"Né" thuế và trừng phạt, Trung Quốc muốn gia nhập hiệp định mà Mỹ đã rút lui

Minh Khôi |

Nhà cựu đàm phán Mỹ nhận định trước động thái Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP. Việt Nam cũng là thành viên một thành viên của hiệp định này.

Trung Quốc công khai bày tỏ sự quan tâm

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bày tỏ ý định gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua của Trung Quốc, lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc công khai thể hiện sự quan tâm tới hiệp định này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố, Trung Quốc tích cực và cởi mở trong việc tham gia Hiệp định CPTPP.

Động cơ và thời điểm của tuyên bố trên đã gây ra nhiều tò mò và có thể được lý giải theo hướng nghiêm túc hoặc với sự hoài nghi. Tuy nhiên, bất kể theo hướng nào, các nước, đặc biệt là Mỹ, không thể và không nên bỏ qua tuyên bố này, bà Wendy Cutler, cựu đàm phán viên thương mại Mỹ, Phó Chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á có trụ sở tại New York bình luận.

Trong những ngày đầu đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, với sự tham gia của Mỹ, Bắc Kinh coi hiệp định này là chiến lược của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc khi bỏ ngoài nền kinh tế lớn nhất châu Á trong số các nước được lựa chọn.

Tuy nhiên, cùng với quá trình đàm phán, quan điểm của Trung Quốc đã dần thay đổi, điều được thể hiện trong một tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng Bắc Kinh có "thái độ cởi mở đối với TPP".

Sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và rút Mỹ khỏi TPP, thoả thuận tưởng chừng như sụp đổ. Tuy nhiên, Nhật Bản, cùng các nước thành viên khác đã quyết định vẫn tiếp tục thỏa thuận này mà không có sự tham gia của Mỹ, qua đó đưa CPTPP chính thức có hiệu lực ở 7 trong số 11 quốc gia thành viên cách đây khoảng 18 tháng.

Kể từ đó, Trung Quốc đã tiếp cận một số nước thành viên CPTPP để tìm hiểu thêm về thỏa thuận cũng như quan điểm của các nước này về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.

Mặc dù các hoạt động này của Bắc Kinh vẫn chưa đưa đến những bước đi cụ thể, nhưng điều đó thể hiện mối quan tâm thường trực của Trung Quốc đối với CPTPP, mà gần đây nhất là với tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 30/5.

Nguyên nhân Trung Quốc muốn vào CPTPP lúc này?

Theo cựu đàm phái viên thương mại Mỹ, dường như đang có một số nhân tố thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào CPTPP. Trước hết, với việc Mỹ không tham gia CPTPP và tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể sẽ hoàn tất với thoả thuận được kí kết vào tháng 11 năm nay, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc một công cụ khác để hội nhập kinh tế với các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, CPTPP có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng như khả năng dễ tổn thương của nền kinh tế nước này trước hành động tăng thuế và các biện pháp trừng phạt khác của Washington.

Bên cạnh đó, việc gia nhập CPTPP được cho là yếu tố giúp Trung Quốc thúc đẩy những cải cách cần thiết ở trong nước, đặc biệt là ở khu vực dịch vụ, điều đã từng xảy ra khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây hai thập kỷ.

Và cuối cùng, đó có thể là một thông điệp ngoại giao của Bắc Kinh chứng minh cho thế giới thấy rằng Trung Quốc nghiêm túc với tự do hóa thương mại và cải cách cơ cấu, trong khi Mỹ đang chìm sâu vào chủ nghĩa bảo hộ.

Trong số 7 nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn thỏa thuận, Singapore có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc ủng hộ Trung Quốc gia nhập hiệp định này. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review một năm trước, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: "Quan điểm của Singapore là chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc gia nhập CPTPP".

Trong khi đó, Nhật Bản lại có quan điểm thận trọng hơn. Năm ngoái, một quan chức thương mại Nhật Bản đã trả lời phỏng vấn trên trang mạng Caixin rằng, "các nước thành viên CPTPP hoan nghênh tất cả những nước sẵn sàng chấp nhận các cam kết ở tiêu chuẩn cao về tiếp cận thị trường và những quy định liên quan. Chính Bắc Kinh, chứ không phải các nước thành viên CPTPP, là người quyết định liệu họ có sẵn sàng chấp nhận các quy định của CPTPP hay không".

Trong một cuộc họp vào tháng 1/2019, các nước thành viên CPTPP đã thiết lập quy trình chi tiết về việc kết nạp thêm các quốc gia thành viên. Cụ thể, các nước này yêu cầu các ứng viên thể hiện rằng họ có thể "tuân thủ tất cả các quy định hiện có trong CPTPP". Hơn nữa, họ cũng kêu gọi việc các nước nếu tham gia sẽ cần tuân thủ toàn diện các cam kết tiếp cận thị trường.

Theo bà Wendy Cutler, để đáp ứng cả hai yêu cầu này sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang ngày một thắt chặt việc kiểm soát sự vận hành của nền kinh tế. Việc điều chỉnh các quy định của Trung Quốc phù hợp với các cam kết trong CPTPP về các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, lao động, thương mại điện tử và đầu tư sẽ là khó khăn không nhỏ đối với với Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh sẽ đạt được đạt được tỷ lệ tự do hóa thuế quan cao mà các nước khác đã đáp ứng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi sự nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của CPTPP sẽ không mang lại lợi ích. Nếu Trung Quốc hiện thực hoá việc mở cửa thị trường như những gì mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố, đây sẽ là một tín hiệu tích cực đối với hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã tổn thương nặng nề trước xu hướng bảo hộ thương mại. Và thời gian sẽ trả lời liệu các tuyên bố của ông Lý Khắc Cường về CPTPP có mang tính thực chất hay không, nhà cựu đàm phán Mỹ nói thêm.

Né thuế và trừng phạt, Trung Quốc muốn gia nhập hiệp định mà Mỹ đã rút lui - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại