Khi mà phong trào #Metoo đang rầm rộ khắp làng báo, đồng nghiệp đề nghị tôi viết một bài chia sẻ những câu chuyện của chính tôi – những câu chuyện tôi đã gặp phải trong suốt 10 năm làm báo.
Tôi nhận lời! Nhưng điều mà tôi muốn nói hơn cả không phải là chuyện tố cáo những người đàn ông đã từng có hành vi quấy rối tôi. Điều quan trọng hơn là tôi nghĩ, khi một người phụ nữ đủ bản lĩnh và mạnh mẽ, không ai có thể quấy rối bạn nếu bạn không muốn.
Đêm kinh sợ
Tôi đã suýt trở thành nạn nhân của một vụ hiếp dâm năm tôi 22 tuổi!
Năm đó, tôi chỉ mới ra trường được vài tháng và có chuyến công tác lên Tp. Điện Biên. Chuyến công tác chỉ có một mình tôi. Tôi thuê phòng trong một khách sạn vừa lớn vừa vắng vẻ.
Sau bữa cơm mời buổi tối với các cán bộ địa phương, tôi được một sĩ quan đề nghị đưa về khách sạn. Tôi đồng ý. Hẳn nhiên, tôi đã nghĩ rằng đó là phép lịch sự của một người đàn ông dành cho người phụ nữ.
Tối hôm đó tôi đã uống khá nhiều rượu nên không thực sự đủ tỉnh táo. Khi về đến khách sạn, anh này nhìn tôi lo lắng và đề nghị đưa tôi lên tận phòng. Anh ta nói rằng: "Anh đưa em lên đến cửa phòng rồi sẽ về. Anh có nhiệm vụ đưa nhà báo về tận nơi, đảm bảo nhà báo bước vào phòng an toàn".
Tôi lại đồng ý. Để rồi sau đó, anh ta đã xông vào phòng tôi, đứng án ngữ ở cửa ra vào, môi nở một nụ cười nham nhở đến khó hiểu – khác hoàn toàn với hình ảnh lịch thiệp, hiền lành trước đó.
Tôi ngay lập tức hiểu ra tình thế của mình! Nguy hiểm khiến đầu óc tôi lập tức tỉnh táo, dù vẫn chếnh choáng hơi men.
Tôi yêu cầu anh ta ra khỏi phòng. Nhưng anh ta đã khóa cửa lại.
Tôi nói tôi sẽ la lên nếu anh ta làm hại tôi, anh ta chỉ cười: "Khách sạn vắng lắm, chẳng ai nghe thấy chúng ta đâu", rồi tiến lại gần tôi hơn nữa, dồn tôi vào góc tường.
Điều tồi tệ nhất với tôi khi ấy là tôi hiểu anh ta nói đúng! Cả hành lang tầng 3 khách sạn tối om và dường như chỉ có mình phòng tôi sáng đèn. Tôi nặng hơn 40kg khi đó. Men rượu khiến sức lực của tôi gần như cạn kiệt. Tôi chắc chắn không đủ sức để chống cự lại một người đàn ông cao to lực lưỡng nếu anh ta thực sự có ý định xâm phạm tôi.
Lúc đó rượu và sự sợ hãi khiến tôi gần như không thể đứng vững.
Nhưng bằng tất cả ý chí và sức lực còn lại, tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, cố gắng nói với anh ta những lời lạnh lùng và cứng rắn nhất mà tôi có thể: "Giờ anh có làm gì tôi, thì chắc tôi sẽ không đủ sức để chống lại anh. Nhưng tôi hứa danh dự với anh là, sáng mai, tôi sẽ khiến anh mất tất cả những gì anh đang có".
Đó là nỗ lực kháng cự để bảo vệ bản thân của tôi, nhưng cũng là lời nói thật lòng của tôi. Khi đó, tôi đã thực sự nghĩ về một kịch bản "Trạng chết thì Chúa cũng băng hà".
Ơn trên, có lẽ vì hiểu rằng tôi không nói suông, nên sau khi nhìn tôi như để đánh giá tình hình, nụ cười trên môi anh ta dần tắt. Rồi không nói gì thêm, anh ta bước ra khỏi phòng. Tôi chỉ còn đủ sức khóa cửa phòng lại trước khi sụp xuống vì sợ hãi. Cả đêm hôm đó tôi đã không tài chợp mắt!
Và đó không phải lần duy nhất tôi bị quấy rối!
Ảnh minh họa: Getty
Từng có một nhà văn - bác sĩ ngoài 80 tuổi rất đạo mạo, là em trai của một nữ nhân vật nổi tiếng, đã nhắn tin cho tôi thế này khi tôi đề nghị phỏng vấn: "Lan Hương đến nhà bác chơi nhé. Bác chỉ ở nhà một mình hôm nay, chị giúp việc đi vắng rồi. Bác già rồi nhưng vẫn còn khỏe lắm…".
Từng có một tiến sĩ mỹ học hẹn tôi đến nhà phỏng vấn vào buổi tối và tiếp tôi chỉ với một cái áo choàng tắm trên người.
Từng có một anh vị rất to nọ, khi ngồi cùng với tôi ở ghế sau ô tô, đã thản nhiên cởi áo ra thay rồi ném chiếc áo hôi rình mùi viêm cánh của anh ta vào mặt tôi mà hỏi: "Thơm không em?".
Vì hành động ghê tởm đó, mà suốt nhiều năm qua, đã hơn một lần tôi từ chối mỗi khi tòa soạn đề nghị tôi gặp vị quan chức đó để phỏng vấn.
Từng có anh giám đốc sở tỉnh nọ đề nghị đưa tôi vào khách sạn khi tôi xin đi nhờ xe anh ta về Hà Nội. Để rồi khi bị từ chối, anh ta nhìn tôi cười nhạt: "Giữ để làm mắm hả em!".
Từng có đồng nghiệp nam cùng cơ quan đứng suốt đêm trước cửa căn phòng trong khu tập thể đơn vị tôi, đòi phá cửa xông vào.
Từng có những lời đề nghị inbox qua facebook từ chính những người luôn tỏ ra đạo mạo và đáng kính: "Đi du lịch với anh đi, anh sẽ chẳng để em thiệt…".
…
Còn rất nhiều, rất nhiều, rất nhiều lần, đến mức mà tôi không thể nhớ hết được.
Sai lầm của phụ nữ
Khi câu chuyện một nữ CTV với người hướng dẫn mình râm ran khắp làng báo, có những người hỏi tôi là: phụ nữ làm báo thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như thế sao?
Tôi trả lời rằng, không phải chỉ phụ nữ làm báo, không phải chỉ ở các tòa soạn báo, mà ở bất cứ môi trường nào, bất cứ ngành nghề nào, bất cứ công sở nào, từ ngành báo đến ngành công an, từ ca sĩ đến bác sĩ, từ trí thức đến nông dân, từ người làm việc văn phòng đến người lao động tay chân.. người phụ nữ (dù ít dù nhiều) đều phải đối mặt với những tình huống đó.
Khi gặp phải những tình huống đó, tôi nghĩ việc những kẻ quấy rối, những tên yêu râu xanh đó là ai không quan trọng bằng việc tại sao tôi (phụ nữ chúng ta) lại rơi vào tình huống đó? Làm thế nào để bảo vệ bản thân mình an toàn trong những tình huống mà bạn là nạn nhân của chuyện quấy rối tình dục?
Tôi đã luôn cố gắng rút ra bài học cho bản thân sau mỗi rắc rối mà tôi gặp phải.
Tôi luôn nhớ về câu chuyện mà tôi gặp phải ở Điện Biên với anh sĩ quan như một bài học lớn của tôi trong cuộc đời.
Tôi nghĩ mình là người có lỗi, là người đã phạm sai lầm, vì chính tôi đã tạo ra tình huống, đã tạo ra cơ hội cho thú tính trong con người anh ta được nhen nhóm.
Sai lầm của tôi là tôi đã uống quá nhiều rượu đến mức không đủ sức lực và tỉnh táo để bảo vệ bản thân mình.
Sai lầm của tôi là tôi đã cho anh ta đến tận cửa phòng khách sạn mà tôi ở - nhiều người đàn ông có thể sẽ coi đó như một "tín hiệu", một sự đồng lõa của người phụ nữ.
Nói cách khác, tôi đã tự đặt tôi vào tình huống nguy hiểm! Vì thế sau này, tôi không bao giờ uống quá một chén rượu – trừ lúc tôi ngồi thảnh thơi tán gẫu với bạn bè thân thiết.
Tôi cũng không bao giờ để đàn ông đưa về khách sạn. Và đương nhiên, tôi vĩnh viễn không mắc sai lầm thêm một lần nào nữa nếu một người đàn ông (mà tôi không muốn) đề nghị đưa tôi lên phòng.
Tôi đã gặp may mắn một lần cách đây 10 năm, và không hy vọng rằng may mắn sẽ ở cạnh mình mãi mãi!
Những "thế võ" chống yêu râu xanh
Giờ tôi có thường xuyên phải đối mặt với việc bị quấy rối không?
Đó vẫn là câu chuyện xảy ra như cơm bữa.
Nhưng tôi đã tự chuẩn bị cho mình tương đối những kĩ năng – những "thế võ" để đối phó với những tình huống đó. Ví dụ như:
-Tôi thường xuyên đi phỏng vấn cùng với một phóng viên ảnh. Tôi ưu tiên chọn địa điểm phỏng vấn là nơi làm việc hoặc chỗ công cộng, hết sức tránh đến nhà riêng, đặc biệt là với những người tôi chưa có cơ hội tiếp xúc.
- Với cấp trên, với đồng nghiệp, tôi hạn chế nói về những đề tài ngoài công việc, đặc biệt là những chủ đề nhạy cảm. Tôi vui vẻ nhưng không suồng sã.
- Tôi giữ một thái độ yêu ghét rõ ràng trong mọi mối quan hệ, không lấp lửng, không mập mờ, không câu nhử.
- Nếu có linh tính xấu về một người đàn ông, tôi sẽ hạn chế mọi cơ hội tiếp xúc; sẽ tránh những không gian chỉ có hai người. Tôi tin vào trực giác phụ nữ của mình, vì trong những tình huống này, trực giác rất ít khi phản bội tôi.
- Luôn có phương án cho tình huống xấu nhất, ví dụ như luôn đem theo một bình xịt hơi cay mini theo người. Học một hai ngón đòn để đánh vào chỗ hiểm của đàn ông cũng chẳng thừa.
- Đừng câm lặng nếu ai đó làm tổn thương bạn. Hãy đủ cứng rắn để đàn ông hiểu họ sẽ phải trả giá đắt nếu làm hại bạn. Hãy đủ mạnh mẽ để không sợ hãi.
Năm tôi 22 tuổi, tôi đã rất tức giận, khiếp sợ khi bị một người đàn ông quấy rối. Năm tôi 31 tuổi, tôi cứng cỏi, mạnh mẽ hơn. Khi một người đàn ông 60 tuổi mời tôi đi ăn và đề nghị tôi trở thành vợ bé của anh ta, tôi thản nhiên trả lời: "Anh rất tuyệt nhưng em rất tiếc. Em là les!".
Và tôi cười thật tươi, biến một ngày tồi tệ và một lời đề nghị tồi tệ thành một câu chuyện giải trí cho đến mãi tận bây giờ. Những người đàn ông như thế không còn làm tôi e ngại hay khiếp sợ được nữa!