Nguy cơ 'sóng thần’ nợ toàn cầu khi COVID-19 không thuyên giảm

Bảo Hà |

Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách lo ngại về "sóng thần" nợ càn quét thế giới trong bối cảnh các nước vẫn còn lao đao trước đại dịch COVID-19.

Dẫn báo cáo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố ngày 18/11, đài Sputnik đưa tin dự báo nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối năm nay, đạt 277.000 tỷ USD.

Sau khi các biện pháp và chính sách quy mô quốc gia được thực hiện để giảm bớt những tác động tàn phá của cuộc khủng hoảng y tế COVID-19, mức nợ toàn cầu đã tăng vọt 15.000 tỷ USD lên hơn 272.000 tỷ USD trong quý 3 năm 2020.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế không có dấu hiệu thuyên giảm, IIF dự báo tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới. Số liệu của IIF cho thấy gánh nặng nợ sẽ đặc biệt nặng nề ở các thị trường phát triển, khi tỷ lệ nợ/GPD tại những thị trường này đã tăng vọt lên 431% so với tỷ lệ 380% cuối năm 2019. Trong khi đó, vào quý III của năm 2020, tỷ lệ nợ/GDP tại những thị trường mới nổi cũng đạt mức gần 250%, trong đó Trung Quốc đạt 335%.

Hiệp hội toàn cầu của ngành tài chính, với gần 450 thành viên thuộc 70 quốc gia, dự đoán tổng số nợ của Mỹ sẽ đạt 80.000 tỷ USD vào năm 2020, tăng so với mức 71.000 tỷ USD đăng ký vào năm 2019.

Báo cáo cũng chỉ ra tại khu vực đồng Euro, tính đến tháng 9/2020, nợ đã tăng 1.500 tỷ USD lên tới 53.000 tỷ US, trong khi ở các nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ nợ tăng mạnh nhất cho đến nay được ghi nhận ở Lebanon, Trung Quốc, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc thanh toán các khoản nợ chính phủ được coi là khó khăn hơn nhiều do doanh thu của các chính phủ thị trường mới nổi ngày càng giảm, bất kể chi phí vay nợ toàn cầu thấp kỷ lục.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4% trong năm nay trong đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Mặc dù IMF dự báo tốc độ tăng trưởng trong năm 2021 có thể đạt 5,2% nhưng sự phục hồi được cho là chỉ xảy ra "một phần và không đồng đều".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại