Từ cạnh tranh chính trị đến đối đầu bạo lực
Cho đến nay, vụ chính biến tháng 10/1993 - hay còn được biết đến với tên gọi "Khủng hoảng Hiến pháp Nga 1993" - vẫn là ký ức khó quên đối với nhiều người.
Khi ấy, giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và các nhà lập pháp Nga thường xuyên xảy ra xung đột về những vấn đề liên quan đến cải cách và xây dựng hình thái quốc gia mới.
Cao trào của cuộc cạnh tranh chính trị này là ngày 21/9/1993, khi ông Yeltsin giải tán cơ quan lập pháp quốc gia (Đại hội đại biểu nhân dân) sau khi kí sắc lệnh số 1400 quy định "từng bước cải cách Hiến pháp". Tuy nhiên, theo Hiến pháp Nga thời điểm đó, thì Tổng thống Nga không có quyền giải tán nghị viện.
Phe đối lập với ông Yeltsin - đứng đầu là Phó Tổng thống Alexander Rutskoi và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên Xô Tối cao Khasbulatov - đã cáo buộc quyết định của Tổng thống Yeltsin là vi hiến, và tuyên bố ông Rutskoi trở thành quyền Tổng thống.
Các cuộc đụng độ đầu tiên giữa cảnh sát Moskva và đám đông tuần hành phản đối ông Yeltsin nổ ra vào ngày 28/9, và căng thẳng giữa hai bên ngày càng leo thang.
Đỉnh điểm của những căng thẳng ấy là cuộc đối đầu bạo lực giữa phe ủng hộ ông Yeltsin và phe đối lập của ông Rutskoi và các nhà lập pháp Nga tại trung tâm thủ đô Moskva đầu tháng 10/1993.
Tòa nhà Quốc hội Nga bốc cháy dữ dội trong trận pháo kích ngày 4/10/1993. Ảnh: Sputnik.
"Những ngày đen tối"
Ông Fred Weir, một nhà báo người Canada và hiện là Giám đốc văn phòng tại Moskva của tờ Christian Science Monitor (Mỹ), đã từng trải qua cuộc chính biến năm 1993. Sau đây là phần lược dịch những chia sẻ của ông với Sputnik về những trải nghiệm trong vai trò một phóng viên nước ngoài trong "những ngày đen tối" ấy.
---
Fred Weir: [...] Khoảng 2 tuần [sau khi ông Alexander Rutskoi trở thành quyền Tổng thống], phe Tổng thống Boris Yeltsin đã cử quân đội tới bao vây tòa nhà quốc hội Nga.
Sau đó, ngày 3/10, rất đông đảo người biểu tình [chống ông Yeltsin] đã tập hợp tại Quảng trường Tháng 10, sau đó di chuyển tới tòa nhà Quốc hội để phá vỡ vòng vây của lực lượng quân đội, giải thoát cho các nhà lập pháp ở phía trong.
[...] Vào thời điểm đó, phe chống ông Yeltsin, bao gồm các nhà lập pháp và đám đông biểu tình, tưởng như đã giành chiến thắng, nhưng ông Rutskoi lại bất ngờ kêu gọi những người ủng hộ đánh chiếm tháp truyền hình Ostankino.
Là một người có xuất thân từ quân đội, ông Rutskoi đã biến một cuộc đối đầu chính trị vốn đã phân định thắng bại thành cuộc đối đầu quân sự mà ông này gần như không có cửa thắng nào.
Sau đó, đã có rất nhiều người thương vong tại khu vực Ostankino, bởi đội đặc nhiệm Spetsnaz (thuộc lực lượng ủng hộ ông Yeltsin) đã đến trước để bảo vệ tháp truyền hình. Rất đông người biểu tình đã có mặt tại địa điểm này, nên tôi nghĩ rằng con số 160 người thương vong mà các anh đưa ra có lẽ vẫn còn khá khiêm tốn.
Đến ngày hôm sau, trước tình trạng hỗn loạn vừa xảy ra tại tháp Ostankino, ông Yeltsin đã thuyết phục thành công ít nhất 1-2 chỉ huy quân đội gần Moskva điều lực lượng binh sĩ và xe tăng vào nội thành.
Tôi cho rằng đó là lỗi của ông Rutskoi, bởi nếu phía Đại biểu Hội đồng Nhân dân chỉ tổ chức họp mặt và đưa ra tuyên bố, thì chưa chắc đã xảy ra chuyện đối đầu bạo lực ở ngay giữa thủ đô Moskva như vậy.
Các binh sĩ thuộc lực lượng chống khủng bố Alfa trước tòa nhà Quốc hội tại Moskva. Ảnh: Sputnik.
Sputnik: Ông đã thu thập được những thông tin đó từ nguồn nào, và ông đã ở đâu khi cuộc đụng độ xảy ra?
Fred Weir: Tôi đã trực tiếp tham gia đoàn người biểu tình phá vỡ vòng vây bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào ngày 3/10/1993, và tôi cũng đã vào trong đó khi ông Rutskoi bước ra ngoài ban công kêu gọi tập hợp lực lượng tấn công tháp truyền hình Ostankino. Tôi đã tận mắt chứng kiến tất cả mọi chuyện.
Sputnik: Vậy điều gì đã xảy ra? Ông nói rằng đã tận mắt chứng kiến vụ đụng độ, vậy ông có trò chuyện với một vài nhân chứng hay những người tham gia cuộc đụng độ đó không?
