Chị Nguyễn Minh Giang cùng gia đình có 17 ngày đáng nhớ với COVID-19.
5 người F0 không rõ nguồn lây
Khi phát hiện 2 vợ chồng dương tính với COVID-19, chị Nguyễn Minh Giang (38 tuổi, TP HCM) vội đưa 2 đứa nhỏ sang 1 căn chung cư mới thuê khác, nhờ em chồng chăm sóc. Nhưng rồi cả 3 cô cháu cùng dương tính, cả 5 người lại cùng nương tựa nhau chiến đấu với COVID-19 trong 17 ngày.
Chiều 10/8, chị Giang chưa dứt ho, vẫn nặng tiếng khi nói chuyện. Chị chưa từng có suy nghĩ bản thân mắc COVID-19. Chị tự tin vào sức khỏe của bản thân vì thường xuyên leo núi, trekking, tuần tập gym 3 lần, thậm chí trêu mọi người "mình khỏe như trâu", chồng lại là dân chạy chuyên nghiệp, cả hai không ai có bệnh nền, nên vô cùng an tâm.
Những Sài Gòn bùng dịch với số ca nhiễm lên đến hàng nghìn ca, cơ quan cho làm việc tại nhà. Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, chị Giang hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu đều được đặt và giao hàng tận nơi. Chị hạn chế tối đa mọi sự tiếp xúc, duy chỉ có một lần ra ngoài gặp 4 người trong vòng 45 phút rồi về nhà.
Chị còn tự nhủ lòng mình: "Không sao đâu, không cần thiết phải tiêm vaccine sớm. Mình có sức khỏe và nếu mắc COVID-19 cũng chỉ như cảm cúm thông thường, sốt ho cũng sớm khỏi". Chính vì thế, thời điểm đó, cả chị và chồng chưa tiêm phòng mũi nào, trong nhà luôn có đồ xét nghiệm nhanh, nếu có vấn đề sẽ lấy ra kiểm tra.
Mọi chuyện không diễn ra theo "kịch bản", chị nghĩ. Đêm 21/7, chị lên cơn sốt, họng hơi đau, chị dậy súc miệng bằng nước muối rồi ngủ tiếp, nhưng người vẫn thấy mệt, bắt đầu lả đi. Chị nhớ mấy hôm trước, chồng cũng bị sốt nhẹ, nhưng nghĩ là cúm thường nên không ai để tâm.
Sáng 22/7, các triệu chứng không đỡ, hai vợ chồng đi xét nghiệm nhanh tại Bệnh viện Vinmec và đều cho kết quả dương tính. Một ngày sau, hai anh chị có kết quả PCR khẳng định dương tính.
"Nhận kết quả mắc Covid-19, mình thật sự xây xẩm mặt mày. Mọi thứ khiến mình rối bời và lúng túng. Đầu tiên là lo cho hai con và sức khỏe của cả gia đình. Mình sợ chứ vì lúc nào cũng nghĩ bản thân đã phòng vệ rất tốt nhưng vẫn mắc, sợ sức khỏe của bản thân có thể chuyển biến xấu. Nhưng may mắn mình không tiếp xúc với ai, chỉ có 4 người gặp ở ngoài nhưng họ đều có kết quả âm tính", chị Giang nhớ lại.
Về nhà, chị nhanh chóng đưa hai con (một bé 10 tuổi, một bé 12 tuổi) vào phòng riêng, thông báo cho bên phường, quản lý tòa nhà… sẵn sàng đồ dùng để đi cách ly. Nhưng do lượng bệnh nhân lớn, chị và chồng được khuyên ở nhà điều trị, trong những tình huống khẩn hãy liên lạc với nhân viên y tế để được hỗ trợ. Hai vợ chồng mất vài tiếng để ổn định lại tinh thần, khóa chặt cửa, thiết lập vùng cách ly riêng.
Hàng ngày chị và gia đình thường xuyên xịt mũi bằng nước muối.
Chị Giang thông báo cho tất cả người cần thiết để sắp xếp công việc. Chưa đầy 3 tiếng căn nhà biến thành "tiệm tạp hoá" theo đúng nghĩa: từ lá xông, chanh đào mật ong, thuốc hạ sốt, C sủi, nước muối, nước súc miệng... cho đến cháo gói, sữa… Một vài người chị thân thiết liên tục nhắn tin, gọi điện, số khác đi tìm bác sĩ, bệnh viện, xe cấp cứu phòng tình huống xấu.
"Lúc nhắn tin vào trong group của chung cư mình sợ mọi người sẽ xa lánh, nhưng trái lại, ai nấy cũng đều hỗ trợ hết mức. Người thì xung phong nấu cơm, cháo, người chuẩn bị đồ để đưa lên cho cả nhà… bản thân mình cảm thấy rất may mắn khi được sống trong một cộng đồng "siêu dễ thương" và đoàn kết", chị nói.
Để hạn chế sự lây nhiễm, vợ chồng chị thuê một căn hộ khác cho hai con, nhờ em gái của chồng đến chăm sóc. Ba ngày sau, ba cô cháu có kết quả xét nghiệm dương tính, chị quyết định đưa mọi người về nhà. Chồng ở phòng khách, hai đứa nhỏ một phòng, chị và em chồng cũng ở phòng riêng. Riêng về gia đình, chị quyết giấu hai bên nội ngoại vì sợ bố mẹ ở quê thêm phần lo lắng.
