Là khách mời trong chương trình Đời nghệ sĩ, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã có dịp ôn lại nhiều kỷ niệm làm nghề. Trước khi được biết đến với vai trò ca sĩ – diễn viên, Nguyễn Phi Hùng từng là diễn viên múa ballet.
Anh tốt nghiệp chuyên ngành múa ballet của trường Múa Việt Nam và có khoảng thời gian theo đuổi công việc vũ công chuyên nghiệp tại đoàn Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, tham gia nhiều vở múa như: Vào đời, Thằng gù nhà thờ Đức bà…
Thế nhưng, để theo đuổi sự nghiệp diễn viên múa không phải dễ dàng, nhất là khi Nguyễn Phi Hùng thử sức với những vai diễn ballet cổ điển.
Anh cho biết, vì múa ballet rất kén sân khấu, phải phụ thuộc nhiều vào không gian và thời điểm, để có được một vài buổi biểu diễn anh đã chờ đến 2 năm. Vì thế, trong mỗi lần luyện tập, anh đều xem đây là lần cuối cùng mình được trình diễn để bung hết nhiệt huyết.
Thời điểm này, anh quyết định Nam tiến sau khi được thầy Trần Văn Lai - nguyên trưởng đoàn Ballet tháng 10 mời về hoạt động tại đoàn Ballet tháng 10.
Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, trong suốt 2 năm, anh như bị tự kỷ vì mải mê luyện tập: "Đôi khi tôi có cảm giác, bản thân giống như một người tự kỷ, vì lúc nào cũng miệt mài với những động tác, ngôn ngữ múa mà quên tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trong 2 năm, tôi chỉ nhớ con đường từ phòng trọ cho đến sàn tập. Bởi vì những vở múa quá khó, nếu lơ là, thiếu thời gian tập luyện sẽ không đạt được những điều như thầy và tôi mong muốn cống hiến".
Một trong những thách thức cũng như kỷ niệm khó quên của Nguyễn Phi Hùng khi còn hoạt động với vai trò là một vũ công múa ballet đó chính là những lần "tắm mồ hôi" sau những giờ tập luyện, trình diễn.
"Tôi còn nhớ lần thi tốt nghiệp ở trường múa, gia đình tôi có đi xem biểu diễn nhưng cả nhà lại không ai thấy đẹp hết, vì thấy con mình vất vả quá, thấy thương cho tôi hơn là thấy đẹp bởi khi biểu diễn, mồ hôi tuôn như tắm, có những động tác khó như cầm tay bạn diễn đỡ lên người,... làm gương mặt của tôi không còn được như bình thường nữa.
Nhưng tôi thấy rằng, với một người nghệ sĩ phải tập quen dần, tôi cảm thấy đây là những giọt mồ hôi xứng đáng để tôi hy sinh và cống hiến cho nghệ thuật.
Với tôi, phải trải qua những đau đớn, những khoảnh khắc trật chân té thì mới có được những tác phẩm như tôi mong muốn", Nguyễn Phi Hùng bộc bạch.
Trước khi được yêu thích ở vai trò ca sĩ, Nguyễn Phi Hùng là một nghệ sĩ múa ballet.
Nguyễn Phi Hùng cũng tâm sự, trong khoảng thời gian theo đuổi sự nghiệp múa ballet, anh nhiều lần nuốt nước mắt vào trong khi thầy chẳng những dùng đòn roi mà còn còn nói những câu "khích tướng".
"Dù có thể tiếp thêm cho tôi động lực nhưng cũng không thể tránh khỏi những lần chạm đến lòng tự ái và bị tổn thương khi chưa làm được như kỳ vọng của tôi cũng như thầy đặt ra", nam ca sĩ nhớ lại.
Sau hơn 2 năm hoạt động tại đoàn Ballet tháng 10, Nguyễn Phi Hùng quyết định dừng công tác. Thời điểm này, anh không giấu được những lo lắng, cảm giác chông chênh vì không biết bắt đầu từ đâu khi về lại miền Bắc.
Song thời điểm này, nam ca sĩ cho biết bản thân may mắn khi nhận được lời mời từ một công ty đào tạo ca sĩ. Tại đây, anh đảm nhận vai trò là huấn luyện viên múa cho những ca sĩ trẻ. Cũng từ giai đoạn này, anh bén duyên với sự nghiệp ca hát và từng bước chinh phục giấc mơ lớn này.