Xã hội Đàng Trong nửa sau thế kỉ XVIII
Từ giữa thế kỉ XVIII, chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong suy yếu dần. Việc mua quan bán tước phổ biến. Số quan lại ngày càng tăng, nhất là quan thu thuế. Có nơi trong một xã có 20 xã trưởng và hàng chục nhân viên thu thuế (gọi là tướng thần). Quan lại, hào cường kết thành bè cánh, đàn áp bóc lột nhân dân thậm tệ và đua nhau ăn chơi xa xỉ.
Bản đồ Việt Nam khoảng năm 1760, vẽ bởi công ty Cóvens e Mortier, Amsterdam
Trong triều đình Phú Xuân, Trương Phúc Loan nắm hết quyền hành, tự xưng "quốc phó", khét tiếng tham nhũng.
Theo Phủ biên tạp lục:
Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỉ XVIII ) nhận xét: "Từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ,... lấy sự phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau... Họ coi vàng "bạc như cát, lúa gạo như bùn, hoang phí vô cùng". Trương Phúc Loan "thu lợi 5 cửa nguồn, nhận của đút lót, vàng bạc, châu báu, gấm vóc chứa đầy nhà. Ruộng vườn, tôi tớ, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể".
Nông đân bị địa chủ cường hào lấn chiếm ruộng đất. Nhân dân đồng bằng phải nộp nhiều thứ thuế. Nhân đân miền núi phải nộp lâm thổ sản như ngà voi, sừng tê, mật ong...
Cuộc sống người dân ngày càng cơ cực. Nỗi bất bình oán giận của các tầng lớp xã hội đối với chính quyền họ Nguyễn ngày càng dâng cao. Cuộc khởi nghĩa của chàng Lía đã bùng lên trong hoàn cảnh đó.
Lía xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Là người khí khái, giỏi võ nghệ, Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Ở Bình Định đã lưu truyền bài vè "Chàng Lía":
... Lên yên thẳng xuống trùng trùng rinh rang
Lâu la kén đủ trăm ngàn,
Thình lình cướp trại đánh ngang quân triều.
Quân binh đang lúc bao vây,
Chợt đâu bị đánh, xiết bao hãi hùng...
Khởi nghĩa của Lía bị dập tắt, nhưng hình ảnh chàng Lía còn mãi trong lòng người dân miền Trung:
Ai vào Bình Định mà nghe,
Nghe thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam.
Chiều chiều én liệng Truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ
Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lên vùng Tây Sơn thượng đạo (nay thuộc An Khê, Gia Lai) lập căn cứ, dựng cờ khởi nghĩa chống chính quyền họ Nguyễn.
Tổ tiên anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vốn quê ở Nghệ An, bị chúa Nguyễn bắt đưa vào Đàng Trong khai khẩn đất hoang. Thuở nhỏ, ba anh em theo học ông giáo Hiến, một nho sĩ bất mãn với chế độ thối nát đương thời.
Nguyễn Nhạc xây thành luỹ, lập kho tàng, luyện nghĩa quân. Nghĩa quân được đồng bào thiểu số ủng hộ lương thực, voi ngựa.
Lược đồ căn cứ địa nghĩa quân Tây Sơn
Khi lực lượng đã mạnh, nghĩa quân đánh xuống Tây Sơn hạ đạo, lập căn cứ ở Kiên Mĩ (huyện Tây Sơn - tỉnh Bình Định) rồi mở rộng hoạt động xuống vùng đồng bằng. Nghĩa quân "lấy của người giàu chia cho người nghèo", xoá nợ cho nông dân và bãi bỏ nhiều thứ thuế.
Nông dân nghèo, đồng bào Chăm, đồng bào Ba-na vùng An Khê nhiệt tình tham gia nghĩa quân. Thợ thủ công, thương nhân, kể cả hào mục các địa phương, cũng nổi dậy hưởng ứng.
Một số giáo sĩ phương Tây có mặt ở nước ta bấy giờ đã mô tả nghĩa quân Tây Sơn là: ban ngày những người khởi nghĩa xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có người mang súng... Người ta gọi họ là những kẻ nhân đức đối với người nghèo... Họ muốn giải phóng người dân khỏi ách chuyên chế của vua quan.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 119-120-121-122.