích, trong đó vạch ra những thay đổi cơ bản sẽ khởi động lại quan hệ song phương Mỹ-Trung Quốc khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

"Trong thời kỳ sau đại dịch, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể chuyển sang tập trung vào kiềm chế [Trung Quốc] và hướng tới một cuộc 'Chiến tranh Lạnh mới'," ông viết trong bài phân tích đăng trên tài khoản WeChat của Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Đại học Bắc Kinh, ngày 29/9.

"Dù không nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ đi tới tình huống thoát ly lẫn nhau, song khả năng này không thể loại trừ và cần được quan tâm một cách kỹ lưỡng," Yuan nêu.

Nhà ngoại giao TQ chỉ ra thiếu sót của chiến thuật Chiến lang và cái giá khi nhận định sai về Mỹ - Ảnh 1.

Ông Yuan Nansheng (trái) gặp thống đốc bang California, Mỹ, ông Edmund G. Brown Jr., tháng 6/2013 (Ảnh: ca.gov)

Ông Yuan - từng giữ chức Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, Mỹ - kêu gọi thực thi cách tiếp cận có tính toán hơn, giữa bối cảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho các nước khác trong đại dịch và chỉ trích Mỹ không xử lý tốt cuộc khủng hoảng y tế.

"Dù Trung Quốc đã làm tốt trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh thì việc xem đây là cơ hội lịch sử để Trung Quốc trỗi dậy là một sai lầm chiến lược," ông Yuan chỉ ra. "Nếu chúng ta cho phép chủ nghĩa dân túy cùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan nở rộ một cách tự do tại Trung Quốc thì cộng đồng quốc tế có thể lý giải nhầm rằng Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách 'Trung Quốc trước tiên'," Yuan đánh giá, so sánh với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.

Dịch Covid-19, được ghi nhận đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào đầu năm nay, sau đó lan rộng và ảnh hưởng ở phạm vi toàn cầu. Đại dịch đã làm sâu sắc thêm rạn nứt sẵn có giữa Bắc Kinh và Washington trong hàng loạt vấn đề - từ thương mại, công nghệ, an ninh cho đến quyền con người. Vào tuần trước, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đưa ra những quan điểm đối lập nhau về trách nhiệm đối với đại dịch, khi hai lãnh đạo có bài phát biểu trực tuyến trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

"Đại dịch đã khiến nền kinh tế Mỹ thêm nặng gánh, nhưng không đồng nghĩa kinh tế Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ cơ hội đó," Yuan nhận xét. "Nhờ vào công nghệ hàng đầu, thị trường tiêu dùng lớn nhất, thị trường tài chính và tiền tệ toàn cầu, nước Mỹ có thể là quốc gia đầu tiên bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế và trở lại quỹ đạo."

Ông Yuan Nansheng bổ sung rằng việc nhận định vị thế siêu cường của Mỹ đang suy yếu cũng là một sự "đánh giá sai lầm". Ông bày tỏ hoài nghi trước cảnh báo của Trump về cuộc thoát ly kinh tế với Trung Quốc - được dự báo là sẽ thu hẹp quy mô đầu tư thương mại hai chiều và khiến các nhà sản xuất Mỹ rời khỏi Trung Quốc, nhưng cho rằng Bắc Kinh vẫn cần sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất.

Nhà ngoại giao TQ chỉ ra thiếu sót của chiến thuật Chiến lang và cái giá khi nhận định sai về Mỹ - Ảnh 2.

Ông Yuan Nansheng cho rằng Trung Quốc nên dựa vào chiến lược "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình trong thời điểm này (Ảnh: Simon Song/SCMP)

Gợi ý dựa vào chính sách của Đặng Tiểu Bình hơn là ngoại giao "Chiến lang"

Bắc Kinh cũng cần chú ý đến những biến động trong "tam giác địa chính trị" gồm Mỹ-Nga-Trung. Ông Yuan nói Moskva có thể thu về lợi ích từ quan hệ rạn nứt giữa Mỹ-Trung, tương tự như Bắc Kinh hưởng lợi từ quan hệ Nga-Mỹ lao dốc.

"Sự thoát ly giữa Trung Quốc và Mỹ đồng nghĩa Trung Quốc sẽ trở thành tiêu điểm [trong tam giác], và khiến cho không gian đối ngoại của Trung Quốc còn rất ít," ông nói, nói thêm rằng Bắc Kinh cần cân nhắc nhiều hơn về tiến triển của bộ ba Mỹ-Nga-Trung nếu kịch bản Mỹ-Trung thoát ly xảy ra.

Trong khi quan hệ Mỹ-Trung xuống dốc, Yuan Nansheng gợi ý Bắc Kinh dựa vào đường lối đối ngoại "thao quang dưỡng hối" (giấu mình chờ thời) mà Đặng Tiểu Bình khởi xướng trong thập niên 1980.

Điều này tương phản với cách tiếp cận theo kiểu "Chiến lang" của các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện nay - với những phát ngôn ngày càng quyết liệt hơn khi mâu thuẫn với Mỹ leo thang, và Bắc Kinh nhận nhiều chỉ trích hơn về những tham vọng toàn cầu của họ.

"Một số người nghĩ rằng áp dụng chiến lược [của Đặng Tiểu Bình] sẽ thể hiện sự yếu ớt. Đây hoàn toàn là lý giải nhầm lẫn... Binh sĩ thì tuốt gươm, nhưng trong ngoại giao thì hãy tra gươm vào vỏ - không cần phải cho mọi người thấy là anh có đeo gươm," Yuan viết. "Ngoại giao Trung Quốc cần trở nên mạnh mẽ hơn chứ không phải cứng rắn hơn."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại