Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: "Giáo dục Việt Nam đã mất đi PGS Văn Như Cương đầy cương trực"

Hoàng Đan |

"Vậy là ngành giáo dục Việt Nam đã mất đi PGS Văn Như Cương đầy cương trực, tâm huyết, được học trò kính yêu, đồng nghiệp kính trọng", GS Phạm Minh Hạc bày tỏ.

Giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, dù không quá đột ngột nhưng ông vẫn cảm thấy thảng thốt, xúc động khi nhận được thông tin PGS Văn Như Cương qua đời vào rạng sáng ngày 9/10.

"Vậy là ngành giáo dục Việt Nam đã mất đi PGS Văn Như Cương đầy cương trực, tâm huyết, được học trò kính yêu, đồng nghiệp kính trọng. Tôi xin được gửi lời chia sẻ sâu sắc tới gia đình, bạn bè, học trò, đồng nghiệp của anh", GS Hạc chia sẻ.

Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, giữa ông và cố PGS Văn Như Cương đã có thời gian công tác, gắn bó cùng với nhau vào những năm 1960 ở chi đoàn của Đại học sư phạm Hà Nội.

Đến cuối những năm 1980, sau Đại hội toàn quốc lần thứ 6 của Đảng, trong ngành giáo dục mới bắt đầu có trường dân lập và hiện nay gọi là tư thục.

"Thời điểm những năm 1988, sau khi có chủ trương đổi mới, mở rộng trong ngành giáo dục, PGS Văn Như Cương có đưa ra đề xuất, mong muốn thành lập một trường phổ thông dân lập để giúp đào tạo được tốt hơn và lúc đó, đang đảm trách nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi ủng hộ.

Tuy nhiên, để thành lập được thì không phải Bộ mà UBND TP Hà Nội mới có quyền ký quyết định cho phép. Sau nghiên cứu, thẩm tra kỹ càng, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho phép thành lập trường THPT Lương Thế Vinh.

Đến nay sau gần 30 năm, anh Cương đã xây dựng trường Lương Thế Vinh thành một tên tuổi lớn, có uy tín ở Hà Nội.

Trong suốt quãng thời gian đó, giữa tôi và anh Cương đã có những gắn bó, chia sẻ, động viên nhau trong công tác, cũng như góp ý, xây dựng nền giáo dục nước nhà. Tôi luôn trân trọng những việc mà anh Cương đã làm, cống hiến cho ngành", GS Hạc bày tỏ.

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: Giáo dục Việt Nam đã mất đi PGS Văn Như Cương đầy cương trực - Ảnh 1.

PGS.TS Văn Như Cương và lời chia sẻ. (Ảnh: Tiin.vn)

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, sự ra đi của PGS Văn Như Cương không chỉ là tổn thất của gia đình mà ngành giáo dục Việt Nam đã mất đi một nhà giáo mẫu mực, xuất sắc, được học trò, đồng nghiệp kính trọng, thương yêu.

"Là người có thời gian gắn bó, tiếp xúc nhiều, tôi thấy ở anh là một con người rất thông minh, có tài nhưng lại dí dỏm, chân thành. Vì thế, anh luôn được mọi người, bạn bè, học trò yêu mến, đánh giá cao.

Tôi cũng thấy đúng như tên mà các cụ đã đặt cho, anh Cương đã luôn sống, cống hiến, thể hiện tính cách đầy cương trực, hết lòng vì ngành giáo dục.

Với bất cứ vấn đề nào liên quan đến ngành giáo dục, kể cả những vấn đề nóng, nhiều ý kiến khác nhau, anh đã luôn phát biểu một cách rất thẳng thắn, nêu rõ quan điểm của mình, đóng góp cho sự phát triển của ngành, xã hội.

Mất anh là ngành đã mất đi một người thầy mẫu mực, tài hoa", GS Hạc nhấn mạnh thêm.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhìn nhận, PGS Văn Như Cương dù chuyên ngành là Toán học nhưng sự am hiểu về Văn học cũng rất sâu sắc.

Điều đó được thể hiện qua khả năng sáng tác thơ Đường, các câu đối rất hay mà không phải ai cũng có thể làm được.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, dù ông biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt còn thầy Văn Như Cương chủ yếu biên soạn sách Toán nhưng có nhiều lần cả hai cùng đi dự các đợt viết sách, phản biện sách cùng nhau.

"Thầy Văn Như Cương thuộc thế hệ lớp các thầy giáo của tôi và dù không học Toán, không học trường Sư phạm nhưng tôi gọi PGS Văn Như Cương là thầy với sự tôn kính. Tôi luôn học hỏi được từ thầy rất nhiều tri thức về giáo dục và trong đời sống", GS Thuyết bày tỏ,

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại