Ngày 26/5, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên AM Gorky đã hạ thủy tàu Gepard thứ 4 đóng cho Việt Nam.
Chiếc tàu hiện nằm trên đốc, bên cạnh con tàu thứ 3 vừa được hạ thủy 1 tháng trước.
"Cặp tàu thứ ba sẽ còn tốt hơn nữa"
"Gepard" là dự án xuất khẩu thành công đầu tiên của nhà máy Gorky (thuộc Công ty cổ phần "Ak Bars") thời kỳ hậu Xô Viết.
Tháng 12/2006, Rosoboronexport đã ký hợp đồng với Việt Nam để đóng mới 2 tàu hộ tống "Gepard-3.9". Hợp đồng được hỗ trợ tài chính bởi được "Ak Bars" theo thỏa thuận với tập đoàn Rosoboronexport.
Con tàu đầu tiên được khởi đóng vào ngày 10/7/2007, còn chiếc thứ hai vào ngày 28/11 cùng năm.
Chiếc tàu đầu tiên được biên chế cho Hải quân Việt Nam với tên gọi Đinh Tiên Hoàng ngày 5/3/2011, chiếc thứ hai được đặt tên Lý Thái Tổ và gia nhập Hải quân Việt Nam vào ngày 22/8/2011.
Theo tờ Business Online, Hải quân Việt Nam rất ưng ý với cặp tàu này nên đã ký thêm hợp đồng đóng mới cặp tàu thứ 2. Buổi lễ đặt ky 2 tàu được diễn ra vào tháng 9/2013.
Truyền hình Nga đưa tin lễ hạ thủy tàu Gepard số 4
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi thực sự muốn hợp tác xa hơn nữa (với Việt Nam)" - Tổng giám đốc nhà máy Gorky, ông Renat Mistahov phát biểu tại buổi lễ hạ thủy con tàu thứ 4.
Ông Mistahov hy vọng Việt Nam có thể tiếp tục đặt đóng thêm một cặp "Gepard 3.9" nữa.
Trong khi đó, ông Viktor Komarov, phó giám đốc nhánh hải quân của tập đoàn Rosoboronexport khẳng định nếu Việt Nam tiếp tục hợp tác thì cặp tàu Gepard thứ 3 sẽ "tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa":
"Những gì mà chúng tôi cùng các bạn vừa trải qua mới chỉ là 1/4 chặng đường. Mặc dù những năm qua chúng ta đã phải chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng các bạn cứ yên tâm, mọi công việc phía trước như thử nghiệm, tập huấn kíp lái, bảo dưỡng sửa chữa sẽ được phía chúng tôi đảm bảo bằng hết sức lực và danh dự của mình".
"Chúng ta đã cùng nhau sát cánh thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, vì vậy, tôi muốn đảm bảo với các vị khách quý đến từ Việt Nam rằng: Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng tiếp tục hợp tác. Chúng tôi có tất cả mọi thứ cần thiết: chúng tôi có năng lực, chúng tôi có tiềm năng. Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng cặp tàu thứ 3 sẽ còn tốt hơn, mạnh hơn nữa".
Phó Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam đón nhận thành quả lao động của tập thể cán bộ công nhân viên nhà máy đóng tàu Gorky
"Việt Nam rất muốn sở hữu những chiếc tàu có tên lửa Kalibr"
Tờ Business Online dẫn lời Phó Tổng Giám đốc của nhà máy đóng tàu Gorky - ông Alexander Karpov cho biết xác suất hợp đồng cho cặp tàu tiếp theo được ký kết là rất cao.
Giám đốc điều hành Cục Thiết kế Zelenodolsk (nơi đã thiết kế con tàu) - ông Vitaly Volkov cũng có cùng nhận định lạc quan như vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn với Business Online, ông Volkov lưu ý rằng, mặc dù hiện tại vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào được ký kết, nhưng phía Việt Nam tiếp nhận lời hứa của Zelenodolsk "với thái độ tích cực".
Được biết, Cục thiết kế đã đệ trình bản thiết kế tàu mới hoàn thiện hơn và nó đã được chấp thuận.
Business Online nhận định, có cạnh tranh thì mới có phát triển, đó chính là quy luật tự nhiên. Mặc dù Việt Nam và Nga từ lâu đã có nhiều các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hải quân (tàu hộ tống, tàu tên lửa, tàu ngầm) nhưng Hà Nội không muốn phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Ví dụ, Việt Nam đã đặt mua 4 tàu hộ tống Sigma từ Hà Lan.
Sau khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhà máy đóng tàu Gorky đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, phía Nga tự tin có một "át chủ bài" - đó là hệ thống tên lửa "Kalibr" với hiệu quả chiến đấu đã được chứng minh rất tốt trong chiến dịch ở Syria.
"Việt Nam muốn có tàu chiến trang bị Kalibr" – một nguồn tin trong ngành công nghiệp đóng tàu tiết lộ với tờ Business Online - "và nếu cặp tàu thứ 3 được ký kết, chắc chắn nó sẽ được trang bị Kalibr" (các tàu Gepard hiện tại đang được trang bị tổ hợp tên lửa Uran).
Renat Mistahov: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi thực sự muốn hợp tác xa hơn nữa".