Video: Nhà ga hơn 1.500 tỷ đồng ở Quảng Ninh chỉ phục vụ 1 chuyến tàu/ngày
Liên quan đến nhà ga đường sắt Hạ Long hơn 1.500 tỷ đồng chỉ phục vụ 1 chuyến/ngày và ga Cái Lân 3 năm chỉ chở 1 lô hàng tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), ngày 29/8, Người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ninh vừa cho biết một số thông tin mới nhất.
Theo đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2017 tỉnh Quảng Ninh, trả lời PV VTC News, ông Vũ Văn Hợp – Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, liên quan đến Dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản báo cáo và đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho tiếp tục triển khai dự án nhưng chưa được chấp thuận.
Người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, nguyên nhân chính là do dự án này là một trong những dự án nằm trong kế hoạch giãn, hoãn tiến độ của Chính phủ từ năm 2011.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản kiến nghị và tại các cuộc họp khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ về làm việc tại Quảng Ninh cũng đề cập đến vấn đề này.
Trong các báo cáo, tỉnh Quảng Ninh đều đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho tái khởi động trở lại dự án này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục triển khai thì số tiền đầu tư cho dự án là khá lớn nên đến thời điểm hiện tại, chưa biết Chính phủ có đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án này hay không.
“Nếu dự án đường sắt này hoàn thiện, cùng với dự án cảng hàng không và các dự án đường bộ thì vị thế của Quảng Ninh khác hẳn, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội vượt bậc của địa phương” - ông Vũ Văn Hợp khẳng định.
Ngày 30/8, thông tin với PV VTC News, ông Hoàng Quang Hải – Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, trước năm 2011, khi dự án bị giãn, hoàn tiến độ, để phục vụ mặt bằng thực hiện dự án, UBND TP Hạ Long đã phải đo, vẽ, kiểm kê, lập phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 721 hộ dân có đất đai nằm trong phạm vi dự án, trong đó đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 615 hộ dân.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Ban quản lý dự án không giải ngân cho UBND TP chi trả cho người dân, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của trên 600 hộ dân trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, nhu cầu xây, sửa nhà ở của các hộ đều trong tình trạng bị "treo" vì không biết đến khi nào dự án mới tiếp tục thực hiện và có thực hiện nữa hay không.
Nếu không triển khai tiếp thì TP phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định, chứ cứ như hiện nay khiến người dân và chính quyền TP gặp rất nhiều khó khăn.
“Cấp giấy không cấp được, xây dựng cũng không xây dựng được” - ông Hải chia sẻ.
Ngoài 2 tiểu dự án là Ga Cái Lân và Ga Hạ Long đã hoàn thiện, còn tiểu dự án 3 là xây dựng, hoàn thiện hệ thống hành lang đường sắt, hệ thống thoát nước của đoạn tuyến đi qua địa bàn TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến địa phương nơi dự án đường sắt đi qua.
Vì vậy, TP đề nghị dự án sớm được triển khai hoàn thiện tiểu dự án 3 này để đưa vào vận hành, khai thác có hiệu quả.
Khi đầu tư hoàn thiện dự án, thành phố cũng đề nghị ngành đường sắt sớm khai thác vận hành phát huy được năng lực của tuyến đường sắt này.
Đồng thời, ngành đường sắt có kế hoạch phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kích cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách và đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, các chủ hàng, chủ tàu lựa chọn tuyến đường sắt này vận chuyển hàng hóa từ Cảng nước sâu Cái Lân đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Khai thác tốt tuyến đường sắt này sẽ góp phần giảm tải mật độ giao thông đường bộ hiện đang quá tải, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
“Hiện nay, số lượng tàu vào Cảng nước sâu Cái Lân làm hàng là rất lớn nên vận chuyển bằng đường sắt thì ắt sẽ giảm mật độ vận chuyển bằng đường bộ”, ông Hải thông tin.
Ông Hoàng Quang Hải cũng cho biết thêm, mong muốn của TP Hạ Long là dự án đường sắt nêu trên tiếp tục được hoàn thiện để đưa tuyến đường sắt này vào khai thác, nâng cao hiệu quả dự án, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân nằm trong vùng dự án đang bị "treo" suốt nhiều năm qua.
Như VTC News đã đưa tin, ga Hạ Long nằm cạnh quốc lộ 18, thuộc phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Được khởi công từ 5/2005 và đưa vào sử dụng từ 10/2014, là tiểu dự án ga Hạ Long - ga Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ với tổng vốn đầu tư 1.510 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Nhà ga Hạ Long được đánh giá đạt chuẩn quốc tế, đẩy đủ hạng mục theo tiêu chuẩn của một nhà ga hiện đại. Quảng trường ga rộng lớn nằm sát quốc lộ 18A, gần bến xe, khá thuận lợi cho hành khách đi lại, hứa hẹn là "cung đường vàng" kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, thực tế mỗi ngày, ga này chỉ đón và tiễn duy nhất một đoàn tàu cũ kỹ 4 toa, chở khoảng 40 khách phục vụ cho hoạt động buôn bán chủ yếu là thương nái buôn bán hàng nông sản như rau, củ, quả, lợn, gà… tổng doanh thu đoàn tàu khoảng 5 triệu đồng/ngày.
Cùng chung số phận với ga Hạ Long, ga Cái Lân được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác được duy nhất 1 chuyến hàng 10 nghìn tấn hàng, sau gần 3 năm đành nằm ‘dầm mưa dãi nắng’ chờ ‘số phận’.
Với công năng là ga vận chuyển hàng hóa từ Cảng biển Cái Lân đi Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, Ga Cái Lân là một trong 2 tiểu dự án tại Hạ Long (Quảng Ninh) thuộc Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) triển khai từ năm 2005.
Ngày 25/10/2014, chuyến tàu hàng đầu tiên trong lô hàng 10.000 tấn được khởi hành và đây cũng là lô hàng duy nhất cho đến nay ga Cái Lân khai thác vận chuyển hàng hóa.