TS. BS Huỳnh Giới: Thầy Liêm có rất nhiều học trò, và nhiều người trong số đó đã thành danh. Tôi là người may mắn được Thầy dạy bảo rất nhiều kỹ thuật khó trong khi mổ. Khi nhắc đến Thầy Liêm, tôi thấy khó có thể dùng ngôn từ để miêu tả hết sự xuất sắc của Thầy.
Thầy của tôi – GS Nguyễn Thanh Liêm là một phẫu thuật viên Nhi khoa, một giáo sư phẫu thuật Nhi đẳng cấp thế giới. Các kỹ thuật mổ của Thầy được thế giới thừa nhận và áp dụng trong trường hợp trẻ sinh ra không có hậu môn. Hiện nay, kỹ thuật mổ của Thầy vẫn đang được sử dụng tại Ấn Độ và các nước Châu Âu.
Giáo sư Liêm là một trong rất ít giáo sư người Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đẳng cấp thế giới. Thầy còn viết sách y học với các giáo sư Mỹ và Châu Âu.
TS. BS Huỳnh Giới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi
TS. BS Huỳnh Giới: Lần đầu tiên tôi gặp Thầy vào năm 1995. Thời điểm đó, một giáo sư người Pháp sang Việt Nam giới thiệu về phẫu thuật lồng ngực. Giáo sư Liêm đại diện cho Bệnh viện Nhi Trung ương tham dự. Thầy và bác sĩ Bích thay nhau phiên dịch tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Khi đó, tôi đã cực kỳ ấn tượng với Thầy. Thầy rất giỏi tiếng Pháp và am hiểu chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực trẻ em. Tôi đi dự hội thảo nhiều nhưng ít thấy ai có đủ kiến thức để diễn đạt hết lời của các chuyên gia nước ngoài chia sẻ cho bác sĩ Việt Nam như Thầy. Chỉ qua buổi hội thảo đó, tôi đã thấy sự xuất sắc của Thầy.
Sau này, vào năm 1999, tôi có cơ hội ra Bệnh viện Nhi Trung Ương học về phẫu thuật Nhi. Lúc gặp lại, Thầy Liêm có hỏi tôi: Cậu đã biết gì về phẫu thuật Nhi? Tôi trả lời thầy là mình mới chỉ biết sơ sơ. Nhưng khi vào phòng mổ, Thầy nhận thấy tôi nắm khá chắc lý thuyết nên đã có thiện cảm.
TS. BS Huỳnh Giới: Tôi biết, tôi được thầy ưu ái nhiều, chắc là do tôi chăm chỉ học (cưới lớn – PV). Tôi sinh ra ở Quảng Ngãi, gia đình cũng không có điều kiện. Do vậy, tôi đã xác định cho mình con đường phải học thật tốt để thành công. Tôi tự nhận thấy bản thân là một người chăm làm, chịu khó tìm tòi những cái mới…
Thầy Liêm cũng đi lên từ hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở vùng nông thôn. Thầy đã phấn đấu rất nhiều trong học hành để có sự nghiệp rực rỡ như ngày hôm nay. Vì vậy, tôi nghĩ Thầy thích tính chăm làm ham học của tôi.
Tôi cũng là người thẳng tính và rất thật thà. Khi làm việc, phẫu thuật hay trong cuộc sống, cái gì tốt thì nói tốt, cái gì chưa tốt thì nói chưa tốt. Chắc cũng vì lẽ đó, khi Thầy gặp tôi đã rất thương. Đi đâu Thầy cũng cho đi theo và chỉ dạy cho tôi nhiều kỹ thuật khó.
TS. BS Huỳnh Giới: Đúng vậy, một điều đặc biệt của giáo sư Liêm là khi có giáo sư nước ngoài về bệnh viện Nhi mổ thì Thầy cũng vào phụ mổ cho các vị giáo sư đó.
Theo cảm nhận của tôi qua những lần mổ của bác sĩ nước ngoài, cho dù họ không sử dụng kỹ thuật mới nhưng Thầy vẫn nhìn nhận được ưu điểm của kỹ thuật mổ đó để cải biến kỹ thuật mổ của Thầy tốt hơn nữa.
Đó là điều đặc biệt hiếm có vì một người ở vị thế như Thầy, ít khi họ đi phụ mổ lắm. Nhưng Thầy thì khác, Thầy chẳng nề hà để ý người khác soi xét. Thầy có thể học ở bất cứ ai… Dù phẫu thuật đó giáo sư Liêm làm tốt hơn họ nhưng Thầy vẫn vào phòng mổ để quan sát. Đây là điều quý giá tôi học được từ người Thầy lớn của mình.
TS. BS Huỳnh Giới: Có một bài học từ Thầy mà tôi sẽ khắc sâu suốt đời. Đó là lần mổ hẹp khí quản bệnh nhi 5-6 tuổi. Khi phẫu tích lồng ngực để mổ, vị trí hẹp sâu trong lồng ngực bị cuống mạch máu lớn của tim bao quanh, do vậy phẫu thuật phải dừng lại. Thầy có nhắc tôi một câu mà tôi luôn ghi nhớ làm kim chỉ nam cho cuộc đời bác sĩ phẫu thuật của mình, đó là: Nếu mổ mà thấy không an toàn thì phải dừng lại để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Thầy còn dạy tôi: "Không được hài lòng với những gì mình có". Ý ở đây là không được hài lòng với những kiến thức y học, kỹ năng mình đang có mà luôn phải học hỏi để có những kiến thức mới hơn. Điều đặc biệt, Thầy luôn nhắc học trò phải sáng tạo kỹ thuật mình đã mổ để tối ưu, mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Tôi ngẫm có thể do triết lý đó mà Thầy Liêm là người luôn cải biên, cải tiến những kỹ thuật mổ. Ví dụ, trong phẫu thuật đường mật cho trẻ em, việc nối đường mật chủ với ruột non, Thầy cũng đã cải biên hàng chục kỹ thuật. Về việc cải biên, cải tiến kỹ thuật tốt hơn cho bệnh nhân, hiếm có người nào có số lượng nhiều như Thầy.
TS. BS Huỳnh Giới: Đúng là bác sĩ mổ thường nóng tính. Với học trò, các thầy thường hay mắng mỏ để dạy chúng tôi không mắc sai lầm. Chúng tôi rất quen và coi điều đó là bình thường, là điểm "đáng yêu" của các thầy. Nhưng riêng Thầy Liêm thì không "đáng yêu" theo kiểu đó đâu (cười). Thầy điềm đạm cả trong phòng mổ và ngoài đời, chưa bao giờ la mắng ai trong phòng mổ cả. Trước khi vào mổ, Thầy thường chuẩn bị rất chu đáo để giảm thiểu nhất những bất ngờ có thể xảy ra trong lúc mổ.
Ca mổ đầu tiên tôi phụ Thầy là ca bệnh phình đại tràng bẩm sinh (trẻ táo bón không thể đi vệ sinh được). Lần đầu tiên được phụ Thầy làm, tôi rất lo lắng nên một số động tác làm chưa khéo. Nhưng Thầy không la mắng mà thay vào đó, Thầy hướng dẫn rất tỉ mỉ. Ca mổ đó diễn ra tốt đẹp và bệnh nhân sau đó hồi phục rất nhanh. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên đó và biết ơn vô hạn sự tận tâm, tận tình mà Thầy đã dành cho mình.
TS. BS Huỳnh Giới: Không, hoàn toàn không phải vậy. Thầy Liêm là một người cực kỳ nghiêm khắc chứ! Trong phẫu thuật, khám bệnh cho bệnh nhân hay nghiên cứu khoa học, Thầy đều yêu cầu rất cao.
Đặc biệt đối với mỗi ca mổ, Thầy luôn yêu cầu phải nắm mọi thông tin về bệnh nhân một cách đầy đủ, chính xác để đưa ra phương án mổ tối ưu nhất. Thời điểm tôi làm việc với Thầy, khi đó Thầy đang làm Phó Giám đốc, kiêm trưởng khoa Ngoại nên tất cả các ca cần phẫu thuật Thầy đều nắm được, đưa ra những cách mổ tối ưu cho bệnh nhân khi hội chẩn.
Tôi nhớ năm 2001, Thầy đi công tác tại Mỹ đúng vào thời điểm có khủng bố. Thầy mắc kẹt tại Mỹ một tháng, các ca mổ khó tại Bệnh viện Nhi đều bị hoãn. Do không ai đủ khả năng chỉ đạo cuộc mổ thay cho Thầy. Tôi nói điều này là muốn nói về kiến thức uyên thâm và kỹ năng phẫu thuật của thầy là rất cao, không giống như người khác.
TS. BS Huỳnh Giới: Về mặt chuyên môn, Thầy thường đặt ra yêu cầu rất cao và luôn không hài lòng với những gì mình có ở thì hiện tại. Thầy có quan điểm y học luôn luôn phát triển và cần phải hoàn thiện hơn để khắc phục những nhược điểm của phương pháp phẫu thuật trước đó.
Một phương pháp phẫu thuật dù hiện đại tới đâu cũng có thể có nhược điểm. Do vậy, Thầy luôn nhắc học trò phải tìm cách khắc phục những nhược điểm đó. Ví dụ, tỷ lệ tai biến trong phẫu thuật có thể là 10%, nhưng Thầy sẽ không chấp nhận con số này. Thầy muốn con số rủi ro cần phải thấp hơn nữa.
Tôi nhận thấy ở Thầy sự liên tục học hỏi, tìm tòi qua sách báo, học từ bạn bè quốc tế. Cái khiến tôi và rất nhiều học trò khâm phục và học theo Thầy đó là: "Đừng bao giờ hài lòng với hiện tại, cần phải luôn tìm tòi để làm (phẫu thuật) tốt nhất cho bệnh nhân".
TS. BS Huỳnh Giới: Nhắc tới nghiên cứu khoa học người ta sẽ nhớ ngay tới Thầy Liêm với nhiều công trình nghiên cứu mang tầm thế giới. Thầy còn được giới ngành y gắn với biệt danh "Thầy phương pháp". Nếu ai được GS Liêm hướng dẫn sẽ rất "khoẻ" vì phương pháp nghiên cứu rất khoa học và bài bản.
Khi tập trung vào nghiên cứu, Thầy yêu cầu nghiêm khắc, khắt khe về sự trung thực của số liệu. Thầy bắt học trò theo dõi bệnh nhân rất chặt chẽ trong quá trình can thiệp phẫu thuật, theo dõi hậu phẫu và sau nhiều năm mổ. Ví dụ như khi tôi làm nghiên cứu trên 52 bệnh nhân, có những bệnh nhân đã mổ trước đó 10 năm, Thầy yêu cầu phải mời được bệnh nhân khám trở lại. Khi mời được 70% bệnh nhân về khám lại thì Thầy mới đồng ý.
TS. BS Huỳnh Giới: Có, tôi cũng áp lực lắm. Vì biết Thầy Liêm là một người nghiêm khắc cho nên lúc mới đầu làm việc tôi rất lo lắng. Nhưng khi vào guồng quay công việc tôi cũng quen dần. Và tôi nhận ra, nhờ học được tính kỷ luật, nghiêm khắc của Thầy tôi mới có được thành công như ngày hôm nay.
TS. BS Huỳnh Giới: Cuộc sống ngoài đời, Thầy là người gần gũi và thân mật với học trò. Tôi nhớ thời điểm tôi học ở Bệnh viện Nhi Trung ương, có rất nhiều đoàn khách nước ngoài tới đây làm việc. Cuối đợt làm việc, Thầy thường dẫn cả đoàn đi thăm quan, du lịch. Những lần đó Thầy luôn nhớ tới học trò và đưa đi cùng.
Tôi là học trò ở miền Nam nên may mắn thường được thầy ưu tiên cho đi để biết đây đó. Thầy cho tôi đi cùng nhưng toàn bộ chi phí Thầy lo hết, học trò không mất đồng nào. Tôi được đi du lịch miễn phí, biết nhiều nơi cũng là nhờ Thầy.
Biết tôi ở xa ra học không có ai lo cơm nước, thường ăn cơm bụi một mình, vì vậy Thầy hay bảo: "Tối nay đến nhà tôi ăn cơm". Có lúc thì hai thầy trò cùng đi ăn ngoài. Những lần đi cùng Thầy, mọi công việc được gạt bỏ hết, Thầy nói chuyện chất phác và gần gũi vô cùng.
Hay như lần tôi vinh dự được Thầy mời ở lại Bệnh viện Nhi Trung ương làm việc. Tôi nhớ lúc đó, Thầy nói với tôi: "Nếu cậu ở lại Hà Nội với tôi, tôi sẽ lo cả việc cho vợ cậu ra đây làm". Thực sự tôi rất cảm động, nhưng vì lý do đặc biệt, tôi đành phải cáo lỗi với Thầy. Khi tôi quyết định về Quảng Ngãi thì Thầy Liêm rất tôn trọng ý kiến của tôi. Thầy có nói: "Cậu về thì về, nhưng nếu cậu thích có thể quay trở lại đây với tôi bất cứ lúc nào".
Biết tôi về Quảng Ngãi làm việc phẫu thuật sẽ thiếu thốn nhiều thứ, Thầy đã tặng cho tôi 2 cuốn sách, vật tư kim chỉ, ống thông và dụng cụ mổ trẻ em. Thầy còn dặn cần phải tiếp tục học thêm nữa mới làm được nhiều điều lớn hơn.
TS. BS Huỳnh Giới: Khi tôi về Quảng Ngãi làm việc, gặp những ca bệnh khó tôi vẫn gọi điện xin ý kiến Thầy Liêm. Tất cả các ca mổ có sự đóng góp ý kiến của Thầy đều thành công.
Tôi nhớ có lần tôi gặp một ca bệnh khó. Bệnh nhân có u vỏ thượng thận gây nam hoá khiến cho bé gái mọc lông khắp người như khỉ. Ca bệnh này tôi chưa từng gặp. Sau khi xin ý kiến Thầy Liêm và có thêm sự động viên của Thầy, tôi đã mổ thành công. Và còn rất nhiều ca bệnh khác, khi gặp khó khăn tôi đều "cầu cứu" Thầy. Khi tôi gọi, bất kể ban ngày hay đêm muộn, Thầy đều bắt máy và hướng dẫn rất tận tình.
Một ca khác mà tôi nhớ mãi là trường hợp bé gái 6 tuổi bị hẹp niệu quản mà tôi gặp khi mới về Quảng Ngãi. Cách đây khoảng 20 năm, phương tiện thiết bị phẫu thuật tại bệnh viện rất thiếu thốn. Trong khi đó, điều kiện gia đình bệnh nhân lại khó khăn nên không thể đi ra Hà Nội mổ.
Tôi đã suy nghĩ về ca bệnh này rất nhiều và quyết định gọi điện hỏi ý kiến Thầy Liêm. Sau khi được thầy chỉ dạy hướng dẫn cách mổ qua điện thoại tôi đã tạo hình niệu quản thành công. Đối với trường hợp này thay vì có một xông đặc biệt (JJ) dùng để đặt dẫn lưu niệu quản sau khi cắt nối thì Thầy khuyên tôi có thể khắc phụ bằng cách dùng ống thông nhựa luồn từ bể thận xuống dưới qua đoạn nối xuống bàng quang. Chiếc ống này nằm trong số trang thiết bị Thầy cho tôi khi tôi quyết định về Quảng Ngãi làm.
Hay như có trường hợp bệnh nhân bị nang ống mật chủ đã được mổ một lần nhưng bị tắc mật do miệng nối mật- ruột bị hẹp và có sỏi trong đường mật, cần phải mổ lại lần hai. Vì ca này khó nên ban đầu tôi đã định chuyển bệnh nhân ra Hà Nội để mổ, nhưng sau khi trao đổi với Thầy Liêm, tôi đã tìm ra cách mổ tốt cho bệnh nhân ngay tại địa phương. Sau đó, bệnh nhân được lấy sỏi và tạo hình lại miệng nối mật - ruột thành công.
Tôi làm phiền Thầy nhiều lắm, nhưng Thầy vẫn vui vẻ giúp học trò. Đến tận bây giờ, đã 21 năm trôi qua, hai thầy trò vẫn luôn liên lạc với nhau trên messenger. Trong ngày thì bất cứ lúc nào cần trao đổi công việc là tôi lại nhắn Thầy để xin ý kiến. Tuy khoảng cách địa lý là gần 1.000 km từ miền Bắc vào miền Trung, nhưng trên cả thực tế và trong lòng tôi, giữa tôi với Thầy không hề có khoảng cách.
Ngọc Minh: Cảm ơn bác sĩ, chúc anh sức khỏe và thành công!