Nguy cơ thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia khi Ukraine chuẩn bị phản công

Hoàng Phạm |

Tình hình xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày càng trở nên khó lường và có khả năng gây nguy hiểm trong bối cảnh Ukraine đã tập trung lực lượng tại tiền tuyến để tiến hành phản công ở Zaporizhzhia.

Những lo ngại về sự an toàn của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã gia tăng trở lại trong bối cảnh Ukraine đang lên kế hoạch phản công Nga.

Ông Vladimir Rogov, quan chức cấp cao của chính quyền khu vực Zaporizhzhia ngày 4/5 cho biết. Ukraine đã tập trung đủ lực lượng tại tiền tuyến để tiến hành một cuộc phản công ở Vùng Zaporizhzhia.

Nguy cơ thảm họa hạt nhân tại Zaporizhzhia khi Ukraine chuẩn bị phản công - Ảnh 1.

Lính Nga đứng gác tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia quân sự Ukraine và phương Tây nhiều lần tuyên bố Vùng Zaporizhzhia là một trong những mục tiêu chính của Kiev, vì nó sẽ mở đường tiếp cận biển Azov và cắt đứt hành lang đất liền của Nga tới Crimea.

Trong một thông báo ngày 8/5, Thống đốc do Nga chỉ định tại Zaporizhzhia Evgeniy Balitsky cho biết, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã được đưa vào trạng thái không hoạt động. Quyết định tạm dừng hoạt động của nhà máy được đưa ra do mối đe dọa về các hành động “không thể đoán trước” của Kiev.

Trước đó, hôm 6/5, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cảnh báo, tình hình xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia “ngày càng trở nên khó lường và có khả năng gây nguy hiểm”.

“Tôi vô cùng lo ngại về những rủi ro an ninh và an toàn hạt nhân thực sự mà nhà máy này đang phải đối mặt. Chúng ta phải hành động ngay để ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân nghiêm trọng và những hậu quả liên quan của nó đối với người dân và môi trường”, ông Grossi nhấn mạnh.

Nỗi ám ảnh Chernobyl và Fukushima

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (NPP) nằm sát biên giới phía Nam của Ukraine. Với 6 lò phản ứng, Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Năm 2022, nơi đây trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong lịch sử vẫn tiếp tục hoạt động giữa xung đột.

Khi lực lượng Nga kiểm soát nhà máy này vào tháng 3/2022, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa. Bất cứ sự cố tiềm ẩn tại nhà máy này cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như thảm họa Chernobyl năm 1986. Thảm họa Chernobyl đã giải phóng bức xạ khắp châu Âu, ảnh hưởng đến đời sống của con người, thực vật và động vật trong khu vực.

Ông Edwin Lyman, một nhà vật lý và Giám đốc an toàn năng lượng hạt nhân của Liên minh các nhà khoa học có trụ sở tại Mỹ, cho rằng, bất kỳ sự cố rò rỉ phóng xạ nào tại NPP sẽ có nhiều điểm tương đồng với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản.

“Hậu quả dẫn dẫn đến việc phóng xạ phát tán rộng và lớn như tại Chernobyl có lẽ ít khả năng xảy ra tại các lò phản ứng ở Zaporizhzhia, vốn là các lò phản ứng nước nhẹ tương tự như các lò phản ứng ở Đức hoặc nhiều nước phương Tây khác”, ông Lyman nói.

Sự cố hạt nhân ở Fukushima là hậu quả của một trận động đất và sóng thần mạnh khiến nhà máy bị mất điện, gây ra 3 vụ rò rỉ, các vụ nổ hydro và bức xạ.

Các báo cáo chính thức đã kết luận rằng mặc dù có nhiều người chết trong trận sóng thần và động đất, nhưng không có ai chết do phản ứng trực tiếp với sự cố hạt nhân. Bên cạnh các bệnh do phóng xạ mà những người ở khu vực lân cận gặp phải, tác động sức khỏe lớn nhất là căng thẳng tâm lý mà những người ở gần đó trải qua khi họ được sơ tán.

Theo ông Lyman mức độ bức xạ mà một vụ tai nạn tiềm ẩn tại Zaporizhzhia gây ra có thể phụ thuộc vào việc liệu vụ tai nạn có phải do kỹ thuật hay không, chẳng hạn như do cơ sở bị mất điện trong nhiều ngày, hay liên quan đến chiến đấu - trong trường hợp này phóng xạ sẽ phát tán nhanh hơn. Khi đó mức độ nghiêm trọng của sự cố ở Zaporizhzhia sẽ ở giữa mức độ của Chernobyl và Fukushima.

“Tôi nghĩ khả năng xảy ra một thảm họa tương tự như Chernobyl là khá thấp. Có lẽ sẽ có những tác động có thể đo lường được, nhưng không thảm khốc như những gì đã xảy ra vào năm 1986”.

Rủi ro lớn nhất đối với nhà máy Zaporizhzhia?

Theo ông James Acton, đồng Giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, các lò phản ứng tại Zaporizhzhia được bảo vệ bằng lớp vỏ bê tông cốt thép và việc một quả đạn trực tiếp bắn trúng lò phản ứng là điều khó xảy ra.

Rủi ro lớn nhất đối với NPP là các cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine khiến cung cấp điện cho nhà máy này bị cắt.

Các nhà máy hạt nhân dựa vào điện để giữ mát và Ukraine đã tăng cường các biện pháp an toàn tại NPP sau sự cố Fukushima Daiichi ở Nhật Bản năm 2011. Nhà máy Zaporizhzhia đã bị ngắt kết nối với lưới điện ít nhất 2 lần. Ukraine và Nga đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích làm hư hại mạng lưới truyền tải điện.

Hồi tháng 3/2023, các cuộc tấn công bằng tên lửa đã gây ra sự cố ngừng hoạt động và khiến nhà máy phải hoạt động bằng máy phát điện diesel khẩn cấp. Nguồn cung cấp năng lượng dự phòng đó rất quan trọng để làm mát nhiên liệu lò phản ứng tại nhà máy và ngăn chặn khả năng rò rỉ hạt nhân có thể giải phóng năng lượng nhiệt và bức xạ nguy hiểm vào khí quyển.

IAEA cho biết mặc dù các máy phát điện vẫn có thể hoạt động và NPP có đủ nhiên liệu để duy trì hoạt động trong 10 ngày trong trường hợp khẩn cấp, nhưng việc vận chuyển dầu diesel đến địa điểm này đã trở nên phức tạp do giao tranh đang diễn ra.

Trong thời bình, khả năng tất cả các hệ thống làm mát bị hỏng là rất thấp. “Tuy nhiên, trong thời chiến, khả năng xảy ra sự cố nghiêm trọng là khá cao. Đơn giản là vì các nhà máy điện hạt nhân là không được thiết kế để ở trong vùng chiến sự”, ông Acton nói.

Nguy cơ từ các nhà máy hạt nhân nằm trong tầm bắn của tên lửa

Ngoài Zaporizhzhia, ông Lyman cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố tại các nhà máy hạt nhân khác ở Ukraine, bao gồm một nhà máy không hoạt động ở Chernobyl và 3 nhà máy đang hoạt động ở các khu vực khác. Các nhà máy này lâu đời hơn NPP, do đó chúng thậm chí còn dễ gây tác động nghiêm trọng hơn trong trường hợp xảy ra sự cố.

“Có ba nhà máy hạt nhân khác ở Ukraine gần biên giới phía Tây. Chúng cách xa mặt trận nhưng vẫn nằm trong tầm bắn tên lửa hoặc máy bay không người lái”, ông Lyman nói.

Ông cho rằng mặc dù không có lò phản ứng nào trong số đó có cùng mẫu với các lò phản ứng ở Chernobyl, nhưng một số lò phản ứng nước nhẹ cũ từ thời Liên Xô không có khả năng chống chịu trước một cuộc tấn công như nhà máy ở Zaporizhzhia. Các sự cố xảy ra tại đây sẽ trở thành mối lo ngại lớn đối với khu vực châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại