Vào lúc 10 giờ tối, một chiếc xe đỗ lại trước một cánh rừng, cửa bật mở và 3 thiếu niên tuổi từ 12 đến 15, trong đó có một cô bé, bước ra.
Chiếc xe vọt đi, ba đứa trẻ bị bỏ lại trong cánh rừng, với ba lô trên vai và mỗi đứa được trang bị một máy chỉ đường. Bóng tối bao trùm và mấy đứa trẻ hoàn toàn cô độc.
Nhiệm vụ của chúng là phải tìm cách trở về nơi cắm trại cách đó rất xa.
Trong nhiều trường hợp, những người lớn thực hiện việc hướng đạo sẽ dẫn bọn trẻ vào rừng, nhưng không cho chúng biết hướng và tìm cách làm chúng bị lạc.
Họ sẽ để lại một vài chỉ dẫn để trẻ tìm đường.
Thậm chí, người tổ chức có thể buộc dải băng để che mắt đứa trẻ trong suốt chặng đường đi trên xe, rồi sau đó thả chúng xuống một điểm hoang vu nào đó và buộc đứa trẻ phải tìm cách trở về nơi xuất phát.
Đó là một trong những "trò chơi" mà ở Hà Lan, người ta áp dụng cho thiếu niên, coi đó như một trong những cách để luyện cho trẻ về kỹ năng sống, qua đó không chỉ giúp trẻ có những kỹ năng như tìm đường, không sợ bóng tối và cách để sinh tồn giữa thiên nhiên, mà còn giảm sự phụ thuộc vào người lớn, trong khi bản thân người lớn cũng giúp trẻ tìm cách tự giải quyết vấn đề của bản thân.
Hoặc chúng giải quyết các vấn đề đó theo bản năng, hoặc bằng các phương pháp chúng được dạy, miễn là thoát khỏi khó khăn, và không được kêu ca phàn nàn.
Không phải cha mẹ nào (ở một nền văn hóa khác, như chúng ta) có thể đồng tình với cách giáo dục kiểu "bỏ rơi" bọn trẻ trên đường giữa đêm hôm thế này, như một cách để dạy chúng lớn, nhưng đối với người Hà Lan, đấy là chuyện bình thường.
Pia de Jong, một nữ văn sĩ, nói trên tờ New York Times rằng, "bạn đã thả con bạn vào thế giới. Đương nhiên, bạn phải chắc chắn rằng con bạn không chết, nhưng chúng phải tìm được đường để thoát ra hoàn cảnh của mình".
Rất nhiều nhà giáo dục Hà Lan ủng hộ phương pháp này, với lí do rằng, bọn trẻ cần phải trải qua những khó khăn để rèn luyện kĩ năng sống và bản lĩnh, từ đó lớn lên trở thành những người mạnh mẽ và có nghị lực.
Nhiều năm trước, một người Hà Lan mình gặp trên đường cũng đã nói một cách say sưa về điều này, khi anh cũng đã lớn lên với những bài học của bố, sau khi ông thả anh và em gái anh giữa rừng và bắt họ tự tìm đường về nhà.
"Lúc đầu tôi khá là sợ, nhưng tôi tự nhủ, tôi là đàn ông, tôi phải bảo vệ em tôi, phải đưa nó về nhà", anh nói. "Chúng tôi đi đến sáng thì về đến nhà, đói, mệt và rét, nhưng cảm thấy mình đã làm được một điều phi thường".
Từ những điều phi thường với một đứa trẻ 14 tuổi ngày đó đến một người lữ hành đã đi qua nhiều nước trên thế giới một mình, trong đó có những lần vào rừng Amazone, hay leo lên đỉnh Kilimanjaro ở Châu Phi, nhưng cũng là một doanh nhân thành đạt, anh đều chứng tỏ được mình ở bản lĩnh và sức mạnh về tâm hồn.
Rất nhiều người Hà Lan cũng thế. Một đất nước nhỏ, nhiều phần lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, đã bao đời nay phải chiến đấu chống lại sự xâm thực của biển và những cơn bão, nhưng đã có những hạm tàu đi tìm những vùng đất mới ở khắp địa cầu.
Nếu bạn không tin con bạn có thể làm những điều phi thường và không trang bị cho chúng những kỹ năng sinh tồn cơ bản, bạn sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm "làng nhàng", vốn đã chịu tác động từ một nền giáo dục đầy vấn đề từ triết lý đến thực tiễn...