Nguyên nhân khiến Mỹ biến SM-6 thành tên lửa lưỡng tính

Thùy Dung |

Chiến hạm USS John Paul Jones dùng tên lửa SM-6 của Hải quân Mỹ vừa đánh chặn thành công mục tiêu ở tầng khí quyển trái đất trong thử nghiệm.

Phát biểu trước truyền thông sau cuộc thử nghiệm, Phó đô đốc Jim Syring cho biết, mục tiêu của vụ thử là để kiểm tra các thông số chính của đạn tên lửa SM-6 - dòng tên lửa bị nghi ngờ về hiệu quả đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương đặc biệt là ở phóng cuối, khi đầu đạn tên lửa bắt đầu tiếp cận bầu khí quyển Trái đất với tốc độ siêu thanh.

Trước khi cuộc thử nghiệm này diễn ra, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đang nghi ngờ và coi SM-6 không phải dòng đạn tên lửa đánh chặn hiệu quả. 

Mặc dù, tính năng của đạn tên lửa SM-6 trong việc đánh chặn các dòng tên lửa đạn đạo tầm trung đã nhiều lần được khẳng định, nhưng vấn đề chính là giá thành của đạn tên lửa đánh chặn quá cao nên sẽ khó lòng triển khai ở quy mô lớn.

 Nguyên nhân khiến Mỹ biến SM-6 thành tên lửa lưỡng tính  - Ảnh 1.

Chiến hạm Aegis Mỹ phóng tên lửa SM-6

Gặp khó trong đánh chặn tên lửa đạn đạo được coi là nguyên nhân chính khiến Lầu Năm Góc thực hiện tích hợp thêm tính năng chống hạm cho tên lửa phòng không này, theo Tạp chí National Interest hồi tháng 9/2016.

Nói về kế hoạch này của Hải quân Mỹ, chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest cho biết, SM-6 từ lâu đã được nhìn nhận là một mẫu tên lửa phòng thủ và phòng không rất mạnh nhưng do “phong độ không ổn định”, Lầu Năm Góc đang biến SM-6 thành tên lửa 2 trong 1.

Để hoàn thành nhiệm vụ kép, SM-6 được tích hợp hệ thống kết nối mạng và radar dò tìm chủ động, được thiết kế để tấn công các mục tiêu ngoài tầm quan sát radar của tàu.

Sử dụng hệ thống tác chiến kiểm soát hỏa lực hỗn hợp của hải quân, một tàu chiến lớp Aegis có thể tấn công các mục tiêu ngoài đường chân trời nhờ dùng dữ liệu chỉ thị mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm E-2D "Mắt Diều hâu" tối tân.

Phạm vi hoạt động của một radar dải tần S trên chiến hạm lớp Aegis đạt khoảng 402,3 km đối với mục tiêu bay ở độ cao 9,1 km. Trong trường hợp mục tiêu bay thấp hơn, tầm dò của radar cũng bị thu hẹp và đây chính là lúc máy bay cảnh báo sớm E-2D phát huy tác dụng. Giới phân tích cho rằng tầm bắn của tên lửa SM-6 còn có thể vượt qua phạm vi 402 km.

Máy bay E-2D có khả năng theo dõi những mục tiêu trên mặt nước và trên không, vì thế khi kết hợp với tên lửa SM-6, tổ hợp này sẽ giúp các tàu chiến Mỹ tấn công hiệu quả các tàu mặt nước đối phương từ ngoài đường chân trời bởi vận tốc của tên lửa lên tới 1.191 m/s.

Đầu đạn của SM-6 tương đối nhỏ, nhưng với khả năng đánh chặn được tên lửa đạn đạo, SM-6 hoàn toàn đủ sức tiêu diệt chiến hạm của đối phương chỉ sau một lần bắn trúng.

"Đây là một vũ khí hải đối không tuyệt vời", ông Carter nhấn mạnh. "SM-6 là một trong những vũ khí uy lực và tiên tiến nhất của chúng tôi". Cũng theo ông, do SM-6 là tên lửa "hai trong một" nên đây là giải pháp tiết kiệm chi phí.

Dù đầu đạn nhỏ nhưng SM-6 vẫn sẽ phát huy hiệu quả trong thực chiến nhờ tốc độ đầu đạn. Động năng từ một tên lửa tốc độ siêu thanh có thể tạo ra sức công phá rất lớn, nhất là với các tàu chiến có lớp giáp mỏng như hiện nay, chuyên gia Majumdar cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại