NGHỊCH LÝ ÔNG NỘI
Ước muốn sửa lỗi lầm trong quá khứ có lẽ là một trong những lý do hàng đầu khiến ta luôn thấy rằng những câu chuyện du hành thời gian luôn đầy thú vị. Trong những bộ phim viễn tưởng ấy, có thể nói rằng không có gì là vĩnh hằng nếu như chúng ta có một cỗ máy thời gian và hoàn toàn có thể quay lại để sửa chữa gì đó. Nhưng ở cuộc sống thực, du hành thời gian có khả thi hay không hay khái niệm đó chỉ đơn thuần có trong giả tưởng?
Nếu từng một lần tìm hiểu về khái niệm du hành thời gian, ít nhiều chúng ta sẽ bắt gặp một nghịch lý mà đến tận bây giờ vẫn chưa có giải đáp – nghịch lý ông nội (grandfather paradox). Nội dung của nghịch lý này là: Có một người đàn ông du hành thời gian về quá khứ và giết ông nội mình trước khi ông mình cưới bà nội. Kết quả là cha của anh ta sẽ không được sinh ra, điều đó dẫn tới người đàn ông đó sẽ không bao giờ được ra đời. Và nếu như anh ta chưa từng được ra đời thì làm sao anh ta có thể du hành về quá khứ. Nhưng nếu anh không về quá khứ để giết ông nội mình thì ông nội anh phải còn sống và điều đó nghĩa là anh vẫn được ra đời và có thể vượt thời gian để giết ông nội mình.
Hai tình trạng trên đã phủ nhận sự tồn tại của nhau, và đây là một loại của nghịch lý du hành thời gian. Nghịch lý này lần đầu tiên được đề cập tới bởi nhà khoa học giả tưởng René Barjavel trong quyển sách Le Voyageur Imprudent (tạm dịch: Nhà du hành khinh suất) xuất bản năm 1943. Mặc dù tên lý thuyết này là nghịch lý ông nội, nhưng đúng hơn thì khái niệm này nhấn mạnh rằng bất cứ hành động vượt thời gian nào để quay về quá khứ cũng không khả thi.
"Back to future" (tạm dịch: Ngược về tương lai) là một bộ phim nổi tiếng về du hành thời gian, trong đó cỗ máy thời gian được gán vào chiếc xe DeLorean DMC-12. Trong ảnh là một mẫu DMC-12 mô phỏng theo bộ phim. Nguồn: Charitybuzz
ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI DU HÀNH THỜI GIAN LÀ KHẢ THI?
Câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta có thể du hành thời gian và thực hiện hành động của nghịch lý ông nội vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, nhưng mới đây thì PGS. Barak Shoshany từ Đại học Brock, Mỹ đã tuyên bố rằng du hành thời gian là điều khả thi, và sẽ chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng nếu chúng ta lấy mạng ông nội của mình. Khả thi nhưng đi kèm với 2 điều kiện.
Cũng giống như bất kỳ cuộc nói chuyện nào về du hành thời gian, PGS. Barak Shoshany bắt đầu với thuyết tương đối của Einstein và vấn đề rằng ai cũng có thể tạo ra một phương trình mô tả du hành thời gian mà tương đương với thuyết tương đối, nhưng đi từ lý thuyết ra thực tế thì không phải một điều có thể làm được ngay. Để tạo ra một cỗ máy thời gian thì ta cần tới năng lượng âm - thứ mà về lý thuyết có thể được tạo ra với công nghệ lượng tử. Nhưng, những vật chất mang năng lượng âm đó chỉ có thể được tạo ra với số lượng vô cùng ít và thời gian tồn tại vô cùng ngắn - chướng ngại rất khó vượt qua. Tuy nhiên, PGS. Barak Shoshany thì cho rằng "có thể" là có thể.
PGS. Barak Shoshany cũng cho rằng các nghịch lý (ví dụ là nghịch lý ông nội như đã nêu) chỉ thuần là các khái niệm lý thuyết, và chính những khái niệm lý thuyết này chỉ ra tính không nhất quán trong chính nó, trong khi đó thì những nghịch lý nhất quán (ví dụ như hiệu ứng cánh bướm*) dự đoán rằng du hành thời gian không đơn thuần là một điều nguy hiểm, du hành thời gian nhất thiết không được xảy ra. Nhà vật lý học lỗi lạc Stephan Hawking ủng hộ quan điểm này, nhưng ông lại chưa từng chứng minh nó.
Nếu du hành thời gian có thực, chúng ta đang sống trong dòng thời gian nào?
ĐIỀU KIỆN ĐỂ DU HÀNH THỜI GIAN KHẢ THI
PGS. Barak Shoshany thì lại có một quan điểm khác, đi vòng qua những điều rối rắm ở trên: Chúng ta có thể đi ngược về thời gian nhưng chúng ta sẽ chẳng thể thay đổi được gì. Ý kiến này có thể giải thích như sau: Giả sử dòng thời gian đang chảy của hiện tại là A, ngay khi chúng ta ra khỏi máy thời gian thì chúng ta đã đi tới một dòng chảy thời gian khác - tạm gọi là A1. Trong dòng chảy thời gian A1, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, bao gồm việc phá hủy máy thời gian mà sẽ không có thay đổi nào với cỗ máy thời gian ở dòng chảy thời gian A ban đầu. Vì chúng ta không làm gì tác động tới cỗ máy thời gian ở dòng chảy thời gian A thì sẽ chẳng có bất cứ nghịch lý nào xảy ra cả. Tương tự với nghịch lý ông nội, "ông nội" của dòng chảy thời gian A và A1 là khác nhau nên sẽ chẳng có điều gì xảy ra.
Điều kiện đặt ra ở đây với "cách" du hành thời gian của PGS. Barak Shoshany là "dòng chảy thời gian có thể phân tách thành các dòng chảy thời gian khác nhau"; ngoài ra thì còn một điều kiện nữa là "vũ trụ cho phép dòng chảy thời gian làm như vậy". Ông cho rằng: "Thuyết tương đối rộng và vật lý lượng tử cho chúng ta biết rằng du hành thời gian có thể khả thi, nhưng nếu xảy ra thì đa dòng chảy vũ trụ cũng phải là điều khả thi."
Tất nhiên, những điều bàn luận ở trên vẫn thuần là những vấn đề nằm trong giả thuyết và phỏng đoán. Sẽ còn lâu nữa mới có thể biết được rằng liệu du hành thời gian có thực sự khả thi hay không.
Giải thích một cách đơn giản, Butterfly effect, hay còn gọi là hiệu ứng bươm bướm/hiệu ứng cánh bướm, nói đến việc một tác động dù rất nhỏ cũng có thể gây ra một hậu quả vô cùng lớn. Tên gọi hiệu ứng cánh bướm bắt nguồn từ một câu hỏi rằng liệu một con bướm ở Brazil đập cánh có gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas hay không.
Nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz là người đặt nền móng cho học thuyết Hiệu ứng cánh bướm (1972). Khi thực hiện mô phỏng các hiện tượng thời tiết, Lorenz nhận thấy rằng nếu ông làm tròn các dữ liệu đầu vào, dù với sai số bé thế nào đi nữa, thì kết quả cuối cùng luôn khác với kết quả của dữ liệu không được làm tròn; từ đó giúp rút ra một kết luận rằng một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào sẽ dẫn đến một thay đổi lớn của kết quả.
Theo Mysterious Universe và The Conversation