Kèm Wu Lei là nhiệm vụ quá sức với Thanh Bình
Sự non nớt của Thanh Bình
Trước khi Thanh Bình vào sân thay Tiến Dũng ở phút 71, ĐT Việt Nam đã thủng lưới từ một tình huống tranh chấp bóng bổng thất bại. Xa hơn nữa, chúng ta đã thủng lưới từ các quả tạt của đối thủ trong cả 2 trận đấu với Saudi Arabia và Australia. Nói như vậy để thấy, việc Thanh Bình để lọt Wu Lei đến 2 lần không hoàn toàn là trách nhiệm của duy nhất trung vệ này.
Cần nhớ rằng, cả 2 bàn thắng cuối của ĐT Trung Quốc đều đến theo một cách: Wang Shenchao rót bóng từ cánh trái vào và Wu Lei băng cắt dứt điểm cận thành. Với phương thức này, ngay cả khi Wu Lei không thể chạm trúng bóng, khả năng thủ môn Tấn Trường phải vào lưới nhặt bóng vẫn rất cao, điển hình như bàn thua ở phút 90+5.
Để bảo vệ mành lưới đội nhà, các hậu vệ cần đảm bảo Wang Shenchao không thể rót bóng thoải mái hoặc trung vệ phía trong phá được bóng trước khi nó chạm đất.
ĐT Việt Nam lẽ ra đã thua 3 bàn theo cách nói trên nếu Wu Lei không đánh đầu chệch cột dọc trong gang tấc trong một tình huống khác. Thanh Bình rõ ràng có lỗi - hay chính xác là non nớt và kém cỏi trong các pha theo kèm Wu Lei.
Hậu vệ của Viettel liên tục bị Wu Lei di chuyển vào điểm mù và không kịp phản ứng khi đối thủ tăng tốc. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác nếu Thanh Bình nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ các đồng đội.
Rõ ràng, việc giao phó hoàn toàn một tiền đạo đang chơi bóng La Liga cho một trung vệ 21 tuổi với kinh nghiệm thi đấu gói gọn trong năm 2021 là không ổn. Thanh Bình đã có bước tiến lớn trong năm nay. Anh được ra mắt tại V-League, đá chính 5/6 trận của Viettel tại AFC Champions League. Tuy nhiên, kinh nghiệm thi đấu quốc tế của anh vẫn gần như bằng không và trung vệ này xứng đáng nhận được nhiều sự bọc lót hơn.
ĐT Việt Nam phải đối diện với thực tế
Sai lầm của Thanh Bình cũng như hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam bộc lộ khi chúng ta phải chơi tấn công trước một đối thủ mạnh hơn. Dưới thời HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam gần như trung thành với chiến thuật phòng ngự chặt, phản công nhanh. Chỉ trước các đối thủ rất yếu ở khu vực, đội bóng của HLV Park Hang-seo mới dâng lên tấn công áp đặt.
Đây được xem là chiến thuật hợp lý với những gì ĐT Việt Nam có. Trước khi HLV Park Hang-seo đến, ĐT Việt Nam thậm chí không có cơ hội thi đấu với các ĐT hàng đầu châu lục như Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, Saudi Arabia hay Australia. Cho dù chưa có chiến thắng sốc nào, nhưng cách chúng ta chiến đấu ở xuyên suốt hành trình vòng loại World Cup 2022 đến nay vẫn xứng đáng được khen ngợi.
Việt Nam không thể vừa phòng ngự tốt, vừa tấn công hay trước đối thủ mạnh hơn
Việc ĐT Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công trong những năm gần đây vô hình khiến nhiều người hâm mộ, thậm chí các chuyên gia ngộ nhận về sức mạnh thực sự của đội nhà. Chúng ta có thể chơi tốt khi tập trung phòng ngự, nhưng vừa phòng ngự hay vừa tấn công hiệu quả lại là câu chuyện khác, đặc biệt trước các đối thủ mạnh hơn.
Với đẳng cấp và dàn cầu thủ Việt Nam hiện tại, người ta không thể đòi hỏi điều đó. Việc dâng lên tấn công đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro ở phía sau như hiệp hai với Trung Quốc và ngược lại , việc tập trung phòng ngự sẽ buộc chúng ta chấp nhận thế công bế tắc, tẻ nhạt - như hiệp một trước Trung Quốc.
Đó là câu chuyện rất thực tế. HLV Park Hang-seo đã tỏ ra rất quyết đoán khi thay đổi phục vụ hàng công trong hiệp hai, nhưng kết quả không đến như ý muốn của ông và người hâm mộ. Nhiều người vội vàng nhìn hai bàn thắng của Tấn Tài, Tiến Linh mà cho rằng chúng ta có thể thắng Trung Quốc, nhưng quên đi các đường lên bóng đó chỉ đến khi Trung Quốc lùi sâu.
Khi đối thủ cũng cần bàn thắng, việc Việt Nam đang sử dụng các con người có thiên hướng tấn công cao hơn lập tức khiến chúng ta trả giá. Đừng quên, Trung Quốc không phải ngẫu nhiên mà đứng trên Việt Nam 20 bậc trên BXH FIFA và họ thậm chí có 4 cầu thủ nhập tịch chất lượng.