Chị Nguyễn Thị Thuỷ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con thi lớp 10 năm nay. Thời điểm này, con chị đang tích cực ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Dù luôn động viên con cố gắng nhưng gia đình chị cũng đã dự phòng cho những tình huống xấu nhất.
"Con mình lực học bình thường. Nhiều lần làm đề thi thử con chỉ loanh quanh mức 6, 7 điểm. Trong khi đó những trường công gần nhà đều là trường top, lấy điểm chuẩn rất cao. Như trường Thăng Long năm vừa rồi lấy 41 điểm. Tất nhiên ai cũng mong con đỗ nhưng cũng phải nhìn vào thực tế", chị Thuỷ chia sẻ.
Vợ chồng chị Thuỷ đều là nhân viên văn phòng, mức lương cả hai cộng lại chỉ đủ chi tiêu hàng tháng, dè sẻn thì mỗi tháng dư ra được khoảng 3 triệu đồng. Với mức lương đó, chị không thể lo đủ cho con học trường tư nếu chẳng may trượt trường công. Mà trường công thì khả năng cao là con chị cũng khó đỗ NV1.
Gia đình chị Thuỷ đã tính tới phương án gửi con về ở nhờ nhà người bác dưới huyện Thạch Thất để học trường NV2 dưới đó. Chị cũng đã có lời với người họ hàng và con trai chị cũng đồng ý với đề xuất của bố mẹ.
"Chưa rõ sau khi học hết cấp 3, con có muốn học đại học không, hay muốn học nghề. Nhưng trước mắt cả con, cả bố mẹ đều muốn con được học cấp 3 như các bạn, nên giải pháp này là khả thi nhất", chị Thuỷ chia sẻ.
Được biết, năm học 2023 - 2024, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập là gần 105.000 em. Trong khi đó, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập chỉ khoảng 72.000. Như vậy, hơn 33.000 em không có suất vào các trường công lập và phải lựa chọn các ngôi trường ngoài công lập, học nghề,...
Năm 2024 - 2025 dự kiến Hà Nội sẽ có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023 - 2024. Điều này cho thấy kỳ thi lớp 10 công lập năm nay có thể sẽ còn "căng" hơn nữa.
Thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chưa công bố số môn thi vào lớp 10. Để tránh việc con không có nơi học nếu không may trượt trường công lập, nhiều phụ huynh đã sớm đặt cọc, giữ chỗ cho con ở các trường tư thục.