Thanh An: Hợp đồng lao động 2 năm + 1 giữa Quang Hải với Pau FC và những bước đi đầu tiên Hải đang thể hiện ở Ligue 2 của nước Pháp dường như khiến anh vừa hạnh phúc vừa bình thản. Tôi chỉ tò mò, anh thực sự muốn chia sẻ cảm giác này với những ai?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Tôi nghĩ đến 3 người phụ nữ - thứ nhất là mẹ tôi, người thứ hai là mẹ Quang Hải. Và cuối cùng, tôi muốn được ôm vợ vào lòng để cảm ơn tất cả những chịu đựng, hy sinh của cô ấy suốt 7 năm qua.
Họ vốn dĩ chẳng biết tý gì về bóng đá nhưng vì con, vì chồng đã lấy môn thể thao này làm sự nghiệp nên bây giờ 3 người phụ nữ ấy ăn bóng đá, ngủ cũng bóng đá. Cũng chẳng ai ngờ từ ngày tôi chọn bóng đá, áp lực dữ dội liên tục ập đến với gia đình mình.
Đơn cử như giai đoạn sau Thường Châu, không thể đếm hết những người đã "chửi" tôi vì một điều tôi không hề làm: đưa ra bảng giá quảng cáo, đi dự sự kiện... cho một số cầu thủ.
Mẹ tôi, bạn biết kiểu phụ nữ Hà Nội xưa đúng không? Lúc nào cũng nhẹ nhàng, tinh tế, suy nghĩ rất kỹ mới bày tỏ thái độ. Sau bữa trưa hôm ấy, hai mẹ con ngồi uống nước, bà nhìn ra cửa như muốn giấu đi ánh mắt hoang mang, nói những câu chẳng thể kiềm giữ cảm xúc: "Mẹ chẳng hiểu nổi! Đang yên đang lành sao con về đây, rồi làm gì vậy cho người ta chửi mình?". Thấy mẹ đau lòng tôi chỉ biết động viên: "Con tin mình làm đúng. Bố mẹ yên tâm, chưa bao giờ con làm điều gì xấu cả".
Thời gian đưa Quang Hải sang Pháp cũng thế, người lo nhất là mẹ tôi. Đây là tương lai của một con người cũng là sự kỳ vọng cho tương lai của bóng đá Việt Nam, nhỡ con mình không làm được sẽ thế nào?
Hơn ai hết, mẹ hiểu hành trình tôi đã đi qua vấp phải quá nhiều khó khăn và quá nhiều áp lực kinh khủng. Mãi đến sau ngày 20/6, vừa là sinh nhật tôi lại trùng với ngày Hải đến Đại sứ quán Pháp làm thủ tục visa lao động, lúc ấy bà mới thở phào nhẹ nhõm: "Mẹ lo đến mất ngủ nhưng không dám hỏi vì biết có cậy mồm con cũng chả nói gì".
Đúng thật. Không ai cậy được mồm tôi vào thời điểm công việc chưa chín. Tính tôi cứ gan lì thế đất, dù biết suốt 7 năm qua, không ít lần mẹ đã phải rơi nước mắt vì mình.
Thanh An: Mẹ của Quang Hải chắc cũng chung niềm lo lắng với mẹ anh?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Bố mẹ Hải dù rất sốt ruột nhưng chưa một lần tỏ ý gì với tôi cả.
Thử hỏi ông bố bà mẹ nào có con đang là một ngôi sao tự nhiên thấy báo chí toàn đăng những tin "Biến căng: Quang Hải có nguy cơ thất nghiệp dài hạn" lại không sốt ruột? Hơn nữa, bố mẹ Hải cũng biết có CLB ở Việt Nam sẵn sàng xuống tiền ngay 30 tỷ đồng lót tay chưa kể lương nhưng con mình không nhận, vất vưởng xuống tận Cần Thơ tự tập, lại còn giao hết tương lai cho ông Văn.
Thế nhưng họ luôn nói với tôi không phải một lần, nhiều lần rồi: "Tất cả nhờ bác. Bác coi cháu như con, lo cho cháu!"
Ngày Hải mang từ Thường Châu về tuyệt phẩm "cầu vồng tuyết", người và xe cứ ùn ùn khắp các nơi tìm đến chúc mừng. Bố mẹ Hải cứ ngồi ngoài sân tay vặt lông, tay thịt gà đãi khách - mẹ Hải ngày xưa bán gà ở chợ mà. Tôi bảo vào nhà đi chứ ngồi ngoài này làm gì thì hai vợ chồng cười khà khà: "Bác cứ tiếp khách giúp. Em làm mâm cơm chứ người ta ở xa đến chơi bị đói bụng thì thương quá".
Đấy, bố mẹ Hải tin tôi bằng niềm tin rất chất phác. Đặc biệt là mẹ Hải, rất thương nhưng cũng rất tin tưởng con trai. Hơn ai hết người phụ nữ này biết con mình còn đi được xa hơn nữa. Và cho đến ngày cuối cùng, tôi biết, họ rất hạnh phúc khi thấy con mình lựa chọn ước mơ.
Thú thật, kể từ khi Hải từ chối CLB Hà Nội cho đến khi tiễn cháu nó sang Pháp, đầu tôi lúc nào cũng như có một chiếc vòng kim cô siết chặt. Mình cân đo đong đếm hàng trăm thứ việc chỉ dựa trên một câu hỏi lớn nhất, phương án này thực sự tốt cho Hải hay không?
Thị phi nhiều lắm nhưng tôi vững lòng vì luôn tâm niệm: Làm được điều tốt nhất cho cuộc đời những cầu thủ mình đại diện, tại sao tôi phải giải thích với bất kỳ ai?
Thanh An: Thế còn vợ anh, chữ hy sinh anh dùng khiến tôi cảm giác chị ấy như là một phụ nữ Việt Nam truyền thống nhỉ?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Cô ấy 100% Đức luôn, thực tế và tử tế vô cùng. Phải nói tôi rất biết ơn người phụ nữ đấy. Nếu không có sự hỗ trợ kiên trì của vợ, không bao giờ tôi có được ngày hôm nay.
Khi bắt đầu mở nhà hàng thứ nhất là tôi vừa đi làm thuê lại vừa mới cưới vợ. Chưa có chút tích lũy gì trong tay thế mà dám vứt hết nội thất của chủ cũ đi để tự mua tre nứa, tự mua từng cái bát, từng đồ sành sứ như thằng bé cưỡi trâu ở Bát Tràng mang tận sang Đức. Vì tôi quyết tâm dựng nên một nhà hàng chuẩn phong cách Việt.
Hồi đó người ta bảo: "Thằng này bị điên!" Cũng chẳng sai chút nào. Có lẽ tôi là người đầu tiên ở Đức dám treo biển "Quán Việt Nam" cho dù tất cả những người Việt thời đấy sau một thời gian làm thuê đều phải mở quán Tàu, quán Thái, quán Nhật... để kiếm tiền.
Làm đủ thứ xong xuôi tôi mới nói chuyện thì vợ bảo: "Cảm thấy đủ sức làm được cứ làm đi, em ủng hộ anh hết sức". Lúc đấy, vợ bầu cháu thứ nhất. Sinh xong chưa tròn tháng chính vợ đề nghị gửi con cho bà ngoại để đi quét dọn thuê kiếm thêm tiền cho tôi giữ quán trong mấy tháng đầu.
Bạn nghĩ xem, qua bao nhiêu vất vả, vợ chồng con cái đang có cơ ngơi "hái ra tiền" bỗng một ngày đẹp trời tôi nói muốn bán mấy nhà hàng ở Đức để về Việt Nam làm những việc giời ơi đất hỡi. Bà vợ nào đồng ý?
Nhiều cuộc nói chuyện, nhiều cãi vã, nhiều vấn đề lắm, nhưng dần dần vợ cũng nhìn thấy tôi hạnh phúc với những việc đang được làm ở Việt Nam và chấp nhận thỏa hiệp. Coi như vợ tôi có một người chồng đi công tác xa, sau mười mấy tiếng đồng hồ bay từ Việt Nam về Đức, gia đình lại được đoàn tụ. Kết quả, tôi bán dần 3 nhà hàng và đi về giữa hai đất nước.
Về Việt Nam vui đấy, chỉ có điều lắm lúc nghĩ lại, tôi thương và xót ruột cho vợ. Bởi vì cô ấy gặp phải người chồng ích kỷ, quá đắm đuối với ước mơ của bản thân. Tôi gọi những thanh niên khác là con trong khi 3 đứa con của mình, vợ phải một tay chăm hết... Đấy là những day dứt thực ra tôi chưa bao giờ chia sẻ với ai.
