Tại Việt Nam, hệ thống Bảo hiểm tiền gửi được thành lập từ năm 1999 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 với hạn mức chi trả tối đa ban đầu là 30 triệu đồng. Đến năm 2005, hạn mức chi trả tối đa được nâng lên mức 50 triệu đồng và được áp dụng cho tới giữa năm 2017.
Tuy nhiên, theo quy định mới, kể từ ngày 5/8/2017, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tiền gửi một mức chung là 75 triệu đồng cho tất cả các hạn mức gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản.
Được biết, hiện nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tích lũy dựa trên 4 cấu phần, gồm vốn điều lệ do Nhà nước cấp, nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm, nguồn thu từ hoạt động đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi đóng góp một phần lớn vào nguồn lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Cụ thể, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang thu phí từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi với mức phí đồng hạng là 0,15% tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Ngân hàng đang chi bao nhiêu cho bảo hiểm tiền gửi?
Thống kê 12 ngân hàng bao gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, VPBank, Techcombank, Tienphongbank và Eximbank cho thấy, mức chi phí bảo hiểm tiền gửi của các nhà băng trong 9 tháng đầu năm đã tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, từ 20% đến hơn 100%.
Trong đó, VPBank là đang là ngân hàng có mức tăng chi phí bảo hiểm tiền gửi mạnh nhất với mức tăng lên tới 118%, từ hơn 47 tỷ đồng lên hơn 103 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là MBB với mức tăng gần 38%, tương đương với mức chi 148 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Xét về con số tuyệt đối, BIDV hiện đang là ngân hàng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao nhất với gần 484 tỷ đồng trong năm, tăng 26,3% so với 9 tháng đầu năm 2016.
Nguyên nhân do đây là ngân hàng huy động được lượng tiền gửi lớn nhất, hơn 823 nghìn tỷ đồng tính đến ngày 30/9.
Với lượng tín dụng huy động tính cuối quý III đạt 725 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai trong hệ thống, Vietinbank cũng là nhà băng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao thứ hai, với hơn 394 tỷ đồng.
Đứng thứ ba là ngân hàng Vietcombank, với chi phí bảo hiểm tiền gửi 9 tháng đầu năm đạt gần 326 tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2015.
Sẽ áp phí riêng với từng ngân hàng?
Như đã nói ở trên, hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang thu phí từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi với mức phí đồng hạng là 0,15% tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, hiện cơ quan này đang nghiên cứu, đề xuất nhằm xây dựng lộ trình hợp lý trong việc triển khai hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt trên cơ sở rủi ro.
Theo đó, sẽ tiến hành thu phí bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Thu phí theo hình thức này có ưu điểm là đảm bảo tính công bằng đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm, vì tổ chức nào hoạt động tốt hơn và rủi ro thấp hơn sẽ được hưởng mức phí thấp hơn và ngược lại, từ đó sẽ khuyến khích các tổ chức tham gia, củng cố và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro.
Rủi ro đối với nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng được giảm bớt khi hạn chế phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, để áp dụng thu phí phân biệt, ông Huy cho rằng, cần phải có những tính toán cẩn trọng với một lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Cũng theo lãnh đạo này, hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang hoàn thiện việc nghiên cứu, xây dựng đề án và tính thử, đánh giá sơ bộ tác động của việc áp dụng hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt, qua đó đề xuất với NHNN các phương án phù hợp.