Iran nói Israel là thủ phạm
Lễ an táng của ông sẽ được tổ chức vào ngày 30/11 theo giờ địa phương. Dù chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng phía Iran cho rằng vụ tấn công do Israel gây ra.
Trước đó, trong cuộc họp nội các được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bày tỏ thái độ về vấn đề này. Ông cáo buộc Israel đã lên kế hoạch và thực hiện vụ ám sát nên Tehran sẽ có hành động trả đũa vào "thời điểm thích hợp". Ông cũng cho rằng, Israel có ý định "tạo ra sự hỗn loạn" thông qua vụ sát hại này.
Trái lại, vào ngày 28/11 giờ địa phương, Bộ trưởng Nội các Israel Tzachi Hanegbi nói rằng ông "không biết" ai đứng sau vụ sát hại nhà khoa học Iran.
"Tôi không biết ai đã làm điều đó. Tôi thực sự không có manh mối nào cả", ông nói.
Mohsen Rezaei, thư ký Hội đồng Khẩn cấp Quốc gia Iran (EC), cảnh báo các vụ ám sát lặp đi lặp lại nhằm vào các quan chức cấp cao của Iran sẽ khiến thế giới bên ngoài có ấn tượng rằng tình hình an ninh của Iran đang bị phá hoại, đẩy Iran vào trạng thái suy yếu. Ấn tượng này có thể bị coi là "rất nguy hiểm".
Theo báo Times of Israel, phía Iran đã công bố các bức ảnh chụp 4 nghi phạm trong vụ án liên quan đến nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát. Được biết, các nhân viên tình báo Iran đã cung cấp hình ảnh của những nghi phạm này cho các khách sạn trên khắp đất nước và yêu cầu chủ khách sạn báo cáo ngay lập tức nếu họ nhìn thấy.
Bốn nghi phạm vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh do Iran công bố.
Iran có những lựa chọn nào? "Tự vệ" là một trong những đối sách
Đối với vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh, Iran được cho sẽ nhờ đến hệ thống tư pháp điều tra và tiếng nói từ cộng đồng quốc tế. Hassan Ahmadian, Giáo sư Nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Tehran, dự đoán Iran sẽ nghiên cứu các phương án còn lại và "tự vệ sẽ là biện pháp đối phó của Iran".
Ông nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách của Iran sẽ xem xét các hoạt động ngoại giao gần đây của Israel với các nước vùng Vịnh nhưng điều này sẽ không cản trở phản ứng của Iran.
Henry Roma, một nhà phân tích cấp cao tại Eurasian Group (Mỹ), một công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu, cho hay liên quan đến vụ sát hại ông Fakhrizadeh, Iran có thể thực hiện các biện pháp kiềm chế ngay từ đầu nhưng không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một đợt trả đũa quy mô lớn hơn trong tương lai.
Ảnh hưởng đến những nước nào?
Trong khi đó, nói về vụ ám sát, một chuyên gia nghiên cứu chính sách cấp cao tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, phân tích:
"Mặc dù Fakhrizadeh được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động hạt nhân của Iran nhưng chương trình hạt nhân của Iran không phụ thuộc vào bất kỳ một cá nhân nào. Mục đích của vụ ám sát không phải để cản trở chương trình hạt nhân, mà là phá hoại hoạt động ngoại giao".
Tờ Guardian (Anh) cho rằng, vụ ám sát Fakhrizadeh có thể không ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ chương trình hạt nhân của Iran nhưng nó chắc chắn sẽ làm tăng thêm khó khăn trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đối với đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, nếu Iran thực hiện các đòn trả đũa có thể khiến các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran trở nên khó khăn hơn.
James Robbins, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, nhận định nếu Tổng thống đắc cử Biden vào Nhà Trắng, chính quyền của ông phải buộc Iran có thể kiên nhẫn trước khi đưa ra các hành động đáp trả. Bởi vì bất kỳ hành động nào của Iran nhằm vào Israel sẽ dẫn đến sự "trả đũa" của Mỹ, điều này khiến hy vọng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Biden rơi vào thế bất lợi.