Từ hơn hai tuần nay, quốc gia Armenia ở Tây Á, thành viên của Liên Xô trước đây, đột ngột trở thành tâm điểm của thời sự quốc tế.
Phong trào phản kháng do nhà đối lập Armenia Nikol Pashinyan lãnh đạo đã liên tục buộc hai thủ tướng phải từ nhiệm.
RFI dẫn bình luận của nhiều nhà quan sát cho biết, tình trạng nghèo đói nặng nề và nạn tham nhũng là các nguyên nhân chính dẫn đến sự nổi dậy của dân chúng. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2016, tỉ lệ này là 29.8% so với 27.6% vào năm 2008. Thu nhập đầu người gần như không tăng so với cách nay một thập niên.
Nhà nghiên cứu Iuri Navoian, đứng đầu tổ chức phi chính phủ Nga-Armenia, mang tên Đối thoại, có trụ sở tại Mátxcơva, cho rằng các hoạt động phản kháng đang diễn ra có nguồn gốc sâu xa từ những bất mãn tích tụ trong nhiều năm vừa qua, đặc biệt là "nạn tham nhũng có tính hệ thống" và "độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế" khiến khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ không ngóc đầu lên được.
Khủng hoảng kinh tế ở Nga trong hai năm 2014-2016 tác động dây chuyền đến Armenia, quốc gia phụ thuộc nặng nề vào Mátxcơva về mặt kinh tế.
Bên cạnh đó, niềm tin vào đảng cầm quyền lao dốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị, và dân chúng buộc phải bày tỏ thái độ. Le Monde tuần qua có bài phân tích của nhà chính trị học trẻ Armenia Hrand Mikaelian, làm việc tại Viện Caucasus Institute, Yerevan, thủ đô Armenia, một người lớn lên sau thời Liên Xô. Ông Mikaelian nêu con số 17% tin tưởng vào đảng cầm quyền, trong cuộc điều tra Caucasus Barometer của CRRC, hồi năm ngoái, so với 46% hồi năm 2009.
Trong bối cảnh tồi tệ này, đảng Cộng hòa cầm quyền lại có hành xử ngược đời. Đó là "tìm mọi cách để khiến xã hội thờ ơ với chính trị". Cụ thể như, cuộc cải cách Hiến pháp hồi 2015 đã chấm dứt thể thức bầu cử tổng thống theo phổ thông đầu phiếu, quyền này nay thuộc về Quốc hội.
Việc cựu Tổng thống Armen Sarkissian, sau 10 năm cầm quyền (2008-2018), muốn trở lại đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, thay cho ông Karen Karapetyan, người được coi là đã tiến hành "nhiều nỗ lực cải cách từ năm 2016", như giọt nước tràn ly, khiến đa số dân chúng thêm giận dữ.
Thủ tướng Armenia Sarkissian hôm 23.4, cũng buộc phải thừa nhận, trong lá đơn từ nhiệm, là "đã sai lầm", lẽ phải thuộc về lãnh đạo đối lập.