Fred Weir: Tôi không có mặt trong tòa nhà Quốc hội trong suốt thời gian địa điểm này bị lực lượng quân đội (thuộc phe ủng hộ ông Yeltsin) phong tỏa, nhưng một số đồng nghiệp của tôi đã có mặt tại đó và đã thu thập được nhiều câu chuyện đắt giá.
Phải đến ngày 3/10 tôi mới có cơ hội vào phía bên trong tòa nhà Quốc hội. Khi ấy các nghị sĩ đã tụ tập lại và bắt đầu phân phát vũ khí, chuẩn bị tinh thần đối mặt với một cuộc tấn công.
Nhờ đó tôi mới biết rằng hóa ra tầng hầm của nhà Quốc hội Nga trong thời gian đó chính là một kho vũ khí lớn. Vậy nên hầu hết các nghị sĩ đều được phân phát một khẩu súng trường Kalashnikov.
Tôi có cảm giác như mình sắp chứng kiến một cuộc nội chiến khủng khiếp, nhưng thật may là nó đã kết thúc.
Thực tế thì đó là cuộc đụng độ giữa các luồng tư tưởng trái chiều tại nước Nga. Ngày nay người ta rất dễ quên đi bản chất của cuộc chiến và lái nó sang những thứ khác, như xung đột pháp lý chẳng hạn.
Tuy nhiên, trên các đường phố, và trong các cuộc biểu tình - thì cuộc đối đầu này có quy mô rất lớn. Ví dụ, số người tham gia phá vòng vây của quân đội ngày 3/10 trong thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số 10.000 được ghi nhận.
Ảnh: Xe tăng băng qua cầu Novoarbatsky, chuẩn bị nã pháo vào tòa nhà Xô Viết Tối cao năm 1993. Ảnh: Sputnik.
Và những điều xảy ra vào ngày hôm sau... thật khó tả. Khoảng 4 chiếc xe tăng và nhiều loại vũ khí hỏa lực mạnh đã được huy động đến cầu Kalinin (ngày nay là cầu Novoarbatsky) và nã đạn rất chuẩn xác vào các mục tiêu.
Tuy trận "mưa đạn" này không gây ra nhiều thương vong về người, nhưng họ đã đạt được mục đích truyền thông điệp của mình tới đối thủ, đồng thời khiến phe đối lập đang cố thủ trong tòa nhà Quốc hội khiếp sợ.
Tôi không có mặt ở đó, nhưng tôi đoán chắc hẳn mọi người ở trong tòa nhà Quốc hội đã rất kinh sợ khi bị "mưa đạn" bao vây bốn bề khu vực này - tòa nhà Smolenskaya Naberezhnaya, Novy Arbat, trụ sở cũ của Cộng đồng Đông Âu... cũng đều nằm trong tầm đạn của súng Kalashnikov.
Phải nói rằng cả hai bên đã "điên cuồng" nã súng vào mọi hướng trong lúc căng thẳng lên tới đỉnh điểm.
Khi ấy tôi có nhiệm vụ đưa tin về tình hình các công dân Canada ở Nga, và chúng tôi đã nhận được tin báo về một trường hợp rất hi hữu: Một người đàn ông bị trúng đạn vào vai khi đang tựa cửa sổ ở tòa nhà Kutuzovskiy, cách khu vực xung đột khoảng 1 km. Điều đó cho thấy súng trường Kalashnikov có uy lực kinh khủng cỡ nào.
Tòa nhà Quốc hội Nga sau trận bắn phá "điên cuồng" của hai phe đối lập. Ảnh: Sputnik.
Sputnik: Ông có trò chuyện với những người Nga trong hoặc sau khi chính biến xảy ra không?
Fred Weir: Có chứ. Trong ngày 4/10, tôi đã dành khá nhiều thời gian ở xung quanh khu vực tòa nhà Quốc hội Nga. Tuy không thể vào phía trong, nhưng tôi đã trò chuyện với những người Nga trên đường phố.
Họ cũng chia thành hai phe đối lập. Nhóm thứ nhất, với thành phần chủ yếu là các trí thức trẻ, thì ủng hộ ông Yeltsin và nói rằng cuộc đối đầu bạo lực như vậy là cần thiết. Trái lại, nhóm người ủng hộ các nhà lập pháp tỏ ra rất hoảng sợ khi thấy xe tăng nã pháo trực tiếp vào tòa nhà Quốc hội.
Có rất nhiều cảm xúc hỗn loạn vào thời điểm đó, và các chính trị gia ở phía ngoài tòa nhà Quốc hội (những người ủng hộ ông Yeltsin) cũng tán thành với quyết định bắn phá tòa nhà này. Họ cũng cho rằng đó là điều cần thiết, dù không muốn chứng kiến tòa nhà Quốc hội bị hư hại nặng nề.
---
Khoảng 18h ngày 4/10/1993, phe đối lập đã tuyên bố đầu hàng, và ông Yeltsin đã giành lại quyền kiểm soát tòa nhà Quốc hội, đồng thời lệnh bắt giam ông Rutskoi và các nhà lập pháp. Đến tháng 2/1994, những thủ lĩnh thuộc phe chống đối mới được ân xá.
Ông Fred Weir nhận định rằng tuy cuộc đối đầu bạo lực giữa phe ủng hộ ông Yeltsin và phe đối lập chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng nó có tính chất tương tự như một cuộc nội chiến, và hậu quả của cuộc khủng hoảng này còn ảnh hưởng tới nước Nga trong một thời gian dài sau đó.