Nguyễn Quốc Trường Thịnh: "Ở Idecaf, chỉ cần trễ 2 phút là chú Thành Lộc không vui"

Cao Thanh Hương |

"Ở Idecaf, không trễ dù chỉ 2 phút. 8 giờ là đúng 8 giờ diễn, không có chuyện 8 giờ 2 phút. Các nghệ sĩ nổi tiếng về Idecaf cũng rất tuân thủ giờ giấc này", Nguyễn Quốc Trường Thịnh nói.

Vẻ điển trai của Nguyễn Quốc Trường Thịnh có thể thu hút người đối diện ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ý thức được lợi thế này nên Trường Thịnh tự tin khẳng định "đẹp là 1 tài năng" và trời phú cho Trường Thịnh cái "tài năng" ấy để cậu nhẹ bước vào nghệ thuật với thảm đỏ dưới chân.

Đẹp trai nên được chọn về Idecaf

Nhiều người khi được hỏi đến với nghệ thuật vì lý do gì, đa số đều bảo là vì đam mê. Còn Nguyễn Quốc Trường Thịnh thì sao?

Nói đam mê thì không đủ mà còn là tiền. Từ hồi còn là sinh viên Đại học Hàng Hải, tôi đã rất hăng hái trong các hoạt động văn nghệ ở trường. Ra trường, tôi làm ở Cảng nhưng vẫn đi chụp hình quảng cáo cho các shop thời trang rồi làm công ty truyền thông, sự kiện.

Thời điểm đó, thu nhập của tôi chỉ tầm chục triệu đổ về mà tôi có nhu cầu kiếm tiền nhiều hơn. Tôi lại cảm thấy làm nghệ thuật sẽ có nhiều tiền nên theo nghề này.

Khi đoàn phim "Bí mật hồ Thiên nga" (ê-kíp đoàn phim Truy tìm cổ vật) sang Việt Nam cast diễn viên mới, tôi đi cast. Lúc đó tôi chưa học qua trường lớp nhưng được chọn vì đẹp trai và hợp vai. Đạo diễn rất thích gương mặt của tôi, nhìn là nhớ ngay và có nét tây. Thời điểm đó, tôi rất hot quảng cáo.

Tôi đóng chung với Anh Thư, Trang Thư, Chi Bảo, Duy Phương Quán quân Cười Xuyên Việt, Lê Lộc, chú Trung Dân, chú Công Ninh... toàn những người đã có tên tuổi.

Nguyễn Quốc Trường Thịnh: Ở Idecaf, chỉ cần trễ 2 phút là chú Thành Lộc không vui - Ảnh 1.

Diễn viên Nguyễn Quốc Trường Thịnh.

Là tay ngang vào nghề lại đóng chung toàn nghệ sĩ đã có tên tuổi, Trường Thịnh có bị coi thường không?

Theo kinh nghiệm đi quay của tôi, càng diễn viên nổi tiếng họ càng chuyên nghiệp và nâng đỡ diễn viên trẻ. Chỉ những bạn vụt sáng thì mới mắc bệnh ngôi sao.

Tới thời điểm này, tôi thấy mọi người đều làm việc chuyên nghiệp, không chảnh chọe. Ví dụ, phim "Em chưa lấy chồng", tôi làm việc với Thúy Ngân, Ngọc Lan, Huy Khánh... ai cũng vui vẻ. Cũng có thể là nhìn mặt tôi "số má" quá nên không ai coi thường được (cười).

Giám đốc nghệ thuật ở Idecaf là NSƯT Thành Lộc, một người nổi tiếng khó và nghiêm chỉnh trong làm nghề. Trong khi Trường Thịnh lại là diễn viên tay ngang, làm thế nào bạn có thể đầu quân về đó?

Chắc tại đẹp trai (cười lớn). Thẳng thắn thì tôi là một trong những gương mặt rất 'ăn' sân khấu. Tôi từng theo học lớp đào tạo diễn viên ngắn hạn của thầy Vũ Minh – đạo diễn chính ở sân khấu Idecaf. Kết thúc khóa học, thầy Vũ Minh mời tôi và một bạn nữ nữa ở lại sân khấu. Bạn nữ đó không trụ được nên đi, giờ còn mình tôi.

Lúc đó, Idecaf dựng vở "Ngôi nhà không có đàn ông", tôi may mắn có vai và vở diễn quá hot. Nếu so với các bạn diễn viên học từ trường Sân khấu Điện ảnh ra, chắc chắn tôi không bằng nhưng tôi có nét duyên của mình và gương mặt có điểm nhấn để khán giả nhớ tới. Tôi nghĩ đó là lý do tôi được chọn.

Về phim ảnh hay quảng cáo, có thể có những gương mặt khác trội hơn tôi nhưng về sân khấu thì ít người có gương mặt như tôi. Ở sân khấu, tôi cũng có nhiều cơ hội hơn.

Sau "Ngôi nhà không có đàn ông", tôi đóng "Thám tử si tình" và may mắn được chú Thành Lộc mời đóng Trịnh Hâm trong vở nhạc kịch "Tiên Nga" do chú đạo diễn. Vở "Mưu bà Tú", tác giả kịch bản Lê Hoàng tôi đóng cũng đang rất hot. Tôi có nhiều đất diễn trong vai sở khanh đó.

Hiện tại, tôi đã có nhiều vai chính cả trên sân khấu lẫn màn ảnh.

Nguyễn Quốc Trường Thịnh: Ở Idecaf, chỉ cần trễ 2 phút là chú Thành Lộc không vui - Ảnh 3.

Nguyễn Quốc Trường Thịnh đang là diễn viên sân khấu lịch Idecaf, một trong những sân khấu uy tín bậc nhất Sài thành.

Chỉ cần trễ 2 phút là chú Thành Lộc không vui

Hầu như, diễn viên nào trưởng thành từ Idecaf đều là những người rất giỏi. Sự khắt khe, sự nghiêm túc và cả sự đào thải ở sân khấu này là điều mà hầu như người trong nghề nào cũng biết?

Idecaf chọn diễn viên rất khắt khe. Khắt khe về mọi thứ. Chuyên môn thì còn được cho thời gian trau dồi nhưng đạo đức phải là số 1. Sự chuyên nghiệp, đúng giờ tới từng phút. Không trễ dù chỉ 2 phút, kể cả với các nghệ sĩ nổi tiếng. 8H là đúng 8h diễn, không có chuyện 8h 2 phút.

Chỉ cần trễ 2 phút là chú Thành Lộc sẽ lập tức tỏ thái độ không vui về tác phong làm việc. Điều tôi thích ở Idecaf là không cảm tính. Các nghệ sĩ nổi tiếng về Idecaf cũng rất tuân thủ giờ giấc này.

Nhiều người đã từng làm việc ở Idecaf và cả những người đã rời Idecaf nói rằng, ở sân khấu này, NSƯT Thành Lộc là "độc tôn". Trường Thịnh đang là diễn viên ở Idecaf, bạn nghĩ gì về ý kiến này?

Tôi nghe câu đó khá nhiều. Cá nhân tôi nghĩ, một số nghệ sĩ tách ra để phát triển sự nghiệp riêng, làm sân khấu riêng và những sản phẩm riêng của họ.

Và cũng có một số nghệ sĩ vì mâu thuẫn quyền lợi cá nhân. Khi một nghệ sĩ nổi tiếng, họ sẽ đắt show. Có những người bỏ sân khấu chạy show kiếm tiền. Bên cạnh đó cũng có một số nghệ sĩ chỉ tập trung làm sân khấu và cũng có những nghệ sĩ làm song song. 

Nguyễn Quốc Trường Thịnh: Ở Idecaf, chỉ cần trễ 2 phút là chú Thành Lộc không vui - Ảnh 4.

Nguyễn Quốc Trường Thịnh đang hóa trang cho vai Trịnh Hâm vở "Mưu bà Tú".

Đối với những nghệ sĩ làm song song, họ chạy show nhiều thì báo lịch bận nhiều, ảnh hưởng tới lịch diễn của sân khấu. Trong khi đó, những nghệ sĩ chỉ làm sân khấu thì 1 tháng phải diễn ít nhất 10 suất mới đủ sống. Nếu diễn chung với những nghệ sĩ đắt show bên ngoài thì có khi chỉ còn 5 suất.

Khi ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể thì họ phải tìm cách giải quyết. Và chuyện họ ra đi là điều đương nhiên. Nhưng những nghệ sĩ đã đi, đa số đều vui vẻ và bản thân họ biết điều đó. Họ không đi luôn mà ít diễn dần, ít diễn dần cho tới lúc không diễn nữa.

Bản thân tôi cũng chạy show bên ngoài và sắp lịch tới stress vì quá căng thẳng. Mình nhận phim thì phải báo lịch bận với sân khấu. Nhưng bận nhiều quá thì sân khấu diễn ít suất lại. Tôi phải đấu tranh nhiều lắm vì ai cũng muốn kiếm tiền.

Làm nghệ thuật phải nhiều tiền mới đủ sống. Tôi đã từng bỏ nhiều show mười mấy hai mươi triệu vì giữ lịch diễn sân khấu. Ví dụ, phim "Bán chồng" mời tôi, tôi không đi được. Phượng Khấu mời, tôi cũng không tham gia được vì kẹt lịch.

Đóng phim "Bình tĩnh mà yêu" tôi căng thẳng vì bay quá nhiều. Tôi bay chóng mặt. Sáng bay ra phim trường, chiều bay về diễn, liên tục như thế nhiều ngày liền.

Còn chú Thành Lộc dễ chịu lắm. Tập vở do người khác đạo diễn, chú xem mình như các diễn viên khác, rất tôn trọng mọi người, chỉ những ai đi trễ thì chú nhắc nhở về nề nếp làm việc vì chú là Giám đốc nghệ thuật. Mình có ý thức hay không thôi.

Chú Thành Lộc chỉ khó khi tập tuồng do chú đạo diễn bởi chú đào hỏi mọi thứ phải chỉnh chu. Đó là đứa con tinh thần của chú. Mọi người sợ là sợ một nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ không vui về mình nên tự động sợ chứ chú Thành Lộc không làm gì ai. Có chuyện gì, chú cũng góp ý rất nhẹ nhàng.

Nguyễn Quốc Trường Thịnh: Ở Idecaf, chỉ cần trễ 2 phút là chú Thành Lộc không vui - Ảnh 6.

Tham gia nhiều dự án điện ảnh với vai lớn nhưng đều bị trục trặc không được ra rạp, bản thân bị quỵt cát xê nhiều lần nên Trường Thịnh bị nản.

Bị nản vì đi 3,4 phim đều bị giật cát xê, không ra rạp

Trường Thịnh vừa nhắc tới phim "Bình tĩnh mà yêu", tôi biết phim đó đang nợ tiền của tất cả anh em trong ê-kíp. Nhiều người rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn sau khi làm phim này. Còn Thịnh thì sao?

Tôi phải làm rất căng mới lấy được 50 triệu, họ vẫn nợ 50 triệu. Nhiều người không lấy được đồng nào. Thời điểm đó, tôi bay liên tục lại đầu tư đủ thứ tiền. Tôi nói thẳng, không trả tôi 50 triệu, tôi sẽ không quay nữa. Sau phim đó, nhiều phim mời tôi cast, tôi bị nản không đi.

Nghệ sĩ, họ cần sự an toàn. Tôi đã đi 4 phim điện ảnh rồi, vai chính có, thứ chính có nhưng chưa phim nào ra rạp được. Giờ tôi làm nghề cần nắm chắc trong tay, cảm thấy lấn cấn trong lòng là không nhận. Đã nhận là phải làm cho bằng được. 

Làm mà hai bên không vui vẻ thì thôi đừng làm. Đi phim mà không biết phim có được chiếu không, mình có được trả cát xê không... thực sự nản lắm.

Tôi nói thật, giờ ai mời tôi vai chính, tôi không muốn nhận. Vai thứ, ít phân đoạn, tôi nhận để còn chạy show. Mình nhận 2,3 phim cùng lúc, thì khi phim này không trả cát xê hay phim kia không được chiếu thì còn phim khác. Mình nhận vai chính, đầu tư thời gian, công sức mà tới lúc phim xảy ra chuyện, mình mất hết.

Làm diễn viên, ai cũng mong có vai chính, còn tôi có vai chính mà không dám nhận. Đau thật! Tôi bị giật cát xê nhiều quá nên nản.

Có thời điểm tôi bị stress khủng khiếp, định bỏ nghề luôn. Gương mặt tôi hay được đạo diễn giao vai lớn nhưng lúc đó tôi không tự tin có thể thể hiện tốt vai diễn. Tôi đấu tranh dữ dội lắm mới quyết định từ chối.

Tôi không thể vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng tới sản phẩm chung của cả anh em đoàn phim được. Làm việc ở Idecaf đã dạy tôi rằng, kết quả tập thể là kết quả quan trọng nhất. Mình nhận mà làm không tốt thì sau này không ai mời vai nữa. Tới khi mình nhận phim điện ảnh, vai lớn thì bị xảy ra trục trặc. Tôi mất hứng từ lúc đó tới giờ.

Cảm ơn Trường Thịnh đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại