Gối cao su tại tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên bị rớt
Sáng 24/1, đại diện MAUR (chủ đầu tư) xác nhận từ kết quả thí nghiệm và đối chiếu hồ sơ, chủ đầu tư đã có cơ sở cho rằng vật liệu thép sử dụng cho tất cả gối cầu không đúng thiết kế dược duyệt theo hợp đồng đã ký vào năm 2012.
Cụ thể, hợp đồng quy định phải sử dụng vật liệu bằng hoặc cao hơn tiêu chuẩn thiết kế ASTM A588 nhưng thực tế nhà thầu liên danh SCC (Sumitomo - Cienco 6) đã dùng vật liệu thép làm gối cầu không đúng tiêu chuẩn nói trên, dẫn đến thép không đạt giới hạn chảy như yêu cầu.
Ngoài ra, trọng lượng thực tế của gối cao su bị rơi khỏi đá kê gối là 117 kg, nhẹ hơn 9,2 kg so với thiết kế phê duyệt (hồ sơ quy định gối cao su bản thép phải nặng 126,2 kg).
Gối metro có dấu hiệu dịch chuyển khỏi vị trí lắp đặt ban đầu (sự cố được phát hiện vào đầu tháng 1/2021)
Về vật liệu thép, đại diện MAUR cho biết liên danh nhà thầu SCC giải thích khối lượng gối cao su trong bản vẽ thi công là danh định. Khối lượng thực tế có thể thấp hơn yêu cầu trên thiết kế được duyệt vì có sai số trong quá trình sản xuất, chế tạo. SCC cho rằng nguyên nhân sự cố gối cầu vị trí P14-10 bị rơi là do chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm.
“Chủ đầu tư và Hội đồng khoa học không đồng tình với lý giải của liên danh nhà thầu SCC bởi các sai số đã được tính toán trong giới hạn cho phép trước khi sản xuất. MAUR đánh giá nhà thầu liên danh SCC và Tư vấn giám sát NJPT đã không tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện dự án theo hợp đồng”, đại diện MAUR cho hay.
Khắc phục tạm thời sự cố trong thời gian tìm nguyên nhân dẫn đến hai gối cao su bị chuyển vị
Qua nhiều lần làm việc, MAUR đưa ra 3 đề nghị đối với nhà thầu. Một là SCC phải đưa ra lý giải cho vấn đề sự cố xảy ra có mang tính hệ thống hay không.
Thứ hai, liên danh SCC tiếp tục quan trắc và kiểm tra sự chuyển vị của gối cầu tại cầu cạn VD12-34 (đoạn ngã tư Thủ Đức - Bình Thái) và chỉ định Tư vấn thứ 3 độc lập để xác định nguyên nhân dịch chuyển gối, đồng thời đưa ra đánh giá độ cứng của nhịp dầm và khả năng chịu lực an toàn cho người và thiết bị thi công tại đoạn dầm bị hỏng.
SCC và NJPT được yêu cầu báo cáo tiến độ, quan trắc, kiểm tra độ ổn định, hình dạng, kích thước của toàn bộ gối cao su bản thép thuộc gói thầu CP2 cho chủ đầu tư nhằm sớm tìm ra nguyên nhân sự cố và hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra cho công trình.
Công nhân sử lý tạm sự cố chuyển vị gối cao su
Nguồn tin này cũng xác nhận MAUR đã có văn bản đề nghị Tư vấn giám sát NJPT lập tức thống kê, rà soát danh sách nhân sự, kể cả người đã ngưng điều động hoặc nghỉ việc liên quan gối cầu từ thời điểm phê duyệt bản vẽ thi công, phê duyệt vật liệu thép, nghiệm thu vật liệu, giám sát thi công đến nay để làm rõ.
Tư vấn giám sát NJPT bị cho là đã không làm tròn trách nhiệm theo quy định hợp đồng đã ký năm 2007. Cụ thể, NJPT phê duyệt vật liệu sai với quy định của hợp đồng, giám sát thi công chưa tốt và nghiệm thu vật liệu gối cầu không đúng với thiết kế quy định.
Sử dụng vật liệu thép không đúng có gây sự cố rơi gối? Một chuyên gia chuyên ngành cầu đường cho biết bê tông cũng như mọi vật liệu khác khi nóng thì nở ra, lạnh thì co lại.
Với các dầm bê tông dài cỡ 35 m của metro số 1 thì mỗi ngày dầm này sẽ nở ra và co lại chừng 15 mm. Theo thời tiết tại TPHCM, các dầm bê tông sẽ nóng lên đến gần 80 độ C nhưng về đêm lại nguội đi đến 25 độ C.
Sơ đồ lý giải nguyên nhân sự cố (chuyên gia cung cấp)
Để hấp thụ rung động khi có phương tiện chạy bên trên, người ta dùng gối cao su ở bên dưới dầm cầu và gối cao su này phải có khả năng biến dạng theo sự co giãn của dầm cầu.
Khi dầm cầu giãn ra, gối cao su từ chỗ có tiết diện hình chữ nhật sẽ trở thành hình hộp có tiết diện hình bình hành. Nếu dầm cầu được gác lên các gối cao su sao cho có sự tiếp xúc bề mặt tốt, đảm bảo có lực đè lớn lên toàn bề mặt gối thì gối sẽ khó trượt.
Tuy nhiên, vì các vấn đề khi thi công tại công trường cũng như chế tạo tại nhà máy hoặc biến dạng co ngót theo thời gian của bê tông mà một số vị trí gối sẽ có sự tiếp xúc bề mặt không tốt giữa dầm cầu và gối. Khi đó, gối cao su sẽ có nguy cơ trượt dần theo biến dạng co giãn hằng ngày của dầm cầu do không đủ lực ma sát với bề mặt bê tông bên dưới.
Với các công trình đang khai thác, việc kiểm tra tình trạng các gối cầu là một trong những hạng mục quan trọng. Nếu phát hiện sự dịch chuyển thì sẽ phải điều chỉnh lại gối cầu, thậm chí cố định gối ấy khi thấy nguy cơ tái dịch chuyển cao.
Nếu phát hiện có sự tiếp xúc không tốt giữa dầm và gối (đặc biệt là những đoạn cầu cong, hay đi lên xuống dốc) thì phải chèn thêm vật liệu (vữa, thép chêm...) để đảm bảo sự tiếp xúc toàn diện và sao cho dầm sẽ truyền lực lên gối một cách hoàn hảo.
Sơ đồ lý giải nguyên nhân sự cố trượt gối cao su (chuyên gia cung cấp)
“Đối với sự việc lệch gối cao su của metro Bến Thành – Suối Tiên, nguyên nhân chính vẫn là do sự co giãn dưới tác dụng của nhiệt độ chứ không phải là do tải trọng động.
Tuyến metro này có thời gian thi công kéo dài, nhiều gối cầu đã được lắp đặt trên 4 năm, thời gian đủ dài để những gối “có vấn đề” dịch chuyển”, chuyên gia này khẳng định và khuyến cáo các đơn vị liên quan cần rà soát lại toàn bộ gối cầu và có giải pháp cho các vị trí có nguy cơ trượt, đồng thời trong quá trình thi công tiếp theo và khai thác sau này cần tăng cường kiểm tra định kỳ để tránh sự cố như vừa qua.
Tháng 10/2020, MAUR phát hiện vụ trượt đầu tiên dẫn đến rơi gối cao su khỏi đá kê gối tại trụ P14-10. Sự cố đang trong quá trình làm rõ thì trong tháng 1/2021 lại tiếp tục xảy ra một gối cao su khác có dấu hiệu bị dịch chuyển khỏi vị trí lắp đặt ban đầu.