Tập đoàn Masan Nutri – Science sáng nay (23/12) đã khánh thành tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam. Tổ hợp này có công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm với tổng vốn đầu từ hơn 1.000 tỷ đồng.
"Đây là mảnh ghép hoàn chỉnh cho chuỗi tích hợp 3F (feed – farm – food)", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group nói và nhấn mạnh và cho biết thông qua nhà máy, Masan có thể hiện thực hoá mục tiêu mang lại thực phẩm sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Người đàn ông có thể là tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam cho rằng người Việt chưa đạt khẩu phần protein cần thiết theo tiêu chuẩn thế giới, hiện chỉ đang khoảng 40kg thịt/người/năm, ít hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu lần lượt là 20 – 25 – 35 kg/người/năm.
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt cũng đang phải chi trả đắt từ 1,5 – 2 lần cho các sản phẩm thịt cùng loại và tiêu chuẩn so với người Mỹ, trong khi thu nhập tính theo PPP chỉ bằng 1/10. Vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang đe doạ cuộc sống người dân.
Masan, với nhà máy tại Hà Nam, sẽ đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát Meat Deli với cam kết sạch, an toàn với người tiêu dùng. Thị trường Việt Nam từ trước đến nay được nhận định là không có thịt mát. Người tiêu dùng chỉ được tiếp cận với thịt nóng, hay còn gọi là thịt tươi, không qua xử lý, thường bán ở chợ và thịt đông lạnh.
Thịt mát, theo định nghĩa của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thuỷ sản (Nafiqad) là thân thịt ngay sau khi giết mổ được qua quy trình làm mát để hạ nhiệt độ tâm thịt đến 0 – 4 độ C trong thời gian nhất định, khoảng 16 – 24 giờ, khiến thịt chuyển sang trạng thái chính sinh hoá. Sau đó, thịt tiếp tục được pha lọc. Toàn bộ quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phối sản phẩm đều đảm bảo ở nhiệt độ từ 0 – 4 độ C.
Sự có mặt của thịt mát trên thị trường, kể từ ngày 23/12, được coi là một "cuộc cách mạng" về thịt, theo nhận xét của Bộ trưởng NN&NT Nguyễn Xuân Cường. Masan cũng không giấu tham vọng của mình đối với thị trường dù màu mỡ nhưng đang bị bỏ ngỏ.
Bên lề buổi lễ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Matthys van der Lely, TGĐ ngành thịt Tập đoàn Masan Nutri – Science (MNS).
Ông nghĩ gì về bức tranh thị trường thịt tại Việt Nam?
Theo tôi đánh giá, 98% thị trường thịt đang được cung cấp bởi các nhà sản xuất nội địa, chỉ 2% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại cũng chủ yếu tham gia vào phần thịt chế biến sẵn, như xúc xích chẳng hạn. Còn thịt chưa qua chế biến, hơn 90% thịt được tiêu thụ qua kênh phân phối là các chợ truyền thống.
Masan có tham vọng gì với thị trường này?
Tôi hi vọng chúng tôi có thể chiếm lĩnh được 10% thị trường thịt. Thị trường này đang có giá trị là 10,2 tỷ USD. Nhưng để làm được điều này, trước tiên chúng tôi phải có bằng được 20% thị phần ở các thành phố lớn.
Từ xưa đến nay, người tiêu dùng trong nước chỉ biết đến thịt nóng và thịt đông lạnh, thịt mát của Masan sẽ cạnh tranh như thế nào?
Meat Deli tốt cho sức khoẻ, ổn định và tuyệt nhiên không có các chất dư thừa như kháng sinh chẳng hạn. Chúng tôi dùng công nghệ giết mổ hiện đại, không gây đau đớn, căng thẳng cho động vật, từ đó, bảo đảm được chất lượng thành phẩm. Mặt khác, hệ thống làm lạnh rất nhanh cho phép hạ nhiệt thịt từ trên 30 độ C xuống còn 0 – 4 độ C, xử lý vi khuẩn. Công nghệ đóng gói, vận chuyển cũng đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.
Thịt có hạn sử dụng trong 5 ngày hoặc hơn một chút. Chúng rất sạch và tốt cho sức khoẻ!
Nhưng tâm lý và thói quen của các bà nội trợ là phải cầm tận tay miếng thịt nóng hổi trên các sạp hàng, đó mới là thịt tươi và ngon. Ông có nghĩ sẽ thay đổi được thói quen tiêu dùng?
Tôi nghĩ con đường ở đây là phải cung cấp cho thị trường sản phẩm thực sự tốt và có giá cả phù hợp. Thực ra điều bạn nói đều diễn ra ở các nước. Khi tôi còn trẻ, khoảng 16 tuổi, mẹ tôi vẫn mua thịt ở chợ, nhưng tất cả đã thay đổi.
Điều này diễn ra khi mọi người quan tâm hơn đến sức khoẻ, an toàn thực phẩm. Những nước mà tôi có cơ hội sinh sống như Indonesia, Thái Lan, Philippines... đều giống nhau khi có chung xu hướng chuyển sang dùng thịt mát.
Tôi tin rằng nếu sản phẩm tốt hơn, ngon hơn, an toàn hơn, mọi người sẽ thay đổi vì ai cũng muốn điều tốt nhất cho bản thân và gia đình. Tôi nói giống như người bán hàng nhỉ, nhưng không hẳn vậy, tôi chỉ tin vào sản phẩm chúng tôi cung cấp (cười).
Sản phẩm như ông nói có hạn sử dụng trong 5 ngày, nhà máy lại ở miền Bắc, vậy bài toán cho các thị trường xa hơn, như miền Nam thì như thế nào?
Nhà máy ở Hà Nam sẽ bán sản phẩm cho thị trường miền Bắc, sản xuất ở đâu thì bán ở đó thôi. Chúng tôi không bán vào miền Nam. Ở trong đó sẽ xây nhà máy khác.
Vậy là lúc nào cho nhà máy ở trong Nam?
Tuỳ thuộc thị trường thôi, nếu họ chấp nhận thì mình phát triển tiếp. Nhưng để tôi bật mí, ngay trong sáng nay, thịt mát được bày bán lần đầu tiên ở Vinmart đã cháy hàng trong 2 tiếng. Thật không tin được. Mọi người đang thúc để chúng tôi sản xuất thêm. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên trước sự phản ứng tích cực này.
Ngoài hệ thống của Vinmart, Masan còn nhà phân phối nào khác?
Hôm thứ 6 vừa rồi, chúng tôi mới bắt đầu giới thiệu sản phẩm với các chuỗi siêu thị như Big C, Aeon... Tất cả mọi người đều đến chỗ tôi và hỏi bao giờ bán những sản phẩm này. Nhưng chúng tôi đang đi từng bước nhỏ, từ việc huấn luyện con người, vận hành máy móc, các sản phẩm bước đầu cần đảm bảo kỹ lưỡng trước khi bán đại trà.
Vì vây, hiện chỉ có 37 cửa hàng của Vinmart phân phối thịt. Chúng tôi cũng mở được 3 cửa hàng Meat Deli, cuối năm dự kiến thêm 2 cái nữa tại Hà Nội.
Ông kỳ vọng số cửa hàng sẽ đạt bao nhiêu?
Trong khoảng từ 25 – 150 cửa hàng. Nhưng thực tế thì không dễ gì tìm được một địa điểm tốt ở Hà Nội. Có quá nhiều doanh nghiệp bán lẻ, như Circle K, Vinmart+, ai cũng muốn một mặt bằng đẹp mà. Chúng tôi muốn giữ giá thịt tốt thì phải có địa điểm thuê hợp lý. Do đó, phải cân nhắc rất kỹ.
Về giá thịt giữa của hàng của Meat Deli và Vinmart thì sao?
Giá có chênh một chút. Chúng tôi có chính sách giá uyển chuyển. Giá tại Meat Deli sẽ cao hơn giá ở chợ một ít, nếu không sẽ không bán được. Giá thịt tại Vinmart sẽ cao hơn giá của Meat Deli, nhưng chỉ là một chút xíu thôi.
Cảm ơn ông!