Bí ẩn "Hiệp hội Đối ngoại châu Âu" - muốn tham khảo website phải gửi công văn
Những ngày qua, dư luận và báo giới đang xôn xao tin một trường THPT ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) tổ chức buổi đón tiếp "nhà báo quốc tế" có tên Lê Hoàng Anh Tuấn.
Trên tấm băng rôn chào đón khổ lớn được cho là ở trường này, tên ông Tuấn được ghi kèm nhiều danh xưng khá hoành tráng như: "Nhà báo quốc tế", Thạc sĩ Luật học, Tiến sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác Quốc tế", Tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh.
Ngoài ra, một tấm danh thiếp đề tên ông Tuấn lan truyền trên mạng xã hội còn ghi tên tạp chí, các trụ sở, văn phòng tại châu Âu, châu Á, châu Phi, kèm theo danh xưng "Hội viên Hội nhà báo Việt Nam".
Trong buổi lễ chào mừng ông Tuấn tại trường THPT Nghi Lộc 3, dòng chữ ghi trên phông là "Lê Hoàng Anh Tuấn, Tiến sĩ, Cựu học sinh...". Tuy nhiên ông Tuấn cho biết mới đang theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ. (Ảnh: NLD.com.vn)
Để làm rõ hơn các thông tin, vào chiều 7/5, PV đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn.
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn cho biết, các thông tin được đăng tải trong vài ngày qua trên mạng xã hội đã làm ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cơ quan chủ quản và các tổ chức khác cũng như cá nhân ông.
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn trao đổi với PV.
Ông Tuấn thông tin, ngay trong chiều nay, Hiệp hội đối ngoại châu Âu, cơ quan chủ quản của Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác Quốc tế nơi ông công tác đã có văn bản số 019 gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị điều tra làm rõ mục đích, động cơ của các thông tin trên.
"Tôi đang công tác tại Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế nên liên quan đến uy tín, danh dự của tổ chức, tôi phải báo cáo sang bên đó và họ đã có biện pháp.
Hiện tổ chức đã gửi công văn qua đường email cho các cơ quan chức năng và bản cứng cũng được chuyển qua bưu điện. Tôi sẽ chờ kết quả giải quyết của cơ quan chức năng", ông Tuấn nói.
Ông thông tin thêm, Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế "không thể tự xưng danh" mà có quyết định thành lập về tên tạp chí, quy chuẩn hoạt động và được cấp chỉ số khoa học quốc tế ISSN 2570 - 9542 do Trung tâm tại Pháp đồng ý cho Cộng hòa Séc cấp.
Tạp chí có giấy phép xuất bản số MK CR R 23136 của Bộ Văn hóa Cộng hóa Cộng hòa Séc cấp. Tại Singapore và châu Phi đã cấp giấy phép xuất bản cho tờ tạp chí này.
Đối với các giấy tờ chi tiết liên quan tờ tạp chí, theo ông Tuấn, đơn vị chủ quản sẽ cung cấp đầy đủ cho cơ quan chức năng Việt Nam khi có yêu cầu.
Về thông tin địa chỉ, cách truy cập website của Hiệp hội đối ngoại châu Âu và tờ tạp chí, ông Tuấn cho biết, website đã được lập từ 2 năm và sử dụng tiếng Anh.
Tuy nhiên, theo quy định tại Séc, Singapore, châu Phi, nếu cá nhân, tổ chức muốn vào được website của Hiệp Hội đối ngoại châu Âu và tạp chí, cần phải gửi công văn sang.
"Khi họ đồng ý sẽ gửi cho mật mã mới vào được, còn bình thường không vào được và tìm trên Google cũng không có", ông Tuấn trả lời.
Thẻ nhà báo quốc tế: do Hiệp hội Đối ngoại châu Âu cấp
Liên quan đến thẻ "nhà báo quốc tế" được cấp, ông Tuấn giải thích, trên thế giới có loại thẻ này và khi ông đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền đã xem xét, cấp thẻ.
"Thẻ nhà báo quốc tế của tôi do Hiệp hội Đối ngoại châu Âu cấp theo đúng luật pháp châu Âu. Thực tế, Hiệp hội Đối ngoại châu Âu là chủ quản tờ Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế thì họ được phép cấp thẻ nhà báo quốc tế.
Nếu vào Google tham khảo, tìm kiếm có thể thấy rất nhiều thẻ nhà báo quốc tế (International Press Card) được cấp.
Hơn nữa, thẻ nhà báo quốc tế của tôi còn được các cơ quan chức năng của Séc và hợp pháp hóa lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Cộng hòa Séc xác nhận.
Nếu các cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu xác nhận thẻ này thì cơ quan chức năng bên đó sẽ có trả lời cụ thể bằng văn bản. Tôi khẳng định, thẻ nhà báo quốc tế của tôi hoàn toàn hợp pháp", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bản scan "thẻ nhà báo quốc tế" được hợp pháp hóa lãnh sự của ông Lê Hoàng Anh Tuấn.
Trước thông tin "thẻ nhà báo quốc tế" được mua với giá vài triệu đồng, ông Tuấn cho hay, để có sự thuyết phục, ông đề nghị làm rõ thông tin này.
"Nếu thông tin đó nói tôi mua, vậy tôi mua ở đâu, giá bao nhiêu và có bằng chứng cụ thể nào về việc mua bán đó không?
Còn thẻ nhà báo quốc tế của tôi được cấp từ tháng 3/2018 và hiện nay, tôi đã được cấp thẻ mới của năm 2019.
Thẻ của tôi được sử dụng trên toàn thế giới, tuy nhiên, khi đến tác nghiệp ở một số quốc gia nhất định vẫn phải xin phép, tuân thủ theo quy định của pháp luật nước đó", ông Tuấn nêu thêm.
Về danh xưng "Tiến sĩ": Đang theo học nghiên cứu sinh tiến sĩ
Về vấn đề bằng cấp và các danh xưng "hoành tráng", ông Lê Hoàng Anh Tuấn đã cung cấp thông tin cơ bản về việc học của mình.
Theo đó, ông học tại trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghệ An) với tên là Lê Văn Tuấn (sinh ngày 1/10/1979).
Bằng của ông Tuấn do Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Ostrava Cộng hòa Séc cấp.
Giấy công nhận bằng đại học của ông Tuấn do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Giáo dục cấp.
Sau đó, vào ngày 27/11/2013, ông Tuấn xin phép sửa đổi tên đệm ở giấy khai sinh gốc và được cơ quan chức năng cho phép đổi thành tên Lê Hoàng Anh Tuấn như hiện tại.
Ông theo học tại trường Đại học Sư phạm Ostrava Cộng hòa Séc, khoa Triết, chuyên ngành Ngôn ngữ học (tiếng Séc) và Trường Đại học kỹ thuật Tổng hợp Ostrava VSB Cộng hòa Séc ngành quản lý nhân sự.
Khi về nước bằng này đã được Cục Khảo thí, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Sau đó, ông tiếp tục học văn bằng 2 chính quy của Trường Đại học Luật Hà Nội và Thạc sỹ Luật học. Ông bảo vệ thành công và được cấp bằng Thạc sỹ Luật học.
Về bằng TS danh dự từ Vương quốc Anh, ông Tuấn nói: Dựa trên các công trình tiêu biểu đăng trên tạp chí, Hiệp hội đối ngoại châu Âu đã đề xuất và được trường Đại học Leeds cấp bằng Tiến sĩ danh dự chuyên ngành “Ngôn ngữ học” cho ông.
Tuy nhiên ông Tuấn từ chối cho xem văn bằng nói trên, chỉ nói sẽ cung cấp sau.
Ngoài ra, ông Tuấn thông tin, hiện mình đang theo học Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Học viện Ngoại giao.
Bằng thạc sỹ Luật học của ông Tuấn.
"Các bằng cấp của tôi đều rất rõ ràng và học, nghiên cứu, bảo vệ nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định của các trường nơi theo học", ông Tuấn nêu rõ.
Phủ nhận thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đối với thông tin cho rằng, ông từng bị người dân gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới cả tỷ đồng, ông Tuấn khẳng định, đây là việc vu khống, bôi nhọ, không có bất cứ căn cứ nào.
"Việc này là hoàn toàn vu khống nhằm hạ thấp uy tín, danh dự và tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ xem họ đưa thông tin này với động cơ, mục đích gì?", ông Tuấn nói thêm.
Ông này xác nhận được thỉnh giảng tại Khoa Báo chí, (nay là Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và thời điểm đó, ông đang giữ chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.
"Tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin lý lịch của mình, kèm theo các văn bằng được cơ quan có thẩm quyền cấp và xác nhận. Nếu cần thông tin cụ thể, các cơ quan chức năng có thể liên hệ với Viện Báo chí để được trả lời", ông Tuấn nói.
Liên quan đến việc gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam, ông Tuấn lý giải, việc này do cá nhân ông đề xuất với Viện Báo chí và sau đó, đơn vị này hoàn tất thủ tục, trình Ban Thường vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam quyết định kết nạp.
"Tôi có quyết định kết nạp từ 1/3/2019 và đang chờ cấp thẻ Hội viên. Tôi đã nộp các văn bằng, giấy tờ liên quan, kể cả thẻ nhà báo quốc tế được hợp pháp hóa lãnh sự cho Hội Nhà báo Việt Nam.
Các thông tin tin liên quan có thể trao đổi cụ thể với Hội để nắm rõ", ông Tuấn nêu rõ.
Về các thông tin liên quan việc trở về thăm trường THPT cũ và một số nội dung khác, ông Tuấn xin phép chưa trả lời vào lúc này và nói, sẽ có trao đổi sau khi cơ quan chức năng làm rõ.