Nguy cơ phải trả nợ thay Vinashin 63.000 tỷ

L.Bằng |

Nợ từ thời làm ăn thua lỗ của Vinashin sẽ khiến ngân sách có thể sẽ phải trả nợ thay cho doanh nghiệp này số tiền lên tới hơn 63.000 tỷ trong 10 năm tới.

Trong báo cáo thẩm tra tình hình nợ công, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá: Việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA hiệu quả chưa cao; một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay ODA gặp khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức khá cao, tác động trực tiếp tới các chỉ tiêu giới hạn nợ công.

Đó là một số dự án thuộc ngành xi măng, giao thông, công nghiệp tàu thủy, giấy, thép, hóa chất.

Cụ thể, tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuyển từ vốn vay sang vốn ngân sách nhà nước cấp, chuyển thành nợ Chính phủ 55,4 nghìn tỷ đồng.

Với trường hợp Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) – tên gọi của Vinashin sau tái cơ cấu - dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng...

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng điểm danh hàng loạt dự án vay vốn với điều kiện vay bị ràng buộc, chi phối bởi phía cho vay trong việc lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp nguyên, vật liệu, thiết bị, vật tư... Điều này dẫn tới chi phí thực hiện dự án cao, hiệu quả thấp, gây bức xúc trong dư luận.

Còn tồn tại tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của một số dự án ODA với mức điều chỉnh lớn so với phê duyệt ban đầu .

Đó là Dự án Metro Hà Nội tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1,17 tỷ EUR, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức đầu tư từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng.

Dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1cũng “đội vốn” gấp đôi, từ mức 11.464 tỷ đồng lên 22.259 tỷ đồng và chưa dừng lại, tiếp tục kiến nghị tăng thêm 26.051 tỷ đồng.

Dự án nhiệt điện Ô Môn 1 điều chỉnh tăng từ 8.267 tỷ đồng lên 11.538 tỷ đồng, tăng lần 3 lên 16.988 tỷ đồng...

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, nhận thức về ODA còn hạn chế, còn tâm lý bao cấp từ Nhà nước, coi ODA là khoản viện trợ hoặc cho không của các quốc gia phát triển nên chưa thực sự chú trọng trong quản lý, sử dụng hiệu quả; một số trường hợp vi phạm pháp luật, quy định của nhà tài trợ gây thất thoát, lãng phí; ảnh hưởng uy tín quốc gia trong quan hệ với các nước dành nguồn vốn hỗ trợ ODA cho Việt Nam.

Ủy ban Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, khi Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA), nợ công sẽ căng thẳng trong 10 năm tới, Chính phủ cần có chính sách rõ ràng để thu hút, hướng các nguồn đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 cho những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đồng thời tập trung khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách sử dụng, quản lý vốn ODA để nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm an toàn nợ công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại