Cùng đi với nhà báo Tạ Bích Loan còn có một đồng nghiệp là biên tập viên Quách Mỹ Linh.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể cho biết: Nhà báo Tạ Bích Loan và biên tập viên Quách Mỹ Linh đều đăng ký hiến tạng với hy vọng nếu không may mình chết não hoặc qua đời thì những bộ phận trên cơ thể mình sẽ cứu được những người khác còn mình sẽ tiếp tục được sống thêm một lần nữa để cống hiến cho đời.
Trong buổi trò chuyện, ông Nguyễn Hoàng Phúc đã chia sẻ với nhà báo Tạ Bích Loan và biên tập viên Quách Mỹ Linh những câu chuyện cảm động về các trường hợp đã hiến tạng khiến các nữ nhà báo rất xúc động.
Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ: Chị có mong muốn tổ chức được một buổi đăng ký tập thể cho toàn bộ phóng viên, biên tập viên và người lao động tại VTV3 và thậm chí là cả VTV.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ với nhà báo Tạ Bích Loan những câu chuyện cảm động về việc hiến tạng
Một tháng sau ngày mất của bé Hải An - bé gái mắc ung thư đã hiến giác mạc sau khi qua đời, đã có trên 1.300 người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc cũng cho biết thêm: Thông tin “Muốn tự nguyện hiến tạng, 17 triệu đồng xùy ra” làm rất nhiều người hiểu nhầm về toàn bộ hoạt động liên quan đến việc đăng ký hiến và hiến mô /tạng.
Thời gian này, chúng tôi thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi về việc đăng ký hiến tạng có mất phí hay không? Trung tâm xin có thông tin về vấn đề này như sau: Người đăng ký chỉ cần điền theo mẫu đơn có sẵn, ký vào đơn, kèm bản photo chứng minh, 1 ảnh thẻ… và nhận thẻ đăng ký hiến. Hoạt động này hoàn toàn miễn phí.
Với người hiến tặng mô/tạng/xác khi chết/chết não: Toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm.
Thông tư 104 của Bộ Tài chính về vấn đề này cũng đã quy định người hiến sẽ được chi trả tiền mai táng sau đó.
"Hiến tạng khi đang sống (việc này ngành y tế không khuyến khích và đây chính là mấu chốt để dẫn tới sự ầm ĩ liên quan đến câu chuyện phải đóng 17 triệu đồng tiền xét nghiệm dù tình nguyện hiến).
Câu chuyện trả tiền xét nghiệm chỉ xảy ra khi việc hiến tạng là của 1 người đang còn sống cho người khác. Trên thực tế, việc hiến tặng 1 quả thận, 1 phần gan, 1 phần phổi… của 1 người khi còn sống thường là dành cho người ruột thịt trong gia đình.
Chúng tôi chưa gặp một trường hợp nào kêu ca phàn nàn là “vì sao tôi lại phải bỏ tiền ra để xét nghiệm cho mình để cứu mẹ tôi, bố tôi, con tôi…”, ông Phúc nói.
Trên thực tế, sẽ có những trường hợp tình nguyện hiến tặng thận cho người ngoài. Theo quy định của luật hiện hành, những người hiến sẽ phải tự bỏ tiền ra làm các xét nghiệm.
Vì khi làm luật, những người xây dựng luật cũng dự đoán về các tình huống và đề cập tới việc hạn chế thấp nhất việc trục lợi sự nhân văn của chính sách.