hắc đến nhà báo báo Trần Đăng Tuấn, ngoài là một tiến sỹ truyền hình, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thì giờ đây, mọi người biết đến ông nhiều hơn trong vai trò Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ trò nghèo vùng cao với chương trình Cơm có thịt.
Chia sẻ với chúng tôi trong những ngày cuối năm tại văn phòng làm việc, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, Cơm có thịt chỉ là một trong rất nhiều chương trình thiện nguyện đang được thực hiện, quy mô không quá lớn so với những chương trình từ thiện khác.
"Nhưng có một điều khác biệt, số lượng người tham gia ủng hộ Cơm có thịt rất đông đảo. Có ủng hộ lớn, có ủng hộ nhỏ. Sự cộng hưởng tạo nên sức mạnh".
Ông bảo, điều đáng quý nữa là chương trình được thực hiện một cách rất tự nhiên chứ không cần sự gồng mình chủ ý nào.
Ngay từ khi còn công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, ngoài các chương trình từ thiện lớn được lãnh đạo Đài giao nhiệm vụ chỉ đạo như: Nối vòng tay lớn, Trái tim cho em, Nhĩa tình đồng đội, Đền ơn đáp nghĩa… nhà báo Trần Đăng Tuân và một số bạn bè vẫn thường có những chuyến thiện nguyện lên vùng cao. Khi ông thôi chức ở VTV, hành trình này tiếp tục Cơm có thịt ra đời.
"Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh, Cơm có thịt không có gì là đặc biệt mà chỉ là sự tiếp nối bình thường các hoạt động thiện nguyện trước đây. Có điều, đến hôm nay, quy mô của chương trình đã được mở rộng ra rất nhiều. Người ủng hộ chính là nhân tố quyết định quy mô ấy hay nói cách khác đồng tác giả Cơm có thịt là tất cả mọi người. Ai bảo rằng chúng tôi là người đi trước rồi kêu mọi người thì không hoàn toàn đúng".
Điều đạt được lớn nhất của Cơm có thịt cho đến thời điểm này, theo ông Tuấn, là nó tạo cho mọi người niềm tin. Dù mỗi người Việt Nam có công việc, suy nghåĩ, quan điểm khác nhau nhưng những gì liên quan đến sự sẻ chia, tình đồng bào, tình yêu thương thì
chúng ta lại rất đồng thuận.
"Không có niềm tin, ví như, sự tin tưởng vào đồng tiền của họ sẽ được đưa đến tận nơi, sử dụng hữu ích, thì làm thúc đẩy mọi người sẻ chia, chung tay. Qua chương trình, tôi cũng thấy được tiềm năng đùm bọc của người Việt còn rất nhiều. Chúng ta hãy bằng cách nào đó để hiện thực hóa tốt nhất sự sẵn sàng sẻ chia này".
Nhà báo Trần Đăng Tuấn minh xác rằng, Cơm có thịt không hẳn là chương trình từ thiện mà còn là chương trình xã hội, khuyến học đi bằng hai chân.
"Nhiều người nói rằng Chương trình có phương châm đúng: Cho cần câu chứ không cho con cá. Nhận xét thế chưa hoàn toàn đúng. Cơm có thịt không cho cần câu mà đang làm tất cả để các em có cần câu. Học hành chính là cái cần câu tốt nhất để vượt thoát đói
nghèo lạc hậu. Giúp trẻ em ăn trên lớp, để các em có đủ sức khỏe, không bỏ học. Khi biết đến lớp được chăm sóc, ăn tốt hơn, thì sẽ ít trẻ em bỏ học. Giúp các em một manh áo ấm có thể rất nhỏ nhưng sẽtạo thêm được động lực để đi học.
Ngay trường hợp đặc biệt ở Bình Phước mà chúng tôi giúp đỡ cũng chỉ nhằm đưa em gái đi học trở lại. Cơm có thịt giúp số tiền tương đương với số tiền công em ấy đi làm, để cô bé bỏ việc, trở lại lớp học."
Ông cũng mong muốn sẽ có lúc không phải lo đến cơm thịt, áo ấm cho các em, mà chỉ cần lo hướng dẫn học hành, đọc sách, tiếp cận với internet, các phương pháp học tiến bộ của trong nước, thế giới.
Trong cuộc trò chuyện kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ trò nghèo vùng cao cũng kể lại hai câu chuyện mà ông ấn tượng, không thể quên, kể từ khi thực hiện chương trình Cơm có thịt.
Câu chuyện đầu tiên là từ những ngày đầu mà đến giờ ông vẫn nhớ, đó là khu ký túc xá của học sinh ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) ngay bên cạnh quán tạp hóa của gia đình anh Thắng.
Khi ông cùng bạn bè lên giúp đỡ để có thêm tiền mua đồ ăn cho các em học sinh ở trên đó, thì anh Thắng bảo: "Các chú giúp các em ở đó lại làm khổ nhà cháu".
Bởi, ngày xưa, khoảng 19-20 giờ là ký túc xá im phăng phắc, các em học sinh đi ngủ từ chập tối. Sau khi được Cơm có thịt giúp, các em nô đùa chạy nhảy đến 22 – 23 giờ, có khi Thắng phải sang quát cũng không chịu ngủ.
Lý giải điều này rất đau lòng nhưng đó là sự thực: Trước kia, dinh dưỡng quá kém nên các em dù đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng không đủ sức hoạt động. Nhiều em cầm bát cơm ra vòi vặn nước vào làm canh, ăn với muối, nên dù đi học nhưng không đủ năng lượng để hoạt động, để học hành.
Khi bữa cơm bắt đầu có thịt, các cháu như có môt sức sống mới. Có những cháu tăng tới 4kg, nhiều cháu mặc áo lệch hẳn đi vì lớn nhanh.
Câu chuyện thứ hai ông Tuấn kể là về những người ủng hộ rất thầm lặng, giản dị để Cơm có thịt đến được với nhiều học sinh vùng cao hơn.
Đó là một cô gái 20 tuổi ở Ninh Bình, bị ung thư và đến khi mất người nhà mới thấy, tờ giấy cuối cùng trên giường bệnh là phiếu gửi tiền cho cơm có thịt. Tổng cộng cô đã gửi 12 triệu đồng cho cơm có thịt.
Có những người già, về hưu đều đặn gửi tiền. Trước khi lìa đời vẫn dặn con cháu mang tiền đến ủng hộ Cơm có thịt.
Ông Tuấn bảo, giờ đây điều ông và nhiều người làm thiện nguyện băn khoăn nhất là tính hiệu quả của các chương trình từ thiện xã hội. Đó là việc thiếu một trung tâm thông tin đầy đủ về các hoạt động từ thiện của Việt Nam, để tránh ủng hộ chỗ này thừa, chỗ kia trùng, nơi khác thiếu.
Khi tôi hỏi lại câu chuyện từ chức Phó TGĐ Đài khiến dư luận ồn ào, nhà báo Trần Đăng Tuấn bảo rằng, ông cũng hơi ngạc nhiên vì tại sao có nhiều dư luận đến như vậy.
"Khi tôi về nghỉ, cho thôi làm việc tại VTV thì thú thực bản thân cũng không nghĩ dư luận gì nhiều lắm.Có thể, vì tôi chưa bao giờ ý thức chức vụ đó là cao và chưa bao giờ tôi có một cái thói quen là mình có chức trách gì lớn lắm chăng?
Sau khi thôi và đi làm cái khác, tôi chưa bao giờ băn khoăn là mình quyết định như thế đúng hay sai. Mình thấy thoải mái với những công việc mình làm.
Chúng ta, dù ở cương vị nào cũng có thể làm được cái mà mình muốn, cái có ích. Có thể không phải tất cả những điều mình muốn đều làm được nhưng với những điều có ích thì luôn luôn có cơ hội để làm.
Do đó, không phải băn khoăn là ở đâu mới làm được điều này, điều kia. Tôi cũng nghĩ nếu tôi ở VTV chưa chắc đã làm được nhiều việc này, kia"
Nhà báo Trần Đăng Tuấn nói rằng, ai đó cũng bảo, có thể chuyện ai coi việc ông từ chức là hiếm, chắc do cách nhìn của họ. Ông đã gặp rất nhiều người từ bỏ chức vụ, vị trí trong hệ thống cơ quan, xí nghiệp, để ra vùng vẫy bên ngoài. Có lẽ khi người bức xúc chuyện chạy chức, chạy quyền, văn hóa từ chức, thì họ sẽ tự cho rằng việc từ chức là chuyện hiếm.
"Nếu được quay lại thời gian, liệu ông có xin từ chức, chuyển khỏi Đài như đã làm không?", tôi hỏi. "Nếu quay trở lại thời gian, chắc tôi vẫn hành động như vậy và không có gì khác" – TS Tuấn trả lời.
Ông Tuấn cũng không đồng tình khi tôi cảm thấy tiếc vì tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 vừa qua, ông đã không nhận đủ phiếu để có thể tham gia ứng cử sau vòng Hiệp thương.
Ông bảo, ông ít có cảm giác tiếc cái gì quá lắm. Nếu không phải vấn đề tình cảm, gia đình thì ông ít có cảm giác tiếc nuối.
"Tôi không tiếc nuối khi không được đi tiếp khi ứng cử ĐBQH. Bởi ngay từ đầu, tôi đã suy nghĩ là có nhiều con đường, cách làm và mình đừng nên ép mình vào một con đường, nhất là con đường mà mình không thể chủ động được hoàn toàn.
Cái mà mình chủ động được là con đường nào cũng có thể làm điều hữu ích".
