Nhà báo Khashoggi bị sát hại vì "biết quá nhiều" về góc khuất của hoàng gia Ả Rập Saudi?

Tất Đạt |

Ngoài ra, nhà báo Khashoggi được cho là đang triển khai một dự án bí mật cùng một người cộng sự tại nước ngoài.

Nắm giữ quá nhiều thông tin nhạy cảm

Theo các nguồn tin, nhà khoa học chính trị Asiem El Difraoui - một người bạn của nhà báo mất tích Jamal Khashoggi - cho biết có thể ông đã bị sát hại vì biết quá nhiều về gia đình hoàng gia Ả Rập Saudi.

Trả lời báo Die Welt (Đức), ông El Difraoui cho rằng mặc dù các bài viết của ông Khashoggi không gây ảnh hưởng quá lớn tới Ả Rập Saudi, nhưng những mối quan hệ của nhà báo với cơ quan tình báo có thể đã cung cấp cho ông Khashoggi quá nhiều thông tin "nguy hiểm".

Nhà báo Khashoggi bị sát hại vì biết quá nhiều về góc khuất của hoàng gia Ả Rập Saudi? - Ảnh 1.

Nhà khoa học chính trị Asiem El Difraoui. Ảnh: Getty

Ông Difraoui nói: "Nếu ông ấy thực sự bị sát hại, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu hoạt động báo chí là nguyên nhân duy nhất. Chính quyền Ả Rập Saudi quản lý một nửa truyền thông Ả Rập quốc tế. Với vai trò là một nhà báo và là nhà hoạt động, ông Khashoggi có thể sẽ khiến nhiều người không hài lòng, nhưng không phải là một mối đe dọa quá lớn".

"Tuy vậy, ông Khashoggi biết rất nhiều. Ông ấy biết cả những bí mật nhạy cảm nhất."

Khi được hỏi, ông Difraoui lấy ví dụ rằng ông Khashoggi có thể biết về những hành vi tham nhũng, "mối liên hệ với khủng bố và các nhóm cực đoan" cũng như những hoạt động sai trái của hoàng gia Ả Rập Saudi.

Được biết, ông El Difraoui gặp nhà báo Khashoggi lần đầu tiên vào khoảng năm 2003 và hai người đã giữ liên lạc từ đó tới nay. Ông cho biết ông Khashoggi đã từng gặp Osama bin Laden vào những năm 1990 và đã cố gắng thuyết phục thủ lĩnh Al-Qaeda dừng các hoạt động quân sự.

Dự án "những con ong"

Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời ông Omar Abdulaziz - một người bạn khác của nhà báo Khashoggi - tiết lộ họ đang thực hiện một dự án bí mật cùng nhau và chính quyền Ả Rập Saudi dường như đã biết về kế hoạch này trước khi ông Khashoggi mất tích.

Theo ông Abdulaziz, dự án có tên "những con ong" được xây dựng với mục tiêu xây dựng "một đội quân trên mạng" thông qua những chiếc SIM điện thoại nước ngoài. Vì Twitter yêu cầu số điện thoại để xác minh tài khoản nên những số điện thoại nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho những nhà vận động tránh bị truy dấu và bị bắt giữ bởi chính quyền Ả Rập Saudi.

Ông Khashoggi được cho là đã đưa Abdulaziz 5.000 USD để triển khai dự án, mặc dù sau đó ông cũng tỏ ra quan ngại rằng đây là hoạt động rất "nguy hiểm".

Ông Abdulaziz kể lại hai người đàn ông từng có mặt trong đoàn tháp tùng Thái tử Mohammed bin Salman đã gây áp lực trong nhiều tháng và buộc ông Abdulaziz phải trở về nước. Theo các điều tra, hai người này cũng là nghi phạm trong vụ mất tích và ám sát nhà báo Khashoggi.

Theo Washington Post, ông Abdulaziz đã gặp mặt hai người đàn ông nói trên tại một quán cà phê ở Montreal (Canada). Ban đầu, hai người hứa hẹn sẽ trao một khoản tiền cho Abdulaziz nếu trở về nước.

Nhưng sau nhiều lời thuyết phục bất thành, cuối cùng hai người đàn ông đe dọa bắt giữ Abdulaziz và cho biết hai em trai cùng tám người bạn khác của ông đã bị giam tại Ả Rập Saudi vào đầu tháng 8.

Vào thời điểm ấy, nhà báo Khashoggi cảnh báo ông Abdulaziz không chấp nhận bất kì yêu cầu nào từ phía hai người kia và khẳng định lực lượng an ninh sẽ bắt giữ Abdulaziz nếu ông trở về.

Abdulaziz đã bí mật ghi lại đoạn hội thoại và gửi tới Washington Post. Đoạn hội thoại được xác định xảy ra vào ngày 15/5 và theo đó, dường như chính quyền Ả Rập Saudi đã biết về dự án "những con ong".

Tới nay, Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi chưa đưa ra bình luận về câu chuyện và cáo buộc của Abdulaziz.

Ngoài ra, các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết thái tử Saudi cũng đã tìm cách đưa ông Khashoggi trở về nước theo cách thức tương tự. Đây dường như là lời cảnh báo của hoàng gia Ả Rập Saudi với các nhà hoạt động rằng họ không hề an toàn tuyệt đối, dù ở bất kì nơi nào trên thế giới.

Khashoggi, nhà báo với nhiều bài viết chỉ trích chính quyền Ả Rập Saudi, đã mất tích sau khi tiến vào lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vào ngày 2/10 để lấy giấy tờ xác minh rằng ông đã li dị vợ cũ. Các nhà lãnh đạo của Ả Rập Saudi, bao gồm thái tử, đã phủ nhận mọi cáo buộc sát hại nhà báo này. Nhưng phía Ả Rập Saudi cũng không đưa ra được bằng chứng nào về việc nhà báo đã rời khỏi lãnh sự quán an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại