Một góc thủ đô Moskva nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty Images
Ông Aleksey Korkorin, người đứng đầu bộ phận khí hậu và năng lượng thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Nga, đã đưa ra dự báo về khả năng Nga có thể buộc phải di dời thủ đô đến Siberia do biến đổi khí hậu.
Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti ngày 23/5, ông Kokorin cho rằng mặc dù mục tiêu “trung hòa carbon” là có thể đạt được trên toàn thế giới từ những năm 2060, nhưng nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng 2 - 2,5 độ C tại thời điểm đó so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo chuyên gia này, sự gia tăng nhiệt độ đó sẽ dẫn đến những đợt nắng nóng quy mô lớn tấn công thường xuyên hơn.
“Tức là, cái nóng khắc nghiệt mà chúng ta từng đón nhận 10 năm một lần sẽ xảy đến 3 năm một lần. Bạn có thể sống, nhưng bạn phải thích nghi với nó”, ông Aleksey Korkorin lưu ý.
Trong trường hợp xấu nhất, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 4,5 - 5 độ C trước khi nhân loại đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Và ông Kokorin tin rằng sự gia tăng như vậy sẽ làm cho hầu hết mùa hè trở nên cực kỳ nóng nực. Đối với Nga, kịch bản này có thể dẫn đến việc thủ đô phải chuyển khỏi Moskva.
“Điều đó có nghĩa là vào mùa hè, có lẽ sẽ không thể sống ở một đô thị như Moskva. Nếu nó thực sự trở nên tồi tệ như vậy thì thủ đô mới sẽ là Krasnoyarsk hoặc Novosibirsk”, ông Kokorin gợi ý đến hai thành phố lớn ở Siberia. Đồng thời, ông thừa nhận rằng khả năng tình hình khí hậu xấu đi nhanh chóng vẫn còn hơi mong manh.
Tuy nhiên, các nhà khí hậu học khác đã bày tỏ mối nghi ngờ về những lo ngại của chuyên gia WWF Kokorin đối với số phận của thủ đô nước Nga. Ông Aleksander Chernokulsky, một thành viên cấp cao tại Viện Vật lý Khí quyển, đã bác bỏ dự đoán này.
Nhà khoa học này nói rằng nhiều khả năng các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, nhưng ở Siberia cũng không hề ngoại lệ.