Nguy hại khôn lường từ loại giày dép phát âm thanh và ánh sáng

Trần Quỳnh |

Đa số những đôi giày dép phát âm thanh và ánh sáng lại tiềm ẩn các nguy cơ không ngờ đối với sức khỏe của con em chúng ta.

Ở các độ tuổi khác nhau, trẻ em lại sở hữu những dáng đi bất đồng. Nếu lựa chọn những đôi giày không phù hợp với các bé, dáng đi và sức khỏe của các bé sẽ phải chịu những di chứng nặng nề.

Trong những năm đầu đời, các bậc phụ huynh thường chọn cho con em mình những loại giày dép phát âm thanh và ánh sáng để khuyến khích trẻ tập đi. Tuy nhiên, đa số chúng lại tiềm ẩn các nguy cơ không ngờ đối với sức khỏe của con trẻ.

Ảnh hưởng đến thính lực

Đối với những đôi giày phát ra âm thanh, tiếng kêu của chúng có thể được nghe rõ trong vòng bán kính 20m.

Trong khi đó, khoảng cách từ giày cho đến tai của các bé tương đối gần. Bởi vậy, âm thanh của trẻ nghe được khi đi những đôi giày này lớn hơn nhiều so với chúng ta nghe từ bên ngoài.

Không chỉ vậy, đối với những hãng giày dép khác nhau, chất lượng của các thiết bị âm thanh được gắn trong đó cũng không hề giống nhau.

Đặc biệt, với các mặt hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, những âm thanh tưởng như vui tai này hoàn toàn có thể đe dọa tới thính lực còn non nớt của trẻ.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi sử dụng một thời gian, các thiết bị âm thanh trong giày sẽ hư hao hoặc hết pin, tiếng kêu cũng theo đó mà trở nên nhỏ đi, thậm chí dẫn đến tình trạng một chiếc giày kêu to, một chiếc lại kêu bé.

Khi sở hữu những đôi giày như vậy, các bé sẽ hình thành thói quen bước chân bên nặng, bên nhẹ để nghe được âm thanh đồng đều.

Khi duy trì trong thời gian dài, đôi giày sẽ trở thành nguyên nhân khiến con trẻ bước tập tễnh, đi cà nhắc. Nếu không có cách khắc phục, dáng đi khập khiễng sẽ theo các bé cho tới khi trưởng thành hoặc trong suốt cuộc đời.

Ảnh hưởng tới thị lực

Tâm lý chung của trẻ nhỏ là dễ bị thu hút vào những đồ vật lấp lánh hoặc các loại ánh sáng nhấp nháy. Bởi vậy, giày phát sáng là thứ đặc biệt được các bé yêu thích.

Tuy nhiên, đối với đôi mắt đang trong thời kỳ phát triển của con trẻ mà nói, ánh sáng từ những đôi giày này có thể dễ dàng gây ra những thương tổn về thị lực.

Khi nhìn chăm chú vào những ánh đèn nhấp nháy trên giày dép, trẻ sẽ chớp mắt nhiều lần, đôi mắt cũng mệt mỏi vì phải điều tiết liên tục.

Nếu để tình trạng trên tiếp diễn trong thời gian dài, thị lực của các bé sẽ bị suy giảm, độ nhạy cảm về tri giác màu cũng bị hạ thấp, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài trong tương lai.

Gây nguy hiểm cho não

Những thiết bị phát ra âm thanh, ánh sáng thường được trang bị ở vị trí gót giày. Thiết kế này sẽ khiến trẻ có thói quen dồn lực vào gót chân khi chạm đất.

Nếu những bước đi nhẹ nhàng có thể làm giảm xóc cho não, thì dáng đi dồn lực vào gót chân kiểu này sẽ khiến trọng tâm cơ thể bị sai lệch, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của não và tạo nên những tư thế đi “lệch lạc”.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên cúi xuống nhìn vào giày còn gây ra nhiều bất lợi cho sự phát triển của cột sống và khoang ngực của trẻ.

Giảm độ nhạy cảm của chân

Những năm đầu đời là khoảng thời gian đôi chân của trẻ đặc biệt nhạy cảm. Khi mới chập chững bước đi, các bé thường dùng đôi chân để cảm nhận đường đi, nhận biết các sự vật.

Do đó, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo những đôi giày phát sáng và phát ra âm thanh thường làm phân tán sự chú ý và giảm khả năng cảm nhận của đôi chân. Điều này sẽ tạo nên những gián đoạn trong quá trình nhận thức và học hỏi của các bé.

Nguy cơ mất an toàn luôn tiềm tàng

Những âm thanh và ánh sáng phát ra từ giày dép dễ dàng lấy đi sự chú ý của các bé, khiến cho trẻ khó ý thức được những mối nguy hại từ môi trường xung quanh.

Đối mặt với nhiều luồng thông tin từ bên ngoài, trẻ nhỏ vốn đã gặp khó khăn trong việc tập trung. Các bé lại càng dễ dàng phân tâm nếu sở hữu những đôi giày quá hấp dẫn.

Do đó, những nguy cơ như vấp ngã, lạc đường, dẫm phải dị vật… là hoàn toàn có thể xảy ra khi các em mang những đôi giày phát ra âm thanh, ánh sáng.

*Theo NTDTV

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại