Người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm để phòng ngừa những rủi ro đáng tiếc, không được chủ quan.
Đi tìm nguyên nhân
Đau tức ngực giữa là khi có cảm giác đau ở giữa ngực hay có thể lệch sang trái. Đôi khi bệnh nhân không cảm giác là đau mà mô tả cảm giác giống đè mạnh, ép chặt hay bóp nghẹt, đôi khi kèm theo hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, bủn rủn tay chân.
Lồng ngực là nơi chứa đựng nhiều nội tạng. Do vậy, bất kỳ những tổn thương nào bên trong cơ thể cũng khiến cho bệnh nhân có cảm giác đau tức ngực giữa. Thậm chí, ngay cả những cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, gan, lách, tụy... khi gặp bệnh lý vẫn có thể biểu hiện bằng đau ngực do cơ chế đau quy chiếu, lan theo dẫn truyền thần kinh nguyên thủy. Vì vậy, việc khai thác chi tiết các đặc điểm đau rất quan trọng để xác định đúng căn nguyên.
Đau tức ngực giữa do tim là bệnh lý thường gặp và đáng ngại nhất.
Nguyên nhân luôn được các bác sĩ nghĩ đến đầu tiên là do các bệnh lý tim mạch. Nguyên nhân đáng lo ngại nhất của các cơn đau tức giữa ngực xuất hiện lặp đi lặp lại là do tắc nghẽn lưu thông của mạch máu nuôi tim. Những bất thường trong mạch vành, động mạch bị xơ vữa, giảm tưới máu và thiểu dưỡng cơ tim hầu hết sẽ biểu hiện triệu chứng đầu tiên là đau ngực.
Người bệnh mô tả cơn đau có vị trí trước xương ức, lệch sang vùng trước tim, thường xảy ra khi gắng sức, đi bộ nhanh, leo cầu thang, bị kích động tâm lý... Tình trạng này dễ gây thiếu máu cục bộ ở cơ tim, nếu tiến triển kéo dài sẽ làm nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ đột tử.
Đau sẽ giảm hoặc ngừng khi nghỉ ngơi. Một số ít có thể đau ngay cả khi nghỉ, đột ngột nặng ngực với cường độ dữ dội kèm vã mồ hôi, khó thở, nghỉ không bớt đau khiến người bệnh ôm ngực vì đau đớn thì cần nghĩ đến khả năng nhồi máu cơ tim, mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Ngoài ra, các bệnh lý tim mạch khác như co thắt mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy tim, viêm cơ tim... cũng thường biểu hiện bằng đau tức giữa ngực.
Bên cạnh tim, những bệnh thuộc về cơ quan hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn, viêm dày dính màng phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi..., ngoài các triệu chứng sốt, ho, khó thở, khò khè, người bệnh có thể khai đau tức ngực kèm theo.
Một số trường hợp bệnh nhân cảm giác vị trí đau nằm nông trên thành ngực, khu trú hay lan theo xương sườn thì nghĩ đến là do đau của thần kinh liên sườn hay đau do cơ, xương thành ngực sau chấn thương, tư thế đè ép.
Đau tức ngực giữa còn là triệu chứng của các bệnh lý thuộc đường tiêu hóa trên. Bệnh nhân khai đau ngực mơ hồ và kèm theo ăn kém, chán ăn, buồn nôn, nôn ói, ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, trướng bụng... Nguyên nhân thường gặp là do viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản, viêm đại tràng... Ngoài ra, đau tức ngực cũng có thể do áp-xe cơ hoành, áp-xe gan.
Đau tức ngực giữa cũng có thể gặp ở phụ nữ quanh tuổi tiền mãn kinh, do thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ hay do căn nguyên tâm lý, lo sợ, hồi hộp.
Ai có thể bị đau tức ngực giữa?
Đau tức giữa ngực với nguyên nhân do tim là bệnh lý thường gặp và đáng lo ngại nhất, đặc biệt là ở các đối tượng có nguy cơ cao xơ vữa động mạch. Đó là những người lớn tuổi, có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh thận mạn, tổng trạng béo phì, hút thuốc lá và có lối sống tĩnh tại, ít vận động.
Nữ giới sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành khi bước đến tuổi mãn kinh. Trường hợp tiền sử gia đình có cha mẹ, anh chị, ông bà bị các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu não thì sẽ có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn.
Đau tức ngực có nguy hiểm?
Đau tức ngực giữa là do bệnh tim mạch thì sẽ là một tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Với những cơn đau thắt ngực ổn định, chỉ xảy ra khi bệnh nhân gắng sức, giảm khi nghỉ là dấu hiệu của mạch vành đã bắt đầu hẹp dần, giảm tưới máu cho tim.
Nếu có thái độ chủ quan, tình trạng này kéo dài mà không can thiệp gì sẽ dẫn đến hệ quả là nhồi máu cơ tim, cơ tim bị hoại tử và nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến đột tử do tim.
Đau tức ngực giữa do các hệ cơ quan khác cũng chứng minh bệnh đang diễn tiến với mức độ nặng, đòi hỏi phương pháp điều trị tích cực, tránh để bệnh lan rộng ra thêm gây biến chứng khó lường.
Làm gì khi bị đau tức ngực?
Điều cần thiết là người bệnh nên đi khám chuyên khoa, chẩn đoán nguyên nhân và tuân thủ điều trị, dự phòng khi có các dấu hiệu đau tức ngực.
Khi xảy ra cơn đau tức ngực khi gắng sức, việc cần làm tức thời là ngưng ngay các hoạt động, tìm chỗ nghỉ ngơi và hít thở sâu. Nếu có sẵn thuốc thì dùng ngay các loại thuốc giãn mạch bằng cách ngậm hay xịt dưới lưỡi.
Thuốc giúp tăng lượng máu tới cơ tim và cơn đau sẽ dịu đi từ từ. Sau đó, cần theo dõi sát người bệnh, nếu sau 20 phút mà không thuyên giảm, cơn đau càng nhiều hơn, bệnh nhân có kèm khó thở, vã mồ hôi, bủn rủn tay chân... thì nên nhập viện ngay để xử trí kịp thời.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng rau củ quả, hạn chế dầu mỡ, chất béo, sinh hoạt, luyện tập, nghỉ ngơi điều độ cũng giúp cải thiện cơn đau thắt ngực. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe... Chọn cho mình một lối sống năng động, suy nghĩ lạc quan, ít buồn phiền, nóng giận cũng là một cách để ngừa bệnh.