Mọi thứ sẵn sàng, cả gia đình bước vào trận chiến
5 người đều F0, 2 vợ chồng và em chồng đều tự phải trở thành bác sĩ cho mình, ngoài ra còn là bác sĩ cho 2 con nhỏ. Mọi thứ cứ thế diễn ra.
Nhớ lại đêm đầu tiên, chị Giang vẫn còn cảm giác rùng mình, bản thân chị vừa sốt vừa đau họng. Chỉ nhấp ngụm nước lọc mà y như có ai cầm dao lam cứa vào cổ họng, đau đến ứa nước mắt. Nhưng mệt cũng phải ăn, phải uống, chị cố gắng uống hết hộp sữa. Cứ sau 30 phút sẽ xịt mũi để thở được. Cả đêm đó, chị sốt thêm vài lần nữa kéo theo ho, đầu óc lơ mơ, lúc mê lúc tỉnh.
Ngày thứ 2, chị bị mất bị vị giác và khứu giác. Đều đặn những ngày sau đó các triệu chứng ho, sốt, tức ngực… diễn ra. 30 phút lại đo nồng độ oxy trong máu một lần, có lúc nhìn thấy chỉ số xuống còn 75 – 80%, máy kêu liên hồi khiến người phụ nữ thêm hoảng loạn, mất bình tĩnh, cảm giác khó thở bắt đầu rõ rệt hơn. Mỗi lần như thế, chị và chồng đều trấn an nhau rồi sẽ vượt qua thôi.
Những ngày tiếp theo, cơ thể đau nhừ, chị và mọi thành viên vẫn cố gắng ăn, uống thêm sữa để không mất sức. Từng thìa cháo đưa vào miệng chẳng có nổi mùi vị, nuốt xuống thì đau đến xé họng nhưng vẫn cố ăn. Khi nào chán lại lấy cơm trộn nước canh được mọi người trong khu chung cư chuẩn bị sẵn để ăn, dù mệt đến mấy cũng không bỏ bữa.
"Sốt thì nằm nhưng khỏe là phải đi lại hay cố gắng vận động nhẹ; Liên tục mở cửa phòng, gió lồng lộng để phơi nắng, xông hơi bằng lá thuốc, viên tràm..; Mỗi lần xông là há miệng và hít thở…. những công việc này được chị và mọi người thực hiện mỗi ngày", chị Giang chia sẻ.
Từ ngày thứ 7, chị bớt sốt nhưng ho, ho đến đau tức lồng ngực, liên tục hụt hơi, đi tắm cũng thở, ăn xong cũng thở, bước vài bước là thở… nhưng vẫn cố gắng duy trì: Ăn, vận động nhẹ và "thở". May mắn hai đứa nhỏ nhà chị chỉ có triệu chứng nhẹ, nhưng 3 người lớn thì nặng hơn rất nhiều. Chồng chị bị sốt, ho liên tục từ 4 – 5 ngày, nhưng em gái lại bị nặng, 7 – 9 ngày vẫn đau họng.
Chị kể, giai đoạn ngày thứ 7, 8, 9 là "kinh khủng nhất và rất hên xui" vì "con virus này không thể đùa được". Nhiều người trẻ, thanh niên trai tráng chị quen có thể trở bệnh nặng hơn, triệu chứng diễn biến nhanh đến không ngờ đến. Còn chị và gia đình may mắn vì đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm này.
Tình cảm của hàng xóm, bạn bè khiến chị và gia đình cảm động.
Từ ngày thứ 10 trở đi, các thành viên trong gia đình ăn 3-4 bữa/ ngày, bổ sung thêm trái cây, uống nước cam. Đến ngày 12 thì bắt đầu có mùi vị lại từ từ...
Ngày 6/8, cả 5 người trong gia đình chị có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19, dù vẫn còn một số triệu chứng của bệnh như ho, cơ thể mệt mỏi.
Bước về từ cửa tử, người phụ nữ 38 tuổi khuyên mọi người đừng chủ quan với dịch bệnh, nếu có cơ hội được tiêm vaccine hãy đi ngay, chú ý bảo vệ bản thân bằng cách xịt mũi, súc miệng, xông hơi, ăn ngủ nghỉ điều độ và tăng cường sức đề kháng dù bạn có khỏe đến mấy bởi vì "COVID-19 không phải cơn cảm cúm thông thường".
"Phải trải qua mới thấm thía được sự kinh khủng của loại virus này. Lạc quan thì tốt, bi quan cũng không sao nhưng nhất định không được chủ quan và tự tin thái quá. Và nếu có cơ hội hãy tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất thay vì chần chừ", chị Giang nói.
MỜI ĐỘC GIẢ GỬI CÂU HỎI CHO CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN
Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, Việt Nam đang hết sức tăng tốc để phủ vaccine nhanh nhất. Để giải đáp những băn khoăn, lo lắng về những tác dụng phụ và độ an toàn của vaccine COVID-19, chúng tôi tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến:
AN TOÀN KHI TIÊM VACCINE COVID-19: SỨC KHỎE YẾU, BỆNH NỀN, DỊ ỨNG CÓ NÊN TIÊM?
Phát sóng trên page Soha.vn và web Soha.vn diễn ra vào hồi 14h30 Thứ 5 ngày 12/8/2021.
Chuyên gia khách mời: TS. BS Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị Tiêm chủng BV Đại học Y dược TP HCM.
Độc giả có câu hỏi gửi đến cho chương trình, xin gửi câu hỏi TẠI ĐÂY hoặc theo dõi chương trình để gửi câu hỏi trực tiếp dưới phần bình luận.