Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam 'rửa' hàng nghìn tỷ đồng thế nào?

Dương Lê |

CQĐT xác định, hai ông trùm trong đường dây đánh bạc trực tuyến là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều thủ đoạn để “rửa tiền” như: đầu tư bất động sản, góp vốn vào các công ty, góp vốn làm dự án BOT…

Cái “bắt tay” của hai ông trùm cờ bạc

Cơ quan điều tra nhận định, Phan Sào Nam (SN 1979) là người có trình độ am hiểu về công nghệ thông tin. Năm 2014, Nam đã bàn bạc, thống nhất với Hoàng Thành Trung – nguyên Giám đốc Trung tâm phần mềm VTC Intecom xây dựng phần mềm tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club.

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương tại TP Hồ Chí Minh, qua giới thiệu Nam biết Công ty CNC là công ty bình phòng của C50 nên đặt vấn đề hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến qua mạng Internet bằng hình thức game bài và được Nguyễn Văn Dương đồng ý.

Sau buổi gặp, hai ông trùm cờ bạc thỏa thuận tỷ lệ ăn chia theo từng tháng với mức độ khác nhau. Cụ thể các mức như: dưới 5 tỷ đồng, từ 5-15 tỷ đồng và trên 15 tỷ đồng thì Công ty CNC hưởng lợi lần lượt theo tỷ lệ 30-35-40% và VTC Online được hưởng phần còn lại.

Tháng 8/2015, cả hai thống nhất điều chỉnh tỷ lệ phân chia doanh thu. Theo đó, Công ty CNC hưởng 30% tổng doanh thu, còn VTC online hưởng 70%.

Hằng tháng, Phan Sào Nam trực tiếp tổng hợp số liệu tổng doanh thu, lập thành bảng kê phản ánh doanh thu và phân chia lợi nhuận rồi chụp ảnh màn hình gửi cho Nguyễn Văn Dương làm căn cứ thanh toán.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đến nay đã có đủ căn cứ kết luận xác định đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc; số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến đã chứng minh được là 9.853 tỷ đồng.

Mang tiền cờ bạc đầu tư dự án BOT

Sau khi chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là 3.709 tỷ đồng, các cá nhân được hưởng lợi là 4.713 tỷ đồng.

Trong đó: Phan Sào Nam hưởng lợi 1.475 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương - CNC hưởng lợi 1.655 tỷ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi 1.574 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ thủ đoạn rửa tiền của hai đối tượng cầm đầu đường dây này.

Cụ thể, Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển một phần số tiền hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC với số tiền hơn 576 tỷ đồng và trực tiếp góp vốn vào dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn với số tiền 329,7 tỷ đồng.

Sau khi “nhúng” tiền qua Cty UDIC, ngày 17/4/2017, Dương tách Cty này thành hai công ty, rồi bán cổ phần sở hữu tại Cty UDIC cho các công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, Công ty Cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, Công ty Cổ phần tập đoàn Hải Thạch, thu về số tiền 270 tỷ đồng.

Tiếp đó, Dương lấy 150 tỷ đồng từ số tiền bán cổ phần nêu trên đi mở 2 sổ tiết kiệm; mua 2 sàn (tầng 5,6) toà nhà ICON4, trị giá hợp đồng 61 tỷ đồng. Số còn lại Dương khai sử dụng cá nhân hết. CQĐT xác định, đến nay Nguyễn Văn Dương vẫn chưa khai báo, che giấu phần lớn số tiền thu lợi bất chính của mình.

Còn Phan Sào Nam chuyển cho Phan Thu Hương hơn 216 tỷ đồng để gửi tiết kiệm và mua bất động sản; chỉ đạo Đỗ Bích Thuỷ rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào các công ty như: Công ty Vịnh Hạ Xanh Hạ Long, Công ty Án tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech với số tiền gần 93 tỷ đồng.

Ngoài ra, Phan Sào Nam còn nhờ nhiều cá nhân đứng tên mua 15 căn hộ với tổng trị giá hơn 151 tỷ đồng; gửi ngân hàng Bank of Singapore 3,5 triệu USD và nhờ người cất giữ số tiền, vàng, đô la trị giá 680 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do một số đối tượng được cho là đang cất giữ tài sản phạm pháp của Phan Sào Nam đang bỏ trốn nên CQĐT chưa xác minh làm rõ được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại