Nhà máy này đặt tại thị trấn Astravyets, chỉ cách biên giới Lithuania 20 km và được chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko thông qua vào năm 2008. Dự án trị giá 11 tỉ USD này do Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Rosatom thực hiện với khoản vay 10 tỉ USD từ Moscow.
Rosatom khẳng định các lò phản ứng hạt nhân này hiện đại nhất thế giới và đáp ứng tất cả tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, nhà xã hội học Belarus Elena Martishchenkova cho hay khoảng 1/2 dân số Belarus ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân. Riêng tỉ lệ này tại Ostrovets lên đến 65% trong năm nay.
Tuy nhiên, hoạt động xây dựng ít nhiều gợi lại ký ức về vụ nổ Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, khiến 1/4 lãnh thổ Belarus chìm trong bụi phóng xạ. Chưa hết, Lithuania chỉ trích dự án vi phạm "các yêu cầu về an toàn hạt nhân và môi trường quốc tế". Theo trang Bloomberg, nhà máy khiến người dân Lithuania lo sợ cả nguy cơ tái diễn thảm họa hạt nhân lẫn sự khôi phục ảnh hưởng của Nga tại khu vực.
Chính quyền Lithuania thậm chí còn thông qua đạo luật tuyên bố nhà máy hạt nhân này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite gọi nhà máy là "quái vật hạt nhân" và "mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh châu Âu". Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, ông Linas Linkevicius, đề cập khả năng tẩy chay mua điện từ dự án. EU đứng về phía Lithuania khi cho rằng đây là vấn đề của châu Âu và sẽ theo dõi sát sao sự an toàn của công trình.
Dự án trên được xem là phương tiện giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng cường ảnh hưởng kinh tế ở Belarus bên cạnh nguồn cung dầu khí. "Năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò địa chính trị ngày càng lớn trong chiến lược của Nga" - ông Antony Froggatt, chuyên gia tại Viện Chatham House (Anh), nói với trang Bloomberg.