Khi phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng bố, bạo lực, nhiều chuyên gia phương Tây đã nhấn mạnh tới một thực tế rằng, tiền đề cơ bản của các vụ việc bi thảm này là việc cộng đồng Hồi giáo ở các quốc gia châu Âu không thích ứng được với các quy định hiện hành và hòa nhập vào xã hội châu Âu.
Rất nhiều lập luận nữa được đưa ra, ví dụ như việc Pháp đã quá tập trung vào việc đảm bảo an ninh cho giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) mà bỏ quên việc thắt chặt an ninh ở Nice.
Trong số các chuyên gia, cũng có nhiều ý kiến đồng cảm với những bất tiện và khó chịu của người dân Tây Âu đối với những gì mà dòng người tị nạn mang tới cho đất nước của họ, đặc biệt là sự ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa dân túy trong các phong trào chống người di cư. Tuy nhiên, những nguyên nhân chính lại là những điều sau.
Thứ nhất, những rối loạn hiện nay chủ yếu là hệ quả từ chính sách của Mỹ và các đồng minh châu Âu ở khu vực Trung Đông. Chính cuộc phiêu lưu của Mỹ và Anh ở Iraq hồi năm 2003 đã làm nảy sinh mạnh mẽ xu hướng cực đoan ở phía Đông thế giới Arab.
Và có lẽ, không phải vụ đánh bom của NATO mà chính việc quân đội Anh và Pháp "nhúng tay" vào một vụ thảm sát có tổ chức ở Lybia, giết hại dã man ông Muammar Gaddafi đã đánh mất đi sự ổn định, thậm chí đưa quốc gia vốn thịnh vượng này vào tình trạng hỗn loạn. Người ta còn nhớ ai là người đã bí mật hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.
Và hiện nay, người ta cũng biết rõ người đang tích cực cung cấp và trang bị vũ khí cho bọn khủng bố ở Syria. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới các hoạt động khủng bố của các phần tử Hồi giáo quá khích đang đe dọa an ninh của chúng ta hiện nay.
Mạng lưới khủng bố al-Qaeda kiệt quệ đã tìm thấy nguồn sức lực mới. Mỹ và các đồng minh trước đây đã nỗ lực sử dụng mạng lưới khủng bố này để phục vụ cho mục đích riêng của mình là lật đổ các chế độ họ không muốn thấy ở các quốc gia Trung Đông.
Điều này đã gây ra những hậu quả thảm khốc cho toàn bộ khu vực và bây giờ nó lại gây hậu quả ngược lại với chính các quốc gia phương Tây.
Thứ hai là chính sách thiển cận của lãnh đạo các quốc gia phương Tây. Đáng lẽ trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo các quốc gia phương Tây cần phải huy động và phối hợp lực lượng để giải quyết vấn đề người tị nạn và phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các biện pháp chống chủ nghĩa cực đoan.
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo phương Tây lại lập trung sức lực chủ yếu của mình cho cuộc đối đầu với Nga.
Mặc dù "lửa đang cháy trong chính nhà mình" (ở châu Âu là sự gia tăng căng thẳng xã hội, một loạt các vụ tấn công khủng bố, còn tại Mỹ là sự bùng phát bạo lực), nhưng NATO lại gạt sang một bên tất cả những mối đe dọa đó để tuyên bố Nga mới là mối đe dọa chính đối với an ninh thế giới.
Tất nhiên, khi xem xét bức tranh chính trị hiện nay không thể bỏ qua sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan trong thế giới Hồi giáo. Nhưng đó là một chủ đề phức tạp khác. Rõ ràng, thế giới ngày nay kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, và các sự việc xảy ra ở một địa điểm có thể gây ảnh hưởng tới toàn cầu,
Do đó, giới lãnh đạo các quốc gia trên thế giới cần thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa khi đưa ra các quyết định.