Hồi cuối tháng 3, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) ở gần thành phố Raqqa, Iraq và bị cáo buộc gây thương vong cho dân thường. Trong tuần sau đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ngày 30/3 gây bất ngờ khi nói Mỹ không còn coi việc loại bỏ quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là ưu tiên hàng đầu.
Nhưng chỉ vài ngày sau tuyên bố đó, Tổng thống Donald Trump ra lệnh hai tàu khu trục Mỹ ở Địa Trung Hải tiến hành tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân al-Shayrat của quân đội Syria - địa điểm mà các chiến đấu cơ Syria và Nga sử dụng để thực hiện các vụ không kích IS.
Hãng Al Jazeera khẳng định, quan điểm cho rằng sự thay đổi đột ngột của chính quyền Trump xuất phát từ tác động của những hình ảnh về nạn nhân vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun, Syria hôm 4/4 "là điều phi lý".
Bất chấp các tuyên bố giận dữ của Trump khi lên án chính quyền Assad là thủ phạm vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, thực tế là sắc lệnh hành pháp về hạn chế nhập cảnh đối với công dân từ 7 nước Hồi giáo, bao gồm Syria, vẫn hiện hữu.
Dù vậy, vụ tấn công tuần qua vẫn là tín hiệu cho sự khởi đầu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột Syria, với những phương án có thể được tái cân nhắc như vùng cấm bay, các khu vực an toàn nhân đạo, và Mỹ cung cấp vũ trang cho lực lượng nổi dậy.
Al Jazeera: Sẽ không có chuyện Mỹ can thiệp xa hơn
Al Jazeera đánh giá, mặc dù các nhóm đối lập và người ủng hộ họ ở Syria sẽ được "tiếp sức" bởi vụ tấn công ngày 6/4 và kêu gọi mạnh mẽ Mỹ can thiệp rộng hơn để đối đầu chính quyền Assad, những lời kêu gọi đó chắc chắn sẽ bị bỏ ngoài tai và Washington duy trì sự tồn tại của chính phủ Syria hiện nay bởi nhiều lý do.
Ông Trump không phải là một nhà nhân đạo toàn cầu hay bạn hữu của người dân Syria - những người đã trải qua nhiều năm xung đột với những cuộc tấn công thông thường và cả bằng vũ khí hóa học tương tự vụ Khan Sheikhun.
Hãng tin Ả-Rập cho rằng, mối lo ngại an ninh của Mỹ hiên nay tiếp tục là mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, nổi bật là IS. Từ góc độ này, có thể thấy ngay cả khi chính phủ của Assad "tồi tệ" như Mỹ cáo buộc, họ vẫn chiến đấu ở đúng chiến tuyến.
Sẽ rất ít khả năng các quan chức Mỹ, dù có quan điểm trái ngược nhau thế nào, nhận định rằng mở rộng phạm vi can thiệp với Damascus là hành động phù hợp trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hình ảnh do phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đăng tải hôm 7/4, chú thích Tổng thống Trump đang nhận báo cáo từ nhóm cố vấn an ninh quốc gia về vụ tấn công Syria
Lợi ích của Trump
Lợi ích của chính quyền Trump dường như nằm ở củng cố sức mạnh và vị thế quân sự tại Trung Đông hơn là thay đổi chế độ ở Syria.
Theo Al Jazeera, thực tế là tỉ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump thời gian qua đang xuống thấp bởi những lùm xùm trong nội bộ chính quyền về nghi vấn quan hệ với Nga, các cuộc điều tra liên bang về sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ, và sự kém hiệu quả trong các sự vụ quốc tế.
Dưới thời Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama, một cuộc tấn công chóng vánh nhằm vào mục tiêu ở một nơi xa xôi nào đó là giải pháp hữu hiệu để củng cố sự ủng hộ với chính phủ, dập tắt các ý kiến chỉ trích, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong nước và đưa chính trị gia từ các đảng phái đoàn kết lại.
Điều này, Al Jazeera nhận định, mới là nguyên nhân hiển nhiên lý giải Mỹ tiến hành vụ phóng tên lửa vào Syria, hơn là bất kỳ sự "thay đổi đột xuất" nào trong chính sách của Washington.
Việc Nga được cảnh báo trước về vụ tấn công cũng cho thấy căng thẳng có thể sẽ không leo thang đến mức vượt qua ranh giới nhận thức chung giữa Nga-Mỹ hiện nay. Thậm chí, sau các sóng gió ngoại giao, xu hướng hợp tác đang gia tăng giữa hai bên trong vài tháng gần đây nhiều khả năng được bảo toàn.
Sau tất cả, tình hình tệ hại nhất có thể xảy đến ở Syria là có thêm các trận "mưa bom", và điều thực sự cần thiết là các cuộc đàm phán chính trị nghiêm túc.