Như đã biết vào hôm 27/2, máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ (IAF) và Không quân Pakistan (PAF) đã có cuộc đụng độ tại vị trí sát đường phân giới LoC chia đôi cao nguyên Kashmir mà hai bên tranh chấp suốt thời gian qua, kết quả là đã có một chiếc MiG-21 Bison của IAF bị PAF bắn hạ.
Một số nguồn tin chưa được xác nhận cho biết tiêm kích PAF đã bắn hạ MiG-21 Ấn Độ là JF-17.
Nếu thực sự như vậy thì phần thắng trong trận không chiến trên thuộc về JF-17 chẳng hề gây bất ngờ vì tiêm kích Pakistan là loại mới sản xuất, nó có tính năng kỹ chiến thuật được đánh giá cao hơn nhiều so với chiếc MiG-21 cũ kỹ dù cho máy bay đã trải qua quá trình nâng cấp.
Vấn đề gây thắc mắc trong suốt thời gian qua chính là việc tại sao IAF lại không đưa chiến đấu cơ tối tân nhất của mình là Su-30MKI lên đánh chặn tiêm kích Pakistan ngay từ đầu để tạo ưu thế áp đảo và tránh thiệt hại không đáng có của chiếc MiG-21 Bison?
Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã vắng bóng trong trận giao chiến với JF-17 Pakistan
Nguyên nhân lý giải tình trạng trên mới đây đã được tờ The Hindu của Ấn Độ tiết lộ. Lý do chính nằm ở sự quan liêu của các cơ quan nhà nước, dẫn tới việc không thể xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng việc triển khai Su-30MKI sát đường phân giới LoC.
Vào năm 2017, Ủy ban Chính phủ về An ninh (CCS) đã phải xử phạt ban điều hành dự án nhưng rồi mọi việc vẫn không có tiến triển, tờ báo trích dẫn một nguồn tin quốc phòng cho hay.
Nguồn tin cho biết thêm với tình trạng trên, tiêm kích Su-30MKI nặng nề buộc phải triển khai ở tuyến sau cho nhiệm vụ đề phòng các máy bay chiến đấu của Pakistan đột nhập sâu vào không phận Ấn Độ.
Trong khi đó, MiG-21 nhờ sự nhỏ nhẹ lại đủ khả năng bố trí ở những căn cứ sát LoC và là phương tiện phản ứng đầu tiên lúc xảy ra tình huống khẩn cấp.
Chiến đấu cơ tối tân Su-30MKI của Không quân Ấn Độ vẫn đang bị bố trí ở tuyến sau
Thực trạng tương tự cũng từng được ghi nhận trong vụ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực tranh chấp Doklam trên cao nguyên Tây Tạng hồi năm 2017, khi đó New Delhi cũng không thể đưa tên lửa phòng không tầm trung Akash tới điểm nóng để tạo đối trọng với HQ-16 cũng vì lý do cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng.
Nếu trong tương lai Quân đội Ấn Độ không có biện pháp hữu hiệu nhằm sớm khắc phục điểm yếu lặp đi lặp lại này thì dự báo họ sẽ còn phải hứng chịu thêm nhiều thất bại với mức độ trầm trọng hơn nữa trong những cuộc đối đầu với cả hai đối thủ Pakistan lẫn Trung Quốc.
Tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ triển khai tại căn cứ phía sau đường giới tuyến LoC