Sự xuất hiện bất ngờ của nguyên lão
Những năm gần đây, sự xuất hiện của cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc - nguyên lão Tống Bình luôn thu hút sự chú ý của dư luận, truyền thông trong và ngoài Trung Quốc.
Tống Bình (sinh năm 1917) từng là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa XIII và Trưởng ban tổ chức trung ương ĐCSTQ.
Tống Bình vốn là thư ký chính trị của Chu Ân Lai, đồng thời nhận được sự tin tưởng của Đặng Tiểu Bình.
Tống Bình được ví là "Bá Lạc" chính trị của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Bá Lạc tương truyền là vị thần cai quản ngựa. Người đầu tiên được xưng Bá Lạc là Tôn Dương, sống thời Xuân Thu vì ông này rất am hiểu mà tinh thông tướng ngựa.
Sau này, trên chính trường Trung Quốc, "Bá Lạc" dùng để chỉ người giỏi trong việc phát hiện, tiến cử, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.
Theo Phượng Hoàng (Hồng Kông), Tống Bình được coi là "Bá Lạc" lớn nhất trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, là người "kế thừa sự nghiệp của người đi trước và mở ra con đường mới cho người đi sau".
Ngày 5/2 vừa qua, nguyên lão họ Tống đã có mặt tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc theo chương trình từ thiện hỗ trợ trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa tiếp tục đến trường.
Đặc biệt, tại đây ông kêu gọi: "Hiện nay, các đồng chí đã về hưu nếu còn khỏe mạnh, từ 65 đến 75, thậm chí 80 tuổi đều có thể tích cực làm một số công việc. Họ có kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ, đều có thể cống hiến cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ học sinh nghèo".
Theo Đa chiều, sự xuất hiện của Tống Bình trước thềm Đại hội XIX của ĐCSTQ, dự kiến diễn ra mùa thu năm nay, đặc biệt trước thời điểm diễn ra kỳ họp "Lưỡng hội" (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc) vào tháng 3 tới đây, đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng, cụm từ "nếu còn khỏe mạnh, tích cực làm việc" của Tống ám chỉ vấn đề "can thiệp chính trị" của những cán bộ đã về hưu.
Luồng ý kiến khác bình luận, động thái này của Tống nhằm "ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình xóa bỏ toàn diện hiện tượng 'người cũ can thiệp chính trị'", nhắc nhở các quan chức đã về hưu rằng nếu muốn làm việc thì nên tập trung vào hoạt động công ích xã hội.
Giới phân tích nhận định, sự hoạt động sôi nổi của đội ngũ cựu quan chức có thể dẫn đến cục diện "người cũ can thiệp chính trị", hoặc sẽ gây cản trở hoặc lại giúp tập thể lãnh đạo hiện tại ổn định chính trị, củng cố vị thế.
Những lần xuất hiện của Tống Bình đều liên quan đến vấn đề xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo. Tháng 12/2016, xuất hiện tại Sơn Đông, ông Tống đã nhắc nhở địa phương này phát triển theo yêu cầu của ông Tập.
Sự xuất hiện mới nhất của "nguyên lão" Tống Bình (giữa) tại Hải Nam đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. (Ảnh: Capitalnews)
Vị thế ông Tập đã vững, tình trạng "người cũ can chính" phải chấm dứt?
Theo Đa chiều, từ sau Đại hội XVIII (2012) với việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao, và đặc biệt là sau khi ông được xác lập là "lãnh đạo hạt nhân" của ĐCSTQ tại Hội nghị trung ương 6 khóa XVIII hồi tháng 10/2016, thì hiện tượng "người cũ làm chính trị" về căn bản đã rời xa chính trường.
Đặc biệt, việc Bộ chính trị Trung Quốc thông qua văn bản quy định về vấn đề đãi ngộ đối với lãnh đạo đảng, nhà nước vào tháng 11/2016 đã cho thấy, ông Tập muốn "cảnh cáo ảnh hưởng và khống chế đãi ngộ của tầng lớp này".
"Khác với 5 năm trước, từ thời điểm này đến Đại hội khóa XIX vào mùa thu 2017, dù có khả năng các nguyên lão vẫn có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng nhưng cục diện chính trị Trung Quốc căn bản đã được kiểm soát", Đa chiều bình luận.
Hội thảo học tập hôm 13/2 của ĐCSTQ mà ông Tập có "phát biểu quan trọng" (Ảnh: Xinhua)
Hôm 13/2, Tập Cận Bình chủ trì Lớp nghiên cứu thảo luận chuyên đề quán triệt tinh thần Hội nghị trung ương 6 cấp tỉnh và bộ, trong đó nhấn mạnh nội dung "trị đảng nghiêm minh".
Bài xã luận của Tân Hoa Xã ngày 14/2 về "phát biểu quan trọng" của ông Tập, cho biết nhà lãnh đạo yêu cầu "tăng cường tính chính trị của đời sống chính trị trong đảng", được lý giải là các đảng viên ĐCSTQ "phải kiên định đặt phương hướng chính trị lên vị trí số 1", "tự giác bảo vệ quyền uy của trung ương đảng, bảo vệ sự đoàn kết và tập trung thống nhất của đảng".
Trước đó, ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề tuân thủ "quy tắc chính trị" trong đảng.
Truyền thông nước này cũng cho hay, ĐCSTQ cần dùng "quy tắc" để lấp đầy khoảng trống quyền lực cấp cao sau khi các nguyên lão cách mạng về hưu. Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, nhấn mạnh tập thể đảng viên cần "ủng hộ lãnh đạo hạt nhân".
Theo giới phân tích, động thái trên chứng tỏ, hiện tượng "người cũ can thiệp chính trị" trên chính trường Trung Quốc đã đi vào hồi kết.
Thay vào đó, sự xuất hiện của Tống Bình mới đây, hay cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo hồi tháng 9/2016 thuần túy mang ý nghĩa ủng hộ lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình và thể hiện quyết tâm chính trị của bản thân.