Nguyên nhân việc Mỹ rút quân khỏi Đức: Trung Quốc là một phần của vấn đề?

Quang Huy |

Berlin, theo lời ông Trump, sẽ phải lấy Warsaw ra làm tấm gương.

Nguyên nhân đằng sau việc Mỹ rút quân khỏi Đức

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Chuyến viếng thăm này không thể thiếu những tuyên bố ồn ào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong thời gian diễn ra cuộc hội kiến, đã cam kết với người đồng cấp phía Ba Lan rằng khi rút các đơn vị khỏi Đức, một phần trong số đó chắc chắn sẽ được triển khai tại Ba Lan.

"Một vài người trong số họ (binh lính Mỹ) sẽ về nhà, còn một số sẽ được đưa tới những nơi khác, và Ba Lan sẽ là một trong các nơi như thế, những nơi khác tại châu Âu", ông Trump nói.

Ngoài ra, một số đơn vị của quân đội khác của Mỹ sẽ được đưa tới Ba Lan trực tiếp từ Mỹ. Warsaw sẽ trả tiền để các đơn vị của Mỹ có mặt trên lãnh thổ của mình.

Theo các thông tin của giới truyền thông, hai Tổng thống cũng thảo luận về khả năng đưa tới Ba Lan 30 máy bay tiêm kích F-16. Tuy nhiên, theo lời ông Duda, tạm thời Warsaw chưa có kế hoạch này.

Trả lời câu hỏi liệu chính phủ Mỹ bằng cách này có chủ ý gửi tới Nga một tín hiệu nào đó hay không, ông Donald Trump nhấn mạnh rằng Moscow sẽ nhận được "tín hiệu rõ ràng".

Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng không chỉ phát đi "tín hiệu rõ ràng" tới Nga, mà cả cho Đức. Berlin, theo lời ông Trump, sẽ phải lấy Warsaw ra làm tấm gương.

Nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa lại không bằng lòng với sự hợp tác của Moscow và Berlin trong lĩnh vực năng lượng. "Tôi không nghĩ rằng Ba Lan sẽ tiếp nhận nguồn cung năng lượng từ đường ống của Nga", ông Trump cho biết.

"Họ (Đức) sẽ chi nhiều tỷ đô la để mua năng lượng của Nga, còn sau đó sẽ muốn chúng tôi phải bảo vệ họ trước Nga. Như thế không được. Tôi nghĩ rằng như thế rất không hay", ông bổ sung thêm.

Ông Trump cũng lấy cả những hành động của Ba Lan trong khuôn khổ NATO để làm gương cho Berlin. Ông chỉ ra rằng, Ba Lan là một trong số ít các quốc gia của khối thực hiện cam kết chi 2% GDP của mình cho lĩnh vực quốc phòng.

Người đứng đầu Nhà Trắng từ lâu đã cho rằng Đức đang nợ khối NATO hàng tỷ đô la. Trump không hài lòng với việc Berlin không tuân thủ cam kết đối với tất cả thành viên của NATO về việc tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP. Đức đã đi theo cách này khi tăng chi tiêu lên 1,38%. Trong khi đó, Mỹ chi tới tận 3,4% ngân sách của mình cho những nhu cầu của khối.

Ông Trump chỉ trích Berlin về vấn đề này một cách thường xuyên. Nhưng ngoài ra, trong mối quan hệ Mỹ - Đức còn có cả những vấn đề khác. Trong năm nay, thêm một vấn đề mới trong bất đồng giữa hai nước - đó là sự hợp tác của Berlin với Bắc Kinh. Từ đầu mùa xuân, Nhà Trắng đã tăng cường xu hướng chống Trung Quốc trong chính sách của mình, khi đổ lỗi cho Trung Quốc trong việc khiến đại dịch bùng phát và buộc tội Bắc Kinh "thao túng" Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Kết quả là Mỹ đã dừng cung cấp tài chính và sự tham gia của mình trong WHO, khi nghi ngờ Tổ chức này có quan hệ với Trung Quốc, và kêu gọi các đối tác châu Âu của mình lưu ý tới diễn biến tình hình, nhưng lại vấp phải sự chỉ trích, đặc biệt từ phía Đức.

Ngoài ra, Berlin không ủng hộ chính sách trừng phạt của Washington nhằm vào Hồng Kông.

Một khía cạnh riêng cần được nhấn mạnh đó là nỗ lực của Liên minh châu Âu đạt được thoả thuận đầu tư lớn với Trung Quốc. Như tờ Politico viết, người đưa ra sáng kiến chính của tiến trình này là Đức, với nỗ lực hoàn tất thoả thuận trong thời gian nhiệm kỳ chủ tịch kéo dài 6 tháng của mình tại Hội đồng Liên minh châu Âu.

Tổng hợp tất cả những yếu tố này đang cản trở Mỹ tổ chức một chiến dịch tổng thể đối trọng với Trung Quốc, điều nhiều khả năng khiến Washington không cảm thấy thích thú chút nào.

NATO bức xúc

Cuối cùng, lực lượng quân đội Mỹ tại Đức sẽ giảm từ 52.000 người xuống còn 25.000. Theo những thông tin chính thức, tại Đức hiện có khoảng 35.000 binh lính Mỹ, 10.000 nhân viên dân sự của Lầu Năm Góc và khoảng 2 nghìn nhân viên hợp đồng.

Những hành động này không chỉ khiến Berlin bức xúc, mà cả các đồng minh khác của Mỹ. Như tổng thư ký của NATO Jens Stoltenberg lưu ý, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu hiện nay đông hơn từng có trước năm 2017, nhưng cũng không coi việc rút quân khỏi Đức là có lợi cho cả NATO lẫn Washington.

"Sự hiện diện của Mỹ tại châu Âu liên quan không chỉ tới việc bảo vệ châu Âu, mà cả việc mở rộng sức mạnh của Mỹ ra ngoài châu Âu. Chúng ta đã nhìn thấy rằng những căn cứ như Ramstein, trung tâm y tế Landshtul và nhiều căn cứ khác của Mỹ ở Đức, có ý nghĩa quan trọng đối với việc Mỹ đã làm trong suốt nhiều thập niên qua tại Trung Đông, ở Afganistan, Iraq và tại châu Phi. Điều đó chứng tỏ một cách đơn giản rằng, sự hiện diện của Mỹ tại châu Âu là rất quan trong đối với các đồng minh châu Âu, nhưng cũng quan trọng đối với an ninh của Mỹ", ông Stoltenberg nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại