Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục

Hoàng Anh |

Ngày 26/10/1957, Nguyên soái Zhukov được lệnh đến Điện Kremlin dự cuộc họp của Đoàn Chủ tịch UBTƯ ĐCS Liên Xô. Kết quả phiên họp là 2 nghị quyết thú vị, cả 2 đều gắn dấu "Tối mật".

Nguyên soái lẫy lừng - Bộ trưởng BQP Liên Xô đột ngột bị cách chức

Ngày 4 tháng 10 năm 1957, Nguyên soái Zhukov, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) bay từ Moscow đến Sevastopol.

Ngày hôm sau, ông khởi hành trên tuần dương hạm Kuibyshev đi thăm chính thức Nam Tư. Sau Nam Tư, ông có chuyến thăm chính thức tới Albania.

Ở khắp mọi nơi, người ta đón tiếp Zhukov với nghi lễ cấp cao nhất, và ông đã có những cuộc hội đàm rất hiệu quả không chỉ với các nhà quân sự, mà còn với các nhà lãnh đạo đảng-lãnh đạo quốc gia hàng đầu. Ông trở về không phải tay trắng.

Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục - Ảnh 1.

Đại tướng G. K. Zhukov tại một Hội nghị quân sự, Moskva, ngày 5 tháng 2 năm 1942.

Chẳng hạn, phía Nam Tư đã cho các nhà quân sự Xô Viết cơ hội làm quen với các khí tài của Mỹ rất hiện đại mà họ đang sử dụng. Người Albania cũng vậy, họ đã trao cho hạm đội Xô Viết một căn cứ hải quân ở Vlora.

Khi Nguyên soái Zhukov trở về Moskva ngày 26 tháng 10 năm 1957, ông được lệnh từ sân bay đến thẳng điện Kremlin – dự cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương ĐCS Liên Xô. Kết quả phiên họp là hai nghị quyết thú vị, cả hai đều gắn dấu "Tối mật".

Nghị quyết thứ nhất: "Phê chuẩn các hoạt động của đồng chí Zhukov trong thời gian chuyến thăm Nam Tư và Albania. Đánh giá chuyến đi của đồng chí Zhukov có tác dụng trong việc đưa nhân dân Xô-viết xích gần lại với nhân dân Nam Tư và nhân dân Albania".

Người ta đã phê chuẩn nghị quyết này, nhưng ngay lập tức ban hành nghị quyết sau: "Giải phóng đồng chí Zhukov G.K. khỏi nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Xô Viết!"

Bất ngờ rơi vào bẫy, mà còn bị làm nhục

Sau đó, một phiên họp toàn thể, được triệu tập đặc biệt của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô, đã diễn ra vào các ngày 28-29 tháng 10 năm 1957, trở thành một phiên tòa thực sự nhằm vào Zhukov.

Các đồng chí ủy viên Ủy ban Trung ương, khẩn trương tập trung tại Điện Kremlin (quyết định triệu tập hội nghị của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương được thông qua vào đêm trước ngày Zhukov trở về, ngày 25 tháng 10) đã không chỉ phê phán vị nguyên soái, bất ngờ rơi vào bẫy, mà còn làm nhục ông.

Còn thứ gì mà người ta không đổ lên đầu ông!

Nào là vi phạm thô bạo "các nguyên tắc Đảng, nguyên tắc Leninist trong lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân đội Liên Xô", "đầu têu trong việc tách các lực lượng vũ trang khỏi sự lãnh đạo của đảng, ... vô hiệu hóa các cơ quan chính trị trong quân đội Liên Xô.

Nào là né tránh sự kiểm soát của Ủy ban Trung ương Đảng", "giáo dục sai trái… đội ngũ cán bộ quân đội trong vấn đề thái độ của họ đối với đảng, với Ủy ban Trung ương", "thể hiện thái độ không tôn trọng đối với các cán bộ làm công tác chính trị"...

Ví dụ, ông ấy nói rằng họ "đã quen ba hoa 40 năm, mất hết khả năng đánh hơi như lũ mèo già", rằng "họ, các cán bộ chính trị, chỉ giỏi vẽ mặt đeo râu và đưa dao găm cho họ - họ sẽ cắt cổ tất cả các vị chỉ huy". Nào là, bản thân Zhukov là kẻ hung bạo, thô thiển, háo danh, độc đoán, xử sự như kẻ lừa đảo…

Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục - Ảnh 3.

G. K. Zhukov ký vào biên bản chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của nước Đức Quốc xã. Berlin, ngày 9-5-1945

"... Đồng chí đã đánh mất cảm giác khiêm nhường tối thiểu, - nhà tư tưởng chủ chốt của đảng, Mikhail Suslov, lên án từ diễn đàn, - ... Các sự thật về sự tự khen ngợi mình không chỉ thể hiện sự thiếu khiêm tốn của đồng chí Zhukov. ... các sự thật đó còn làm chứng cho khuynh hướng của đồng chí Zhukov vươn tới một thứ quyền lực không giới hạn".

Không phải ngẫu nhiên mà "gần đây, đồng chí Zhukov đề xuất thay thế Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Nội vụ bằng các cán bộ quân sự. Đề xuất này được quyết định bởi điều gì?

Phải chăng là để người của mình, cán bộ của mình đứng đầu các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan này trên cơ sở lòng trung thành cá nhân. Đây có phải là mong muốn thiết lập quyền kiểm soát của mình đối với Ủy ban An ninh Quốc gia và Bộ Nội vụ không? "

Những nỗ lực để xây dựng một trường đào tạo biệt kích gây mối nghi ngờ đặc biệt cho các cán bộ Đảng: họ nói rằng đã hình thành "một cách bí mật với UBTƯ, ngay gần Moscow (thực ra ở Tambov. - BBT) một trường biệt kích 2000 người, đào tạo 7 năm, cho họ "đảm bảo" tốt", - Nikolai Ignatov, một ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ, tức giận nói.

"Chúng tôi coi bước đi này như một bước chuẩn bị những tên côn đồ". Khrushchev thì đặc biệt tức giận với thời gian đào tạo: "Chúng ta đang dạy các kỹ sư trong 4,5-5 năm. Thế mà ở đây, để tổ chức một vụ phá hoại, lại phải dạy đến 7 năm"!

Về lời giải thích, rằng "chúng ta phải dạy cho họ ngôn ngữ của đất nước mà họ sẽ được phái đến, để họ hòa mình vào đám đông", Khrushchev dứt khoát phủ nhận: chỉ bậy bạ! Ông nói, chuyện này là không thể về nguyên tắc: dạy – hay không dạy, họ vẫn sẽ không nói theo cách để người ta không thể không nhận ra tiếng Nga!

"Ở đây có một đồng chí phát biểu: "Tôi Yaroslavlsky". Vâng, chúng ta không thể nói rằng anh ta là người Yaroslavl, chúng ta lập tức nhận ra". Hoặc, "ví dụ, Anastas Ivanovich Mikoyan – sẽ không ai nói rằng anh ta là người Kursk (Phòng họp cười ồ.)...

"Câu chuyện với các chiến sĩ biệt kích cũng diễn ra không trong sạch như thế: "Ngay trước khi bắt giữ Beria, - Khrushchev kêu lên, - Beria đã gọi những tên côn đồ, chúng ở Moscow và không biết là đầu của ai sẽ bay!"

Hai ngày người ta chế nhạo vị nguyên soái mắc bẫy, bằng cách ghim tất cả các điều xấu xa tưởng tượng và không thể tưởng tượng lên đầu ông, ngoại trừ có lẽ chỉ còn một vụ cướp tình dục - như Beria – là họ chưa làm mà thôi.

Cuối cùng, các thành viên của Ủy ban Trung ương, đồng loạt chấp thuận một cách đầy tình đoàn kết quyết định của "các đồng chí cấp cao" loại bỏ Zhukov khỏi vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và đồng thời quyết định:

"Loại đồng chí Zhukov G.K. khỏi thành phần Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng CS Liên Xô và thành phần các ủy viên Uỷ ban Trung ương Đảng CS Liên Xô".

Chiến dịch đoạt quyền lực của Zhukov trông giống như một chiến dịch đặc biệt được lên kế hoạch tốt, và trên thực tế, đó chính là những gì đã xảy ra.

Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm nhục - Ảnh 4.

Thống chế Bernard Law Montgomery và Nguyên soái G. K. Zhukov cùng các tướng lĩnh Anh và Liên Xô sau Lễ trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Bath của Vương quốc Anh tại cổng Bradenburg (Berlin) ngày 12-7-1945

Cuộc đấu tranh quyền lực tàn bạo

Những lời bôi gio trát trấu, đổ xuống đầu Zhukov, những lời cáo buộc, bao gồm cả việc thành lập "trường đào tạo bọn côn đồ", chỉ là màn khói trắng nghi binh, che giấu cuộc đấu tranh quyền lực tàn bạo, nội dung của nó chi phối toàn bộ tiến trình diễn biến chính trị Xô viết giai đoạn 1953-1959.