Thanh An: Tôi không hiểu, anh đã có quốc tịch Đức, đang là một công dân khá giả ở châu Âu, tại sao phải chịu những day dứt đó để trở về Việt Nam?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Có rất nhiều thứ thay đổi từ ngày tôi về Việt Nam. Đặc biệt sau những tháng ngày sống cùng thành phố Hồ Chí Minh giữa cơn bão Covid-19 - dịch bắt đầu bủa vây thành phố, ca bệnh ngày một nhiều, người dân bắt đầu bị đói, y bác sĩ bắt đầu từ khắp nơi ùn ùn chi viện về thành phố.
Tôi và những người bạn, nói thật, ru rú trong nhà thấy vô tích sự quá mới bàn nhau lập hội "Những người yêu Sài Gòn" tự bỏ tiền túi mua máy thở, mua khẩu trang, mua gạo, mua thực phẩm... Ngoài ra tôi còn tổ chức bán đấu giá áo cầu thủ, đặc biệt là áo Quang Hải, lại còn xin thêm đồ của người nổi tiếng khác để bán. Được đồng nào mang đi mua đồ cứu trợ. Cứ vừa bán áo vừa mua đồ, tôi vừa liên hệ với Đoàn Thanh niên để xác định thật nhanh những khu vực tập trung lao động nghèo...
Tổng cộng tiền cá nhân bỏ ra và số tiền đấu giá bán áo để làm thiện nguyện cũng được hơn chục tỷ đồng chứ ít đâu. Mà lúc đấy, chân tôi vẫn đang bị "què" nhé.
Thật ra mình cũng chả để ý, lúc ngã ở vỉa hè đứng dậy chỉ thấy đau đau. Mãi một tuần sau vẫn sưng tôi mới nhờ bác sĩ Dũng quen nhau từ hồi đưa U20 đi World Cup khám. Lúc cầm kết quả X-quang trên tay "ông ấy" ngao ngán: "Nếu không biết anh chắc em nghĩ bệnh nhân này đầu óc không bình thường mất. Gãy chân cả tuần rồi. Xương gãy đôi ra mà vẫn lái siêu xe, vẫn bê vác quần quật..." Lúc ấy bác sĩ bảo bó bột luôn cơ mà tôi xin khất, lái xe về xử lý xong việc đã sáng mai mới vào viện bó. Đấy, hăng tình nguyện đến mức ấy cơ.
Đến sinh nhật tròn 50 tuổi của tôi, 20/6/2021, thủ môn Bùi Tiến Dũng tỏ ý muốn "tổ chức cái sinh nhật thật vui vì bao nhiêu năm chú chưa được gì cả". Quang Hải cũng bảo con tặng chú cái này cái kia. Nhưng lúc đấy là cao điểm dịch bệnh, tôi đề nghị: "Thôi, thay bằng tặng đồng hồ hay quà cáp thì mọi người tặng gạo đi. Chú mang cho những người đói hơn mình".
Tổng cộng bữa sinh nhật ấy tôi được tặng mấy chục tấn gạo. Mình cứ làm rồi cập nhật việc từ thiện lên Facebook chơi chơi thôi, nhưng nào ngờ bao nhiêu người đã đồng cảm chung tay cùng mình.
Thanh An: Người ta vẫn kể anh Đắc Văn làm từ thiện giữa tâm dịch như "sẵn sàng đi vào chỗ chết". Một thân một mình lầm lũi đi giữa thành phố phong tỏa với nhiều còi cứu thương và người chết vì Covid như vậy anh có sợ không?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Chẳng hiểu sao tôi không sợ dù hồi đấy còn chưa tiêm vắc xin cơ.
Bạn tưởng tượng nhé, tôi đi trao máy thở xong thì phải chụp ảnh gửi nhà hảo tâm. Tối về đang xếp hàng cho sáng mai thì bệnh viện Thủ Đức gọi: "Anh ơi, người nhận máy thở từ anh sáng nay vừa thành F0". Thế là xong, mình vinh dự được "bế" đi tiêm phòng luôn. Tối hôm tiêm về, vắc xin "quật" cho bét nhè luôn nhưng khỏe lại là tôi trở "vua thông chốt" chính hiệu. Suốt thời kỳ phong tỏa, tôi được cấp đủ mọi giấy tờ để có thể đưa hàng cứu trợ vào những khu cách ly nguy hiểm nhất.
Chẳng có trí tưởng tượng nào có thể nghĩ ra bối cảnh khu cách ly 900 F0 thì hơn 200 là trẻ con dưới 12 tuổi, rất nhiều người ở vùng sâu vùng xa. Ngày tôi mang đồ đến, những đứa nhỏ ấy còn không biết hộp sữa là gì. Một mình đứng giữa 900 F0 chia bánh Trung thu, vừa chia vừa khóc nhưng vì mặc đồ bảo hộ nên không lau nổi nước mắt, mọi thứ cứ nhòe nhoẹt hết.
Mấy lần đến "vùng ve chai" - nơi ở của những người dân rất rất nghèo luôn, không còn nơi đâu của thành phố này có thể nghèo hơn. Lúc xuất trình giấy tờ, công an và bộ đội trông chốt còn bảo "Anh vào đây làm gì? 100% F0 đấy". Nghĩa là trong không được ra, ngoài không thể vào, chỉ có xác chết mới được di chuyển. Tôi cay sống mũi quá mới bảo, cho tôi vào đi, không có gạo bà con chết đói trước khi chết vì bệnh mất. Thế rồi mấy anh em bộ đội cũng dẫn đường để chúng tôi đi ô tô chở gạo, chở nước, chở thuốc... vào sâu trong vùng ve chai. Gặp được những đoàn cứu hộ, nhiều gia đình đã thốt lên mừng rỡ: "Sống rồi".
Tức là lúc ấy mình thương đồng bào quá nên không còn cảm giác sợ nữa.
Thanh An: Những ngày tháng ấy, có lẽ không bao giờ thôi ám ảnh...
Ông Nguyễn Đắc Văn: Trước đây không bao giờ tôi nghe điện thoại số lạ, nhưng từ ngày chống dịch, mình thay đổi hẳn. Ba giờ sáng có điện thoại, đã số lạ lại còn từ Canada gọi như lừa đảo thế mà tôi vẫn nghe máy. Đầu kia giọng mừng thấy rõ: "Em phải tìm đến 3 người mới có số của anh. Bố em vừa mất, tiền phúng viếng được một ít. Gia đình rất muốn dùng số tiền đấy làm việc gì có ích để bố ở dưới suối vàng được yên lòng..."
Lúc ấy tôi xúc động lắm. Một đứa con muốn làm việc tốt cho bố yên lòng từ tận đẩu đâu tìm đến mình. Bạn ấy chỉ xin một điều: "Khi anh trao xong máy thở, liệu bệnh viện có thể gửi cho gia đình lá thư cảm ơn để chúng em đốt gửi bố dưới suối vàng". Thế rồi sáng hôm đó bạn ấy gửi 350 triệu đồng, chúng tôi mua được 3 máy thở trao tặng bệnh viện dã chiến và nhiều phần lương thực cho bà con. Tặng chỗ nào tôi đều gửi thư sang Canada thông báo. Về sau, tôi nhận được tin nhắn: "Em cảm ơn. Bố em bây giờ ở thế giới bên kia chắc đã vui lắm rồi".
Những ngày đi trao suất ăn cho bệnh viện ở Đồng Nai, gặp y bác sĩ ngoài Bắc vào thấy khẩu trang cứ treo lủng lẳng trên dây phơi. Tôi ngạc nhiên quá chỉ biết ơ, ơ. Điều dưỡng phụ trách tặc lưỡi giải thích: "Bọn em hết khẩu trang nên phải giặt sạch phơi khô phòng thân thôi anh". Thật sự, mấy anh em hôm đó nói với nhau, y như chiến tranh đang tràn qua vậy.
Chẳng dám hứa hẹn, tôi chỉ bảo có gì chiều anh quay lại. Thế là vội vàng dong xe một mạch về thành phố đi xin, đi vay các thứ được 2 thùng khẩu trang và 1 cái lò vi sóng. Xuống đến Đồng Nai cỡ gần 3 giờ chiều. Bạn điều dưỡng nhận hàng xong cứ cảm ơn lấy cảm ơn để: "May quá, có lò vi sóng bọn em đeo lại khẩu trang cũ cũng yên tâm vì được khử trùng xịn hơn hẳn so với phơi nắng."
Một đợt, như thường lệ cứ mười giờ tối tôi lại chở bánh bao đến bệnh viện Covid trong thành phố tặng nhân viên y tế. Gần đến nơi, đèn đường lập lòe chỗ sáng chỗ tối tự nhiên thấy có 4 cái container đầy khói lạnh xì ra phía dưới.
Tôi chủ động chạy xe chậm lại, vì biết rồi, những chuyện đau lòng thế này, đi giữa thành phố những ngày ấy đâu còn xa lạ. Nhưng đau một cái, xe chạy đến cuối dãy thì ập vào mắt mình hình ảnh mấy chục con người đang thắp hương, quỳ lạy hướng về 4 chiếc container. Không một ai biết người nhà mình đã mất đang nằm đâu trong những thùng lạnh ấy. Giây phút người ta khóc ngất đi là tôi sập nguồn luôn.
Bình thường tôi không uống rượu nhưng đêm hôm ấy lái xe về đến nhà, tôi đã phải cố uống để quên đi những điều mình vừa nhìn thấy... Tức là lúc ấy mình như lướt qua ranh giới giữa cái chết và sự sống, giữa nỗi đau đớn tuyệt vọng và cảm giác không "ngán" gì thần chết nữa.
Thanh An: Một năm sau chuỗi ngày khủng khiếp đó, bây đây ngồi ở Hà Nội kể về những việc đã qua. Cảm giác của anh là gì?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Cảm giác của tôi ư? Có lẽ là nhẹ nhõm khi nhớ về những việc mình đã làm. Bởi vì hành động của mình lúc ấy cùng xã hội đã cứu được nhiều chục nghìn người vừa không bị chết vì Covid, vừa không bị thiếu đói.
Hơn nữa, mình cũng đã nhận được sự tin tưởng và hưởng ứng từ cộng đồng. Giai đoạn cao điểm nhất - một ngày chúng tôi cung cấp đến 10.000 suất ăn cho y, bác sĩ tuyến đầu. "Hội những người yêu Sài Gòn" với sự chung tay của các nhóm thiện nguyện như Hạt vừng, Bó đũa, Bếp thương Saigon, Vietnam ơi cố lên, VinaCapital, Paris by night… cùng rất nhiều anh em bạn bè, người hảo tâm trên cả nước và toàn thế giới đã bàn giao được khoảng 500 cái máy thở. Cùng tính xem, 500 cái máy thở lúc ấy đã cứu được bao nhiêu người thoát chết?
Nói đến máy thở, tôi phải nhắc chuyện Phi Nhung. Có lần tôi chỉ trêu đùa trên Facebook "không quen ca sĩ Phi Nhung, cũng không nghe nhạc của Phi Nhung". Ấy vậy mà nghe theo lời kêu gọi của "Hội những người yêu Sài Gòn" chỉ trong vòng một nốt nhạc cô ấy đã chuyển tiền ủng hộ 1 máy thở HFNC và đứng ra kêu gọi bạn bè ở Mỹ chuyển tiếp 5 máy thở nữa. Câu cuối Phi Nhung nhắn qua điện thoại, tôi nhớ mãi: "Thôi, tạm biệt anh Văn, Nhung về Mỹ nhé. Vì về bên ấy Nhung sẽ kêu gọi giúp đỡ bà con được nhiều hơn nhưng anh Văn nhớ từ giờ nghe nhạc Phi Nhung nhé!"
Thế đấy, chẳng ai ngờ nổi cuối cùng Phi Nhung không bay về Mỹ mà chọn ở lại thành phố nấu cơm từ thiện và đã vĩnh viễn nằm lại.
Thanh An: Đã bao giờ anh nghĩ, nếu ở Việt Nam nguy hiểm như vậy hay là anh bay về Đức với vợ con cho an toàn?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Giống như Phi Nhung, rời Việt Nam với tôi rất dễ. Chỉ cần mua chiếc vé máy bay một chiều là tôi được ở cùng gia đình mình bên Đức.
Nhưng khi sống trong đại dịch, đúng là tôi bị cuốn theo công việc thiện nguyện từ lúc nào không hay. Hóa ra muốn cứu người thì phải luôn sẵn sàng với những công việc không tên. Chưa xong việc này đã xuất hiện rất nhiều việc khác. Những cuộc gọi: "Anh ơi, bố em sắp chết!", "Anh ơi, bệnh viện thiếu những thứ này, cần những thứ kia..." cứ nóng ran cả điện thoại. Bạn dừng tay nổi không?
Nhóm chúng tôi tính trung bình ra mỗi người hết trên dưới 50 triệu tiền xăng một tháng. Mỗi ngày chạy ít nhất 300km quanh thành phố và các tỉnh lân cận. Dịch đi qua, nhẩm tính lại. Ối dồi ôi, sao mình có thể làm được khối lượng công việc nhiều khinh khủng đến thế. Có lẽ không bao giờ làm được nổi lần thứ hai trong đời.
Thật ra hồi sống ở Đức dù là người làm ăn thành công nhưng có điều gì đó khiến tôi luôn cảm thấy không hài lòng. Mỗi ngày ở bên đó đều như vắt chanh, 9 giờ sáng tôi đến nhà hàng mua đồ, lên lịch bàn đặt, lịch sự kiện, điều phối nhân viên... 2 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà. Ngày nào cũng như ngày nào. Cuối tuần lại càng bận hơn vì khách đến vô cùng đông.
Vô hình trung, tôi dậy con đã đi học, tôi về con đã ngủ. Tức là ở Đức đấy nhưng tôi có gặp con đâu, vợ cũng thế. Hơn nữa, sống trong xã hội mình rất ít cơ hội thể hiện trách nhiệm cộng đồng, công việc mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại như một cái máy thì dù có rất nhiều tiền, bạn vẫn sẽ không vui nổi. Đã có những lúc tôi băn khoăn, không lẽ cuộc đời mình sẽ kết thúc như thế này à? Làm việc quần quật đến 60 - 70 tuổi, tích được ít tiền 1 năm về Việt Nam 2 tuần thăm bố mẹ? Lúc ấy bố mẹ mất rồi.
Sống thế này tôi không hạnh phúc!
Ngược lại, về đến Việt Nam tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu và hạnh phúc đến từ những việc rất nhỏ. Chuyện giúp người trong đại dịch chỉ là một hạnh phúc trong số rất nhiều hạnh phúc tôi có được khi sống ở Việt Nam.
Ví dụ như đợt Quang Hải ra mắt CLB Pau vừa rồi, nhìn lá cờ đỏ sao vàng ở giữa một sân vận động châu Âu, thật sự lúc ấy tôi sung sướng, tự hào vô cùng. Bởi vì mình đã làm thành công một việc quá khó. Dù không phải đối diện với cái sống cái chết nhưng hành trình đó chưa một người Việt Nam nào từng đi qua. Danh chính ngôn thuận - cầu thủ Việt Nam ký hợp đồng lao động đường hoàng, "xanh chín" với một CLB châu Âu.
Thanh An: Nhiều người nói rằng, lý do khiến anh bán hết cơ ngơi ở Đức về Việt Nam thương mại hóa bóng đá là vì bên đó khó khăn. Hóa ra nghề đại diện cầu thủ ở Việt Nam có nhiều cơ hội kiếm tiền thế à?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Quán của tôi ở Düsseldorf lọt vào top những nhà hàng châu Á đẹp nhất ở Đức. Tôi bán Nem, bán Phở, bán Bò lá lốt, bán Bún thang... nhưng vào đấy khách uống rượu vang, cuối tuần có nhạc Jazz, phong cách thưởng thức ẩm thực và văn hóa cực kỳ tây. Khách muốn đến nhà hàng phải đặt bàn trước cả 1 - 2 tháng. Toàn là người nổi tiếng, chính trị gia, quý tộc, cầu thủ, ca sĩ... Họ đến không chỉ một lần nhé, địa điểm yêu thích luôn.
Hồi đấy sao nhỉ, gọi là tôi có tiền. Thích vui chơi nhảy múa và cũng mê ca sĩ Tuấn Hưng. Đúng dịp sinh nhật 20/6/2015, tôi mới bảo với vợ, làm cái gì cho vui đi. Thế là tổ chức luôn show diễn của Tuấn Hưng mời bà con đến xem chung vui với mình. Gần 300 triệu tiêu sạch trong một đêm luôn. Cũng từ sau đêm đấy đã có những câu chuyện và bước ngoặt rất khác xảy ra với đời tôi.
Tình cờ hôm đấy trung tâm Düsseldorf hết khách sạn nên tôi phải để Tuấn Hưng nghỉ cách đấy 30km. Khách sạn nằm trong khu liên hợp của CLB bóng đá Borussia Dortmund. Hưng thích lắm. Hai anh em nói chuyện về bóng đá thì cậu ấy bảo: "Anh về Việt Nam làm bóng đá đi".
- Mày bị điên à! Tao biết gì về bóng đá mà làm?
- Không, em nghĩ anh làm được vì anh có tố chất, có mối quan hệ rất rộng với bóng đá châu Âu.
Bước ngoặt đấy. Tôi bắt đầu đi về Việt Nam nhiều hơn để tìm hiểu bóng đá trong nước. Lúc đấy bóng đá Việt Nam đang ở đáy, cầu thủ dính nghi án bán độ, các bên đấu đá, người hâm mộ quá chán nản... Tuy nhiên, là một nhà kinh doanh mạo hiểu nên tôi nhìn thấy cơ hội bứt phá và phát triển từ nền bóng đá phục vụ hơn 100 triệu người hâm mộ cuồng nhiệt. Cơ hội lớn như vậy sao không ai làm?
Cho nên tôi khao khát mang mô hình chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa bóng đá từ những nền kinh tế bóng đá khổng lồ ở châu Âu về Việt Nam. Cùng lúc ấy, VFF liên lạc nhờ tôi giới thiệu chuyên gia làm Giám đốc Kỹ thuật.
Thanh An: Và anh đã mời ông Jurgen Gede đúng không?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Chuyện với ông Jurgen Gede rất duyên.
Ông này là khách thường xuyên đến quán tôi. Bọn tôi hay nói chuyện lắm. Ông kể đã từng làm HLV ở Đức, ở Iran... và muốn sang Châu Á để khám phá cái mới.
Hai ngày sau khi VFF đặt vấn đề, tôi nhìn thấy ông Gede đến quán liền bảo: "Đang có nhu cầu tìm Giám đốc Kỹ thuật ở Việt Nam quê tôi đấy".
- OK. Anh đại diện cho tôi để đàm phán với VFF nhé.
Đấy là hợp đồng đại diện đầu tiên của tôi. Sau khi ông Gede về Việt Nam, tôi lại đưa về thêm 2 chuyên gia của Đức nữa là HLV Thể lực và chuyên gia Vật lý trị liệu. Bắt đầu từ đó HLV Hoàng Anh Tuấn với ông Gede mới bắt tay xây dựng nên lứa U19 đi World Cup năm 2017, đồng thời cũng là tiền thân của Đội tuyển Quốc gia bây giờ.
Ngày ấy, chính ông Gede nói với tôi: "Các cầu thủ Việt Nam cần những người như mày Văn ạ. Mày phải làm sao để cầu thủ hiểu được đây là một nghề bình đẳng và đầy cơ hội phát triển như mọi nghề khác. Người lao động, tức là cầu thủ trong nền bóng đá Việt Nam đang quá yếu thế".
Ngày 1/9/2017, tôi quyết định bán hết quán của mình để về Việt Nam, từ đấy chỉ tập trung làm bóng đá. Nhưng trước đó, từ đầu năm 2017, tôi đã gắn bó và đồng hành với Quang Hải, Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng sau lời gửi gắm của ông Gede: "những bạn này tiềm năng, nếu được hãy giúp đỡ cho người ta".
Thực ra đã có một số cầu thủ rất muốn mời tôi làm đại diện nhưng tôi khá kỹ tính, khi quyết định làm việc với ai thì phải tin tưởng tuyệt đối. Còn nếu đâu đó chỉ là sự tò mò thì chắc chắn tôi không thể đi cùng. Nếu giữa người đại diện và cầu thủ không có sự tin tưởng tuyệt đối thì lấy chỗ dựa nào để vượt qua được những đòn "cân não kinh khủng" trong hành trình đưa Hải đến Châu Âu...
(Còn nữa)