Với tốc độ lây lan nhanh chóng, Covid-19 gần như đã hiện diện ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để hiểu rõ hơn về diễn biến của đại dịch Covid-19, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Số tử vong cao hơn đại dịch cúm A H1N1 năm 2009
Ngọc Minh: Thưa PGS Nguyễn Huy Nga, hiện nay đại dịch Covid-19 đã càn quét tới hơn 200 quốc gia trên thế giới. Với kinh nghiệm của một chuyên gia dịch tễ, PGS đánh giá như thế nào về đại dịch này?
PGS Nguyễn Huy Nga: Đại dịch Covid-19 là một chủng virus hoàn toàn mới, 100% dân số thế giới chưa có miễn dịch, cường độ lây lan cực nhanh giữa người với người thông qua tiếp xúc gần gũi.
Hiện tại chúng ta vẫn chưa đánh giá chính xác được quy mô, tính chất, tỷ lệ tử vong của dịch nhưng có thể sẽ có số tử vong cao hơn đại dịch A H1N1 năm 2009 và thấp hơn nhiều đại dịch lớn trước đây.
Đại dịch Covid-19 đã càn quét tới hơn 200 quốc gia trên thế giới. Ảnh Tuấn Mark.
Ngọc Minh: Đây có phải là đại dịch đầu tiên trên thế giới có sự lây lan rộng như vậy không thưa PGS?
PGS Nguyễn Huy Nga: Đúng như bạn nói, lần đầu tiên trong lịch sử có một đại dịch lây lan rộng như vậy. Trong vòng 3 tháng gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới đã có ca bệnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến sự giao lưu đi lại tấp nập của thế giới hiện nay thuận tiện hơn, với sự phát triển quá nhanh của mạng lưới hàng không quốc tế là nguyên nhân của sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
PV: Với tốc độ lây lan nhanh chóng như hiện nay thì đại dịch Covid-19 liệu có điểm dừng hay không thưa PGS?
PGS Nguyễn Huy Nga: Thông thường các đại dịch có sự phát sinh, lên cao trào và thoái lui. Các dịch cúm trước đây thường kéo dài 1-2 năm. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ học quốc tế thì đại dịch Covid-19 có thể rầm rộ vài tháng nữa rồi kéo dài đến hết năm nay và đuôi dịch có thể sang năm 2021.
Chúng ta chưa biết được miễn dịch của bệnh sẽ như thế nào. Bệnh có thể hình thành miễn dịch, thành cúm thường như đại dịch cúm 2009 hoặc biến mất hẳn như dịch SARS 2003. Nếu trong trường hợp bệnh Covid-19 trở thành tương tự cúm mùa thì những vụ dịch lần sau sẽ không còn quy mô lớn và trầm trọng như bây giờ.
Nếu virus bệnh Covid-19 tạo ra miễn dịch ổn định thì chúng ta có thể sản xuất vắc xin để tiêm phòng đại trà.
Ngọc Minh: Nhiều người cho rằng Việt Nam đang ở "giai đoạn vàng" để ngăn chặn dịch Covid-19, nếu bỏ qua gia đoạn này Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy gì?
PGS Nguyễn Huy Nga: Đúng, Việt Nam đang trong "giai đoạn vàng" để để ngăn chặn dịch khi các ca lây lan trong cộng đồng không rõ nguồn lây đầu tiên còn dưới 3 chữ số.
Nếu không kịp thời không chế thì dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng và tất yếu dẫn tới sẽ có nhiều người nhập viện do tình trạng nặng. Khi quá nhiều bệnh nhân nặng nằm viện thì chúng ta sẽ thiếu máy thở, thuốc men và nhân viên y tế. Hậu quả của nó là số tử vong sẽ tăng lên nhiều.
Giá trị 'không nhìn thấy' của cách ly xã hội: Là thời gian để mọi người sống chậm lại
Ngọc Minh: Để khống chế và ngăn chặn được dịch bệnh thì cách ly xã hội là vô cùng quan trọng. Đối với người dân trong thời gian cách ly xã hội, ông có lời khuyên gì không về sức khỏe và tâm lý?
PGS Nguyễn Huy Nga: Cách ly xã hội là biện pháp quyết liệt và hiệu quả để cắt đứt con đường lây lan của virus. Do virus SARS-CoV-2 lây chủ yếu qua tiếp xúc gần cho nên khi chúng ta tách xa nhau thì nó sẽ hết đường sống sót. Nếu trong 2-4 tuần Việt Nam làm tốt việc cách ly thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Trong thời gian cách ly tùy điều kiện của từng người, họ có thể tiếp tục thực hiện công việc online như kết nối với cơ quan, công ty để hội họp, thảo luận công việc qua mạng, buôn bán hàng hóa qua mạng, hoạt động văn hóa, nghệ thuật qua mạng, dạy học qua mạng…. Họ cũng có thể làm công việc cơ quan tại nhà như thiết kế, sáng tạo, viết bài, viết sách giáo trình hoặc chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh doanh, dịch vụ hậu đại dịch.
Cách ly xã hội là biện pháp quyết liệt và hiệu quả để cắt đứt con đường lây lan của virus.
Đây cũng là thời gian giúp cho tất cả chúng ta "sống chậm lại" - một giá trị to lớn mà thường ngày do bận rộn mưu sinh chúng ta không nhìn thấy, không nhận ra. Gia đình quần tụ với nhau, cha mẹ có điều kiện dạy bảo con cái, sắp xếp, bố trí lại nội thất chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống mà trước kia chưa có thời gian để làm.
Những người lớn tuổi có thể viết hồi ký, xây dựng gia phả, viết lịch sử dòng họ, làm thơ trào phúng, đọc các sách hướng dẫn dưỡng sinh, thể thao trị liệu.
Phụ nữ có thể nghiên cứu chế biến các món ăn ngon, bổ dưỡng để tăng sức đề kháng chống dịch.
Tất nhiên tất cả mọi người đều phải dành thời gian tập thể dục tùy theo điều kiện cho phép. Ngoài ra chúng ta cũng giải trí bằng xem ti vi, theo dõi tình hình dịch bệnh, các hướng dẫn phòng chống dịch, đọc sách, nghe ca nhạc, xem phim hoặc lên facebook, vào zalo để liên lạc, trò chuyện với người thân...
Tóm lại là các gia đình, cá nhân tùy theo điều kiện và hoàn cảnh nên lập một kế hoạch sử dụng hợp lý và khoa học thời gian biểu của mình trong gian đoạn giãn cách xã hội mà Chính phủ quy định.
Ngọc Minh: Đối với cá nhân ông, cách ly xã hội có gặp cản trở hay khó khăn gì hay không?
PGS Nguyễn Huy Nga: Tôi tuy đã nghỉ quản lý nhưng vẫn tham gia giảng dạy đại học. Công việc của tôi trong thời gian cách ly xã hội vẫn không thay đổi mấy chỉ có khác là không đi ra ngoài đường phố nếu không có việc cần thiết như đi mua sắm thực phẩm, mua thuốc và không đứng lớp giảng bài.
Hàng ngày tôi duy trì một lịch sinh hoạt và làm việc rất đều đặn. Tôi dậy từ 4 h30 sáng và đi ngủ lúc 9h30 tối. Tôi vẫn đi bộ sáng và chiều từ 9-10 km mỗi ngày (vì tôi đeo thiết bị Mi Fit theo dõi khoảng cách đi bộ và nhịp tim cũng như giấc ngủ). Phần lớn thời gian ban ngày tôi vẫn làm việc như biên soạn tài liệu, giáo trình, tư vấn chuyên môn qua mạng, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học, biên tập (peer review) cho các tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Từ ngày có dịch Covid-19 thì tôi cũng mất khá nhiều thời gian cho trả lời phóng viên và viết bài cho các báo, vào facebook theo dõi và post lên các status của mình để thảo luận với mọi người.
Thời gian còn lại tôi dành cho việc chăm sóc hoa, cây cảnh và tự chuẩn bị bữa ăn yêu thích cho mình với những thực đơn nhằm tăng sức đề kháng để chống dịch như tăng cường thêm các chất đạm động vật, chủ yếu là cá và trứng, ăn thêm các món rau quả tươi có nhiều vitamin. Vì tôi tự cách ly xã hội ở một nơi xa gia đình nên hàng ngày vào buổi tối tôi thường liên lạc trò chuyện với người thân qua zalo, messenger
Ngoài đi bộ thì tôi còn tranh thủ rèn luyện bằng thở khí công, thiền, xoa bóp và cuối tuần thì nghe qua mạng bài giảng của các thiền sư như Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Niệm và các thiền sư quốc tế.
Ngọc Minh: Sau 15 ngày cách ly xã hội, Việt Nam cần phải làm tiếp những gì để kiểm soát dịch bệnh?
PGS Nguyễn Huy Nga: ếu sau 15 ngày cách ly vẫn có các ca bệnh mới được phát hiện thì chúng ta lại tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch. Nếu không có ca bệnh mới thì coi như về cơ bản ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Trong tình huống đó thì chúng ta tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào, và cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui.
Ngọc Minh: Thưa PGS sau đại dịch Covid-19 sẽ cho chúng ta những bài học gì?
PGS Nguyễn Huy Nga: Bây giờ còn sớm để nói đến các bài học. Tuy nhiên sẽ có nhiều bài học mà chúng ta cần đúc kết để chuẩn bị cho những đại dịch sau. Đó là những bài học về công tác tổ chức chống dịch, công tác giám sát dịch, dập dịch, điều trị, truyền thông, duy trì đời sống kinh tế xã hội, quan hệ quốc tế…
Ngọc Minh: Cảm ơn PGS, chúc ông sức khỏe và thành công!
Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.