Suốt thời gian này, Khrushchev và nhóm của ông trong khi khao khát nhằm tới quyền lực độc tôn, liên tục ném hết đối thủ cạnh tranh này đến đối thủ cạnh tranh kia ra khỏi cỗ xe của đảng. Đầu tiên, họ tạm thời tách Beria khỏi các nhóm Malenkov, Molotov và Bulganin.

Tiếp theo, họ đẩy Malenkov từ vị trí những vai diễn đầu đàn vào tủ quần áo, sau khi tước của ông ấy chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 2 năm 1955.

Trong quá trình khai cuộc thí quân này họ cũng đánh bật Bulganin khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, luôn là một trong những vị trí quan trọng nhất trong hệ thống quyền lực Xô Viết. Rồi chỉ để dàn cảnh, Khrushchev ngồi vào làm ấm sực chiếc ghế thủ tướng, chiếc ghế còn chưa kịp rũ bỏ hơi hướng của Malenkov.

Ngay sau đó đến lượt Molotov, người coi sóc khối quốc tế bị tách khỏi các công việc thực tế: ông bị loại khỏi cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của mình vào ngày 1 tháng 6 năm 1956.

Vòng tiếp theo của cuộc đấu sinh tử dưới các tấm thảm điện Kremlin diễn ra vào tháng 6 năm 1957: "nhóm chống đảng" của Malenkov, Kaganovich, Molotov và "tay Shepilov tham gia cùng họ", vì sợ đến lượt mình bị lột da nên họ đã cố gắng nắm bắt sáng kiến, không chờ đến khi họ bị ném hẳn ra ngoài cuộc chơi.

Họ chỉ phạm sai lầm ở chỗ không tranh thủ sự hỗ trợ của "những người mang trong mình khẩu nagan" (ám chỉ lực lượng an ninh), hoặc các đồng chí có xe tăng (ám chỉ lực lượng quân đội).

Do đó, Khrushchev, dựa vào KGB với người trung thành của mình là Serov và dựa vào Zhukov - với những cỗ xe tăng của mình, đã thực hiện xuất sắc cuộc phản đảo chính của mình, giữ được quyền lực và cuối cùng đánh bật "nhóm chống đảng" ra khỏi chỗ của họ.

Nhưng sự phục vụ như vậy cũng không đáng giá, rồi hoàn toàn phù hợp với quy tắc cổ điển của các âm mưu cung đình, đến lúc người ta loại bỏ những người đã cung cấp sự phục vụ vô giá trong thời gian trước đó.

Lúc này các quan chức của Đảng rất sợ hãi lời của Nguyên soái Zhukov, nói rằng những cỗ xe tăng sẽ chỉ nhúc nhích khi ông ra lệnh (và – sẽ đi đến nơi ông chỉ cho chúng). "Hóa ra,- Anastas Mikoyan tức giận nói, - xe tăng sẽ nhúc nhích không phải khi Ủy ban Trung ương ra lệnh, mà chỉ khi Bộ trưởng Quốc phòng ra lệnh!

... Một tuyên bố như vậy chỉ có thể được thực hiện bởi một người coi như không có Đảng Cộng sản ở Liên bang Xô viết ... Người ta đang làm điều này ở Mỹ Latinh". Quả là một đoạn mở đầu tuyệt vời!

Cuộc chiến giành quyền lực dưới những tấm thảm của Điện Kremlin còn xa mới kết thúc, và vị nguyên soái rất hùng mạnh ở phiên cao trào tiếp theo của cuộc đấu, có thể một lần nữa đưa con át chủ bài "xe tăng" của mình ra, nay lại trở nên rất nguy hiểm: ông ấy có thể đặt con át chủ bài của mình không phải cho Khrushchev ...

Và nói chung đứng đầu quân đội, nói một cách hình ảnh, phải luôn luôn là một "Klim trung thành" (ám chỉ Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Kliment Voroshilov người luôn trung thành với Stalin). Phải như vậy chừng nào Ông Chủ còn muốn là Ông Chủ.

"Lược trích từ bài viết 'Одобрить и… снять - Phê duyệt và ... xóa bỏ' của tác giả Vladimir VORONOV đăng trên Tạp chí 'Sovershenno Sekretno' (Tuyệt mật), số 10/411, tháng 10 năm 2018)".

Georgi Konstantinovich Zhukov (Георгий Константинович Жуков, 1896-1974) là danh tướng trong quân đội Liên Xô.

Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh thế giới trong Chiến tranh thế giới II, G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, được nhiều người công nhận về tài năng chỉ đạo chiến dịch và chiến lược.

Những chiến tích của ông đã trở thành những đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại