Vụ việc nam sinh cấp 3 trường chuyên tử vong thương tâm tại Hà Nội khiến dư luận vô cùng bàng hoàng. Không ít người đã lên tiếng, kêu gọi hãy ngưng chia sẻ đoạn clip và những hình ảnh thương tâm của vụ việc bởi sẽ tạo ra những tiêu cực đến các bạn nhỏ đồng trang lứa, mà còn như tạo thêm một vết dao cứa vào nỗi đau của gia đình nam sinh.
Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Trần Thu Hà đã đăng một bài post dài chia sẻ quan điểm cá nhân về vụ việc. Trong bài viết, chị Hà nói lên những khó khăn, nỗi niềm của những người làm cha mẹ.
"Nếu một đứa trẻ mất đi cha, thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là goá, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng anh chị có biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả.
Không một từ nào...
Có nhà nào dám nói là nhà tôi không bao giờ có bão dông không? Có phải hồi dậy thì ta cũng đã từng nghĩ đến cái chết? May mà giờ còn ngồi đây. Nhiều khi "hay không bằng hên" là vậy.
Nhà báo Trần Thu Hà
Mình là mẹ của 2 bạn teen, mỗi ngày mỗi dò dẫm, chưa từng có 1 ngày nào dám tự tin rằng tôi đang chắc chắn làm đúng, tôi chắc chắn là mẹ tốt. Tuổi này quá khó đoán. Không biết sự lên xuống của hormone nó sẽ phóng con mình tới đâu, và mình có tới kịp không? Làm cha mẹ khó quá, mà đâu được học hành bài bản, đâu được nghỉ giải lao, đâu được hôm nay mệt quá thì bỏ qua, rồi đợi mai khỏe thì làm lại đâu.
Mẹ tuy nhiều tuổi hơn, nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng, con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ, có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa. Chúng ta cùng ngơ ngác và hoang mang", trích bài đăng của chị Hà.
Nhà báo Trần Thu Hà cũng đang là mẹ có 2 người cô con gái đang độ tuổi teen. Với vai trò của người làm mẹ, chị càng thấu hiểu hơn về tâm trạng, suy nghĩ của những người làm cha mẹ.
"Ngày xưa, khi làm trong môi trường toàn về teen, mình thương tụi nó, mình viết những bài mạnh mẽ để bênh vực tụi nó. Rồi khi mình làm mẹ, mình lại thấy ba mẹ cũng đáng thương không kém, cũng lo lắng, đau đớn không kém. Hầu hết những gò ép, những cơn nóng giận của ba mẹ đều bắt nguồn từ sợ hãi mà thành. Cơn bão của tuổi dậy thì của con, thường lại tới vào lúc ba mẹ cũng đang đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên. Số người trung niên và người già tự tử cũng đang rất cao.
Vẫn biết rằng cần phải biết lắng nghe con, nhưng thế nào là lắng nghe đủ, khi chính ba mẹ cũng chưa được ông bà lắng nghe bao giờ.
Vẫn biết rằng cần yêu con đúng cách, nhưng thế nào là đúng cách. Thứ mà ba mẹ đang cho là hạnh phúc liệu con có thấy hạnh phúc không?
Vẫn biết rằng hãy làm bạn đồng hành. Ba mẹ nào mà không mong thế. Mình đã nhìn thấy có rất nhiều ba mẹ đang nỗ lực dò dẫm, nhiều nhóm, nhiều khóa học ba mẹ đang theo học để hiểu con hơn", chị Hà viết trên trang cá nhân.
Kết bài đăng, nhà báo Trần Thu Hà gửi lời nhắn nhủ đầy xúc động: "Mong là các con cũng kiên nhẫn nhé, nếu ba mẹ lỡ không may đi lạc xa mình, hãy chỉ đường, hãy hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!".
Bài viết của nhà báo Trần Thu Hà sau khi chia sẻ hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
Trần Thu Hà là nhà báo nổi tiếng và là tác giả của 3 cuốn sách Best seller: Con nghĩ đi, mẹ không biết; Buông tay để con bay và Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc.
Chị Thu Hà từng là Thư ký toà soạn của Báo Hoa Học Trò. Với 20 năm kinh nghiệm trong nghề báo, chị Thu Hà có nhiều bài viết viral trên mạng xã hội về đề tài giáo dục. Nhà báo Thu Hà có cái nhìn sắc sảo nhưng cũng đầy bao dung về vấn đề nuôi dạy con cái.
Trang Facebook cá nhân của chị hiện có hơn 250. 000 người theo dõi. Những bài viết thú vị và sâu sắc chị chia sẻ đều nhận được phản hồi tích cực của các bậc phụ huynh. Rất nhiều bài viết của chị Thu Hà đã được đăng tải trên các tờ báo lớn.