Nguy cơ xảy ra xung đột vì chiến lược mới của Mỹ ở Bắc Cực

Hải Vân |

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc Cực mới, tuyên bố rằng tình hình trong khu vực đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời gọi Trung Quốc là “thách thức đang gia tăng” và Nga là “mối đe dọa cấp tính”.

Nguy cơ xảy ra xung đột vì chiến lược mới của Mỹ ở Bắc Cực- Ảnh 1.

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo đài Sputnik (Nga), mặc dù Chiến lược Bắc Cực năm 2024 của Lầu Năm Góc là bản cập nhật đầu tiên cho cách tiếp cận của Bộ Quốc phòng đối với khu vực này kể từ năm 2019, song nó cũng dựa trên Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022 và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2022.

Ông Alexander Vorotnikov, điều phối viên của Hội đồng Chuyên gia thuộc Trung tâm Chuyên gia PORA (Văn phòng Dự án Phát triển Bắc Cực), bình luận: “Lầu Năm Góc sẽ mở rộng khả năng tình báo và chia sẻ thông tin, hợp tác với các đồng minh và đối tác để kiềm chế Nga ở Bắc Cực, thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận, hoạt động theo kế hoạch có tác động đến quốc phòng và răn đe”.

Ông nhấn mạnh cách tiếp cận của học thuyết mới này tiềm ẩn nguy cơ đối đầu với Nga và Trung Quốc.

Theo chiến lược mới, Lầu Năm Góc sẽ tăng cường nhận thức về lĩnh vực thông tin liên lạc, tình báo, giám sát và khả năng trinh sát ở Bắc Cực. Lầu Năm Góc cũng sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để duy trì khả năng phòng thủ và răn đe ở Bắc Cực. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng sẽ “thực hiện sự hiện diện được hiệu chỉnh ở Bắc Cực bằng cách thường xuyên huấn luyện trong khu vực và tiến hành các hoạt động quan trọng để duy trì khả năng răn đe”.

Quân đội Mỹ cho biết khu vực Bắc Cực đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng. Một mặt, Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trong khu vực. Mặt khác, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đã tạo ra những cơ hội mới cho liên minh quân sự phương Tây ở Bắc Cực.

Theo chuyên gia Vorotnikov, mặc dù Trung Quốc không phải là một quốc gia Bắc Cực, nhưng nước này đóng vai trò rất lớn trong chính sách Bắc Cực của tất cả các quốc gia - cả Nga và các quốc gia thành viên NATO.

Chiến lược của Lầu Năm Góc cũng đề cập đến thực tế là Nga tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự mới và hiện đại hóa các căn cứ thời Liên Xô trong khu vực, trong thời gian tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nguy cơ xảy ra xung đột vì chiến lược mới của Mỹ ở Bắc Cực- Ảnh 2.

Chiến lược Bắc Cực của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Ông Vorotnikov chỉ ra rằng đường bay ngắn nhất cho tên lửa hoặc máy bay ném bom giữa Mỹ và Nga chính là qua Bắc Cực. Hơn nữa, việc hai quốc gia Bắc Âu - Phần Lan và Thụy Điển - gia nhập NATO cũng đồng nghĩa với việc NATO đã mở rộng ở Bắc Cực, tạo động lực mới khiến Nga phải hành động để bảo vệ các vùng lãnh thổ Bắc Cực của nước này.

Cuối tháng 12/2023, đài CBS News dẫn tuyên bố của các chuyên gia an ninh cho biết “dấu chân” quân sự của phương Tây ở Bắc Cực chậm hơn khoảng 10 năm so với Nga. Trong khi đó, bán đảo Kola - chủ yếu nằm ở phía tây bắc nước Nga và một phần ở Phần Lan và Na Uy - là nơi đặt Hạm đội phương Bắc của Nga.

Một vấn đề khác có tầm quan trọng đặc biệt cũng được học thuyết đề cập đến là việc Nga kiểm soát Tuyến đường biển phía Bắc (NSR), có ý nghĩa là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa phần phía tây của Âu Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường.

Tuyến NSR hầu như hoàn toàn đi qua vùng biển lãnh thổ của Nga hoặc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia này. Luật pháp Nga quy định rằng NSR là “hành lang vận tải quốc gia phát triển theo lịch sử”. Về phần mình, Mỹ đã nhiều lần cố gắng thách thức lập trường này bằng cách tuyên bố rằng tuyến đường này là “eo biển quốc tế”.

Chuyên gia Vorotnikov chỉ ra rằng vào ngày 11/7, các nhà lãnh đạo Mỹ, Canada và Phần Lan đã công bố ý định thành lập Nỗ lực hợp tác phá băng, hay Hiệp ước ICE, để tăng cường hiện diện ở Bắc Cực.

“Phần Lan, Mỹ và Canada có ý định cùng xây dựng một hạm đội phá băng, sẽ hoạt động ở vùng Bắc Cực. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hành động của Nga ở vùng Bắc Cực”, ông Vorotnikov bình luận.

Ngoài ra, học thuyết này cũng đề cập đến tình trạng nóng lên toàn cầu như một yếu tố quan trọng của khu vực về mặt kinh tế, an ninh và địa chính trị.

“Khi băng tan, tầm quan trọng chiến lược chung của khu vực thay đổi, vì eo biển Bering giữa Alaska và Nga và biển Barents phía bắc Na Uy trở nên dễ điều hướng hơn và quan trọng hơn về mặt kinh tế và quân sự. Chiến lược cũng lưu ý rằng đến năm 2030, chúng ta có thể kỳ vọng rằng khí hậu ở đây sẽ thay đổi rất lớn đến mức không thể sử dụng tàu phá băng”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại