Rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm tới
Các lệnh trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống đắc cử Biden sẽ áp đặt lên một số ngành công nghiệp của Trung Quốc có thể là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm 2021, nhà kinh tế học David Li Daokui, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa và là cựu cố vấn cho ngân hàng trung ương Trung Quốc cảnh báo.
"Một số ngành và một số công ty nhất định có thể đối mặt với tình trạng rủi ro trong năm tới", ông Li nói thêm.
Ông Li cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy tổng thống đắc cử Biden có thể tiếp tục áp dụng quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc giống như người tiền nhiệm. "Nếu bạn hỏi tôi những rủi ro mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong năm tới là gì… Thứ nhất, liệu ông Biden có đưa ra các chính sách nhắm vào một số ngành nhất định của Trung Quốc không? Đó vẫn là một dấu hỏi", ông Li phát biển tại Diễn đàn Kinh tế vĩ mô Trung Quốc.
Ông Li lập luận rằng cuốn hồi ký xuất bản gần đây của cựu tổng thống Barack Obama cho thấy Đảng Dân chủ lo lắng về sức mạnh công nghệ ngày một lớn mạnh của Trung Quốc: "Họ lo ngại rằng Trung Quốc đang từng chút một làm xói mòn lợi thế quân sự, công nghệ và tài chính của Mỹ, và đã nói về sự cần thiết của việc hạn chế công nghệ của Trung Quốc để duy trì những ưu thế vượt trội của mình".
4 năm tới: Qua Biden sẽ là Trump?
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017, với những xung đột diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ thương mại và công nghệ đến vấn đề Hồng Kông và Biển Đông.
Ông Li nói một tín hiệu tích cựu là chính quyền của ông Biden đem đến cảm giác an tâm hơn so với chính quyền tiền nhiệm.
"Tất nhiên, việc giao tiếp với thành viên trong nội các của ông Biden dễ dàng hơn nhiều so với các quan chức của chính quyền Trump vì chúng tôi đều quen biết các thành viên ở phía Mỹ… Chúng tôi rất hiểu nhau", ông Li nói.
Nhà kinh tế hàng đầu này cũng cảnh báo rằng các nhà hoạch định kinh tế không nên loại trừ khả năng tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump sẽ lại tái cử sau 4 năm nữa.
Đây là một ẩn số rất lớn, chúng ta phải cân nhắc khả năng về [sự trở lại nắm quyền của ông Trump] khi thảo luận về kế hoạch 5 năm lần thứ 14 [kéo dài đến năm 2025] và nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, nhà kinh tế học nói thêm.
Ông Li lập luận rằng mặc dù thua về số phiếu phổ thông với khoảng cách 6 triệu phiếu nhưng những cử tri bỏ phiếu cho ông Trump đều rất trung thành. Hơn 70 triệu phiếu bầu cho ông Trump đã được bỏ phiếu tại các điểm bầu cử cho dù rất nhiều người đã chờ đợi 4 hoặc 5 giờ trong gió lạnh trong khi nhiều phiếu bầu cho ông Biden là phiếu bầu qua thư hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên bầu cử, ông dẫn chứng.
Ông Trump được cho là đã thảo luận với các thành viên cấp cao trong nhóm của ông, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo, rằng ông có kế hoạch tiếp tục tranh cử sau 4 năm nữa.
Ông Li cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề trong nước bao gồm thu nhập trì trệ, tốc độ đô thị hóa và các khoản nợ chính quyền địa phương phình to.