Điều tuyệt vời nhất sau vụ ứng cử với ông Tuấn, là số lượng người chia sẻ với ông quá nhiều qua mạng và trong cuộc sống hàng ngày.
Cho đến bây giờ, nhiều khi đi ra đường, gặp gỡ tình cờ vẫn có hàng trăm người không quen biết vẫn động viên, tin tưởng, thậm chí, bày tỏ sự tiếc nuối và đó vẫn là điều ấm áp mà ông nhận được từ xã hội.
Khi tôi đặt thêm câu hỏi về việc liệu ông có tính tham gia ứng cử tiếp trong các khóa Quốc hội tới hay không?
Ông Tuấn trả lời, chưa thể nói gì được vì thời gian còn khá lâu và phụ thuộc vào sức khỏe, tâm lý, tinh thần của ông ở thời gian đấy.
Thêm vào đó, ứng cử không phải nghĩa vụ phải làm nên nếu ông thấy còn có nhiệt huyết, khả năng thì làm, chứ không đặt ra mục tiêu để cố gắng làm kỳ được mà bất chấp khả năng.
"Vả lại, sau 4 – 5 năm nữa sẽ có thế hệ người trẻ với năng lực, nhiệt huyết tham gia vào các hoạt động chính trị tốt hơn so với mình".
Điều mà mọi người hay nhắc khi nói về Trần Đăng Tuấn, đó là hai lần viết tâm thư ông cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về chế độ, chính sách cho trẻ em, giáo viên vùng cao.
Bởi, lúc đó, ông thấy, có sự vô lý khi chính sách Nhà nước có, Thủ tướng, Chính phủ quyết định việc giúp đỡ giáo viên miền núi, trẻ em mầm non miền núi… nhưng chỉ vì thiếu một Thông tư hướng dẫn mà hàng chục vạn giáo viên, rất nhiều chục vạn học sinh không được hưởng chế độ, trong khi cuộc sống khó khăn thế nào.
Khi ông viết thư đầu tiên không nhận được trả lời, ông viết tiếp thư thứ hai, đồng thời, nói rằng, nếu như vẫn không trả lời thì 1, 2 tuần sẽ viết cho đến khi trả lời thì thôi.
"Sau đó, khi buổi sáng bức thư xuất hiện trên báo chí thì buổi chiều Bộ Giáo dục đã có trả lời và một thời gian sau, tất cả các chế độ chính sách được thực hiện.
Đó là một quyền lợi nhỏ đối với một người nhưng đối với hàng chục vạn người thì điều này rất lớn.
Cho đến bây giờ, mọi việc vẫn đang được thực hiện tốt và ở đây cũng cần nói rõ là chế độ, chính sách của Nhà nước đã có nhưng vì sự trì trệ nên chưa thực hiện. Chứ không phải do tôi viết thư mà có chế độ đó.
Cũng cần nói thêm, tôi viết thư đó là do tôi đi ở miền núi rất nhiều, hiểu mọi chuyện chứ không phải vì nổi máu nhiệt tình trong chốc lát hay ngồi bàn giấy ở Hà Nội, nhiệt huyết một tý lên rồi viết...".
Bức thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc triệt hạ cây cổ thụ đã gây ra một tiếng vang lớn.
Ông cho hay, 4 – 5 ngày trước đó ông đã rất bức xúc về việc này và tham vấn ý nhiều người xung quanh.
"Tôi thấy rõ sự vô lý và đọc lại tài liệu, báo chí để xem các chủ trương này xuất phát như thế nào, lập luận ra sao thì vẫn thấy vô lý. Khi tôi viết thư đó cho ông Nguyễn Thế Thảo thì tôi có niềm tin 100% đa số người dân thấy vô lý nên sớm hay muộn
lãnh đạo TP sẽ phải nhận thấy điều đó.
Chỉ có điều càng sớm được ngày nào thì sự ngăn cách trong quan điểm nhìn nhận giữa lãnh đạo và người dân sẽ ít hơn, đỡ sâu hơn.
Tôi cũng không biết chắc chắn rằng là chính quyền có ngừng việc chặt cây không nhưng rõ ràng suy nghĩ của tuyệt đại đa số người dân giống như tôi chứ không phải giống suy nghĩ của những người chọn chủ trương chặt cây. Và thực tế diễn ra đúng như thế".
Khi tôi hỏi, khi viết các tâm thư đó, ông có gặp phải áp lực hay sức ép nào không? Ông Tuấn đã trả lời ngay là không hề gặp các chuyện đó.
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông Tuấn bảo, thấy việc gì cần lên tiếng cho cộng đồng, ông sẽ tiếp tục lên tiếng. Đó có thể là một bức thư, một bài báo, một status trên mạng xã hội… "Điều đó tự nhiên như hơi thở thôi. Việc hữu ích, dù nhỏ thế nào cũng nên